Hiểm họa từ đường ngang
Trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo việc khắc phục hậu quả vụ TNGT chiều 21/1 tại Hải Dương, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng đã chỉ ra nhiều bất cập về hạ tầng giao thông tại khu vực này. Khu vực xảy ra tai nạn vạch kẻ đường rất mờ, không nhìn rõ, thiết kế cầu vượt cũng chưa hợp lý. Đặc biệt, nguyên nhân hình thành “điểm đen” về TNGT này là do cầu vượt đi bộ kết hợp với quốc lộ, làn xe thô sơ và người đi bộ.
Cây cầu vượt, gần vị trí xảy ra tai nạn, là cầu vượt số 9 thuộc km76 trên QL5 phục vụ nhu cầu đi lại của người dân 4 thôn của xã Kim Lương. Về vấn đề này, một giảng viên trong lĩnh vực quy hoạch giao thông của Đại học GTVT khẳng định, cầu vượt đi bộ, dẫn thẳng xuống mặt đường quốc lộ là sai nguyên tắc thiết kế và gây nguy hiểm cho người dân. Khi xây dựng cầu, đơn vị thiết kế và thẩm định công trình giao thông, phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng trước khi cho phép vận hành. Như vậy, trong trường hợp này đơn vị thiết kế, thẩm định cầu phải chịu trách nhiệm.
Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương Lê Đình Long cũng thừa nhận thiết kế lối lên cầu vượt ở vị trí này là bất cập và chưa phù hợp với thực tiễn giao thông. Ông Long cho biết, tuyến QL5 và tuyến đường sắt chạy qua địa bàn huyện Kim Thành có 99 đường ngang, nhiều nhất tỉnh Hải Dương. Đây là hiểm họa hiện hữu với người tham gia giao thông bởi đã xảy ra nhiều vụ TNGT tại các đường ngang này. Dẫu đã được cơ quan quản lý cấp trên thống nhất phương án làm đường gom nhưng do thiếu kinh phí nên tới nay vẫn chưa thi công được.
Trước thực tế ấy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát ngay công tác bảo đảm ATGT đối với những cây cầu này, đồng thời làm việc với đơn vị quản lý khai thác QL5 để chấn chỉnh tình trạng vạch kẻ sơn mờ, hệ thống biển báo chưa chuẩn. Đây là việc làm cấp thiết tiến tới quý IV/2019 Bộ GTVT sẽ cho lập dự án sửa chữa định kỳ đoạn đường từ km46 - km76 địa bàn tỉnh Hải Dương.
|
Siết chặt kiểm tra tài xế
Sau hàng loạt các vụ TNGT nghiêm trọng do tài xế bị phát hiện dương tính với ma túy gây ra, nhiều địa phương trên cả nước đã ráo riết ra quân kiểm tra nhằm hạn chế việc tài xế sử dụng rượu bia, chất kích thích.
Tại TPHCM lực lượng chức năng khẳng định sẽ vào tận các bến xe khách liên tỉnh kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích đối với toàn bộ tài xế. Điều này nhằm chặn đứng nguy cơ TNGT do tài xế không tỉnh táo trước khi xuất bến. Tài xế phải xuất trình đầy đủ giấy phép lái xe, chứng nhận sức khỏe, chứng chỉ điều khiển xe khách... Danh sách tài xế được các đơn vị vận tải có trách nhiệm tổng hợp, cung cấp cho bến xe để theo dõi. Qua kiểm tra, nếu phát hiện tài xế có sử dụng rượu bia, dương tính với ma túy, tổ kiểm tra lập biên bản tại chỗ và có thể tước giấy phép lái xe, không cho xe xuất bến.
Tại Hà Nội, từ tối 21/1, một tổ công tác của Cục CSGT đã lập chốt tổng kiểm tra hành chính, nồng độ cồn và ma túy đối với tài xế xe khách từ 8 chỗ trở lên, xe tải và xe container tại trạm thu phí cao tốc Pháp Vân, Cầu Giẽ, Thanh Trì, Hà Nội. Qua kiểm soát, những hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông sẽ được lực lượng CSGT tập trung xử lý, nhất là vi phạm ma túy và nồng độ cồn. Lực lượng chức năng có thể test ma túy qua mồ hôi, nước bọt, nước tiểu, máu của tài xế. Đây là lần đầu tiên Cục CSGT phối hợp với Trung tâm Giám định ma túy để kiểm tra ma túy với tài xế.
Cùng với đó, Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tổ chức tổng kiểm tra sức khỏe định kỳ cho lái xe tại các cơ sở y tế. Theo đó, các đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm phối hợp với cơ sở y tế giám sát chặt chẽ quá trình xét nghiệm 4 loại chất gây nghiện, gồm: Morphin/heroin, amphetamine, methamphentamine, marijuana (cần sa). Lực lượng chức năng sẽ tăng cường tần suất kiểm tra liên tục, tổ chức kiểm tra lưu động và bất ngờ. Việc kiểm tra bất ngờ này khiến tài xế không kịp đối phó. Việc tổng kiểm tra sẽ hoàn thành trước ngày 28/2.