Luật sư kiến nghị tăng mức phạt đối với lái xe “phê” ma túy

GD&TĐ - Theo giới Luật sư, mức phạt hiện nay vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ răn đe đối với "dân bay" lái xe. Luật sư Hoàng Thị Thuyên - Công ty Luật TNHH “XTVN” (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) phân tích và đề xuất mức phạt đối với hành vi nguy hiểm này.

Nhiều vụ tai nạn thảm khốc là hậu quả của việc lái xe phê ma túy gây ra
Nhiều vụ tai nạn thảm khốc là hậu quả của việc lái xe phê ma túy gây ra

Bên cạnh vấn nạn lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn cao trong máu, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thảm khốc do lái xe dương tính với ma túy gây ra. 

Khoản 7 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Cấm điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy”. phụ lục số 01 ban hành kèm theo thông tư số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21/08/2015 (gọi tắt là Thông tư 24/2015), quy định tiêu chuẩn về sức khỏe của người lái xe: “người sử dụng các chất ma túy thì không đủ điều kiện lái xe”.

Khi lái xe mà trong cơ thể có chất ma túy, người lái xe có thể phải đối mặt với 4 loại chế tài như sau: Phạt hành chính, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, mức chế tài còn nhẹ và chưa đủ sức để răn đe, cụ thể:

Thứ nhất: Trách nhiệm hành chính

Khoản 11 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 46/2016) quy định “Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy”.

Theo tôi, mức phạt này là quá thấp, cần kéo dài thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe lên mức từ 48 tháng đến 60 tháng, tăng mức phạt tiền lên mức từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với người có hành vi vi phạm này.

Thứ hai: Trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì mức phạt tù đối với người sử dụng chất ma túy vi phạm pháp luật hình sự, tùy từng tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị phạt tù với mức thấp nhất 3 năm, cao nhất 15 năm.

Theo tôi, cần nâng mức phạt tù thấp nhất của Điều luật từ 3 năm lên 7 năm. Đối với hình phạt bổ sung, nên quy định hình phạt “cấm lái xe vĩnh viễn” đối với người sử dụng chất ma túy khi tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm pháp luật hình sự.

Luật sư Hoàng Thị Thuyên
 Luật sư Hoàng Thị Thuyên

Thứ ba: Trách nhiệm kỷ luật

Điều 126 Bộ Luật lao động 2012 quy định hình thức kỷ luật sa thải được áp dụng với người lao động trong những trường hợp sau đây:

“Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc…”. Tuy nhiên, đối với nghề lái xe ô tô, cần có quy định cụ thể hơn là người lao động phải áp dụng hình thức kỷ luật sa thải nếu lái xe sử dụng ma túy thay vì quy định chung chung như hiện nay “sử dụng lái xe đảm bảo sức khỏe theo quy định của pháp luật” (Thông tư 24/2015).

Tại Nghị định 46/2016-NĐ/CP không có quy định xử phạt đối với người lao động sử dụng lái xe không đủ điều kiện sức khỏe mà chỉ quy định xử phạt hành vi “không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe” và mức phạt rất thấp từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Ngoài việc tăng các chế tài áp dụng trực tiếp cho lái xe, cần rà soát các quy định Pháp luật, sửa đổi mức chế tài đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật trên thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ