Ứng cử viên cho chức Thủ tướng Đức, lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) - ông Friedrich Merz đã kêu gọi hỗ trợ cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine.
Chính trị gia này tin rằng vấn đề trên nên được thống nhất ở cấp Liên minh châu Âu để có thể xây dựng được lập trường chung. Tuyên bố này đã gây ra một cuộc tranh luận lớn ở Đức, nơi mà lập trường về vấn đề cung cấp vũ khí vẫn còn chia rẽ.
“Chúng ta phải giúp Ukraine bằng mọi phương tiện có sẵn, bao gồm cả tên lửa hành trình hiện đại. Quyết định bàn giao Taurus phải được thống nhất trong EU để tránh bất đồng và đảm bảo sự ủng hộ chung", ông Merz cho biết.
Tuy nhiên Thủ tướng hiện tại Olaf Scholz vẫn kiên quyết phản đối sáng kiến này, nhấn mạnh rằng việc cung cấp vũ khí có khả năng tấn công lãnh thổ Nga sẽ dẫn đến leo thang nguy hiểm của cuộc xung đột.
Ông Scholz tin rằng điều này không phù hợp với chiến lược hiện tại của Đức là hỗ trợ Ukraine và tạo ra nguy cơ Berlin sẽ trực tiếp tham gia vào trận chiến.
![Ukraine đã mong đợi tên lửa hành trình Taurus của Đức từ rất lâu. taurus-ila2006.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/cdb150776b030707bae16d2464c6237ab2b5a987762f80f4982cd1e7dcf61b2e0b3fe7834a87be036faec800fa1d39db/taurus-ila2006.jpg)
Tên lửa hành trình Taurus sở hữu tầm bắn lên tới 500 km và có khả năng tấn công các mục tiêu chiến lược sâu nằm trong lãnh thổ đối phương. Việc sử dụng chúng dự báo sẽ tăng cường đáng kể khả năng tấn công của Ukraine.
Tuy nhiên việc cung cấp vũ khí này cho Kyiv đi kèm với những rủi ro nghiêm trọng. Moskva đã tuyên bố rằng những đợt chuyển giao như vậy sẽ được coi là sự can thiệp trực tiếp của phương Tây vào cuộc xung đột.
Quan điểm đối lập của ông Merz và Scholz làm nổi bật căng thẳng gia tăng trong nền chính trị Đức, giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine.
Ông Merz - người đại diện cho phe bảo thủ, đang nhấn mạnh những bước đi quyết đoán hơn để tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraine. Chính trị gia này nhận được sự ủng hộ từ đại diện một số nước Đông Âu, bao gồm Ba Lan và Litva, khi các quốc gia trên thiên về việc tăng viện trợ quân sự cho Kyiv.
Ngược lại, ông Scholz lại có cách tiếp cận thận trọng vì lo ngại những hậu quả tiêu cực đối với sự ổn định quốc tế. Thủ tướng hiện tại tin rằng Đức không nên gây nguy hiểm cho an ninh của mình bằng cách tham gia vào hoạt động cung cấp vũ khí có thể thay đổi cán cân quyền lực và dẫn đến những hành động trả đũa từ Nga.