Trong những ngày gần đây, phương tiện truyền thông lại đưa tin về các thiết bị kỹ thuật vô tuyến có hiệu suất cao hoạt động ở bán đảo Crimea đã gây nhiễu các hệ thống giám sát vệ tinh.
Cụ thể, chúng ta đang nói đến sự can thiệp vào vệ tinh radar Sentinel-1 thuộc Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA). Theo ghi nhận, những hệ thống tác chiến điện tử (EW) mạnh mẽ, được gọi là "siêu EW", đã một lần nữa được kích hoạt ở khu vực Crimea, cản trở hoạt động của vệ tinh hoạt động trên băng tần C.
Những trường hợp sử dụng hệ thống kỹ thuật vô tuyến mạnh mẽ trước đây ở Crimea đã nhiều lần trở thành chủ đề thảo luận giữa các chuyên gia phân tích phương tiện tác chiến điện tử hiện đại.
Báo chí biết rằng “siêu hệ thống tác chiến điện tử” không chỉ có khả năng triệt tiêu tín hiệu vô tuyến mà còn tạo ra nhiễu làm gián đoạn hoạt động của vệ tinh, từ đó làm phức tạp việc thu thập dữ liệu và theo dõi tình hình.
Một trong những hệ thống bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi sự can thiệp này là chòm sao vệ tinh Sentinel-1, hoạt động ở tần số 5,405 GHz, tương ứng với bước sóng khoảng 5,547 cm.
Các vệ tinh này thuộc Cơ quan Vũ trụ Châu Âu và đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát Trái đất bằng radar khẩu độ tổng hợp (SAR). Công nghệ trên cho phép theo dõi chi tiết tình trạng bề mặt, bao gồm những khía cạnh quan trọng như thay đổi cảnh quan, phát hiện thiệt hại và theo dõi hoạt động tại khu vực xung đột.

Chòm sao vệ tinh Sentinel-1 bao gồm 2 vệ tinh: Sentinel-1A và Sentinel-1B, chúng sử dụng công nghệ SAR băng tần C và nằm trên quỹ đạo cực. Với khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết (kể cả trời mây và ban đêm), vệ tinh Sentinel-1 cung cấp khả năng giám sát 24/7 và cho phép theo dõi hiệu quả hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng.
Các vệ tinh hoạt động ở 4 chế độ chụp ảnh, mỗi chế độ có những đặc điểm riêng:
1. Stripmap (SM) - được sử dụng để thu thập hình ảnh có độ phân giải cao, cho phép khám phá chi tiết lãnh thổ.
2. Quét rộng giao thoa (IW) - cung cấp phạm vi bao phủ rộng hơn, dùng để phân tích các khu vực rộng lớn như thiên tai hoặc những thay đổi trong lớp vỏ trái đất.
3. Dải cực rộng (EW) - bao phủ những khu vực rộng lớn hơn, cung cấp thông tin có giá trị cao cho việc lập bản đồ và giám sát toàn cầu.
4. Sóng (WV) - được sử dụng để theo dõi các điều kiện biển, bao gồm sóng và một vài đặc điểm quan trọng khác đối với vận tải và hàng hải.
Mỗi chế độ này có các thiết lập phân cực, cho phép công nghệ vệ tinh có thể thích ứng với nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm phân loại bề mặt, giám sát lưu lượng giao thông và an toàn môi trường.
Các vệ tinh radar như Sentinel-1 phụ thuộc rất nhiều vào radar khẩu độ tổng hợp để thu thập dữ liệu và tín hiệu của chúng có thể dễ bị gây nhiễu.
Việc sử dụng "siêu tác chiến điện tử" theo nhận định gây nhiễu hoặc "làm méo" tín hiệu radar, từ đó can thiệp vào dữ liệu mà các vệ tinh này truyền về Trái Đất.