Sẽ xây dựng luật điều chỉnh về tư pháp người chưa thành niên

GD&TĐ - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, Tòa án Nhân dân tối cao được giao phụ trách 14 luật, pháp lệnh. Trong đó, chủ trì soạn thảo 9 luật, pháp lệnh; phối hợp rà soát 5 luật.

Các đại biểu tham dự hội nghị từ điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.
Các đại biểu tham dự hội nghị từ điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

Sẽ thành lập thêm Tòa án nhân dân cấp cao

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Khoá XV, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, Tòa án Nhân dân tối cao được giao phụ trách 14 luật, pháp lệnh; trong đó, chủ trì soạn thảo 9 luật, pháp lệnh; phối hợp rà soát 5 luật.

Trong đó, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân được giao Tòa án Nhân dân tối cao chủ trì rà soát.

Với nhiệm vụ này, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sẽ hoàn thành vào năm 2022, để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022.

Toà án Nhân dân tối cao xác định, sẽ sửa đổi, bổ sung về cơ cấu, tổ chức của các Tòa án cho phù hợp với tính chất, chức năng, nhiệm vụ. Sửa đổi, bổ sung các ngạch Thẩm phán của các cấp Tòa án.

Ban hành văn bản quy định về mô hình tổ chức hành chính tư pháp áp dụng cho các cấp Tòa án. Trong đó phải quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quy trình thực hiện nhiệm vụ và tổ chức hoạt động của bộ phận hành chính tư pháp nhằm phân tách hoàn toàn các quy trình thủ tục mang tính chất hành chính với quy trình thủ tục tố tụng tại các Tòa án.

Với việc sửa đổi pháp luật về tổ chức Toà án nhân dân sẽ thành lập thêm 1 Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Cần Thơ với thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 10 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và 1 Tòa án nhân dân cấp cao tại tỉnh Yên Bái với thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 15 tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Triển khai việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực. Trong đó tổ chức đầy đủ các Tòa chuyên trách như tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Điều này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án cấp huyện hiện nay.

Bên cạnh nghiên cứu, rà soát để sửa đổi luật, pháp lệnh hiện hành, theo Đề án của Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao được giao chủ trì nghiên cứu, tổng kết thực tế để xây dựng Luật điều chỉnh về tư pháp người chưa thành niên.

Dự án Luật này sẽ cung cấp một khung pháp lý thống nhất hơn dành cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên thông qua tổng hợp và tăng cường các quy định đang nằm rải rác trong nhiều luật. Nhấn mạnh cách tiếp cận người chưa thành niên về cơ bản khác với người trưởng thành và việc xử lý người chưa thành niên hiệu quả đòi hỏi phải có các biện pháp chuyên biệt ghi nhận nhu cầu cụ thể và tính dễ bị tổn thương của người chưa thành niên.

Hướng dẫn chi tiết cho các cơ quan tiến hành tố tụng về các biện pháp phù hợp và hiệu quả để xử lý người chưa thành niên ở tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự và tố tụng hành chính.

Đảm bảo tiếp cận toàn diện và chuyên nghiệp hơn trong giáo dục và giám sát người chưa thành niên vi phạm pháp luật đang chịu các biện pháp phạt cải tạo không giam giữ. Tăng cường phối hợp, hợp tác và cải thiện hiệu quả của các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên.

Thúc đẩy công bằng tư pháp, nâng cao niềm tin của công chúng

Tòa án Nhân dân tối cao cũng được giao chủ trì nghiên cứu xây dựng Luật điều chỉnh về Hội thẩm nhân dân.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, Tòa án Nhân dân tối cao đã nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” trình Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương cho ý kiến.

Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương thống nhất với đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao về việc nghiên cứu, xây dựng Luật điều chỉnh về Hội thẩm nhân dân. Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá sâu sắc và hoàn thiện hơn nữa về chế định hội thẩm nhân dân.

Luật điều chỉnh về Hội thẩm nhân dân sẽ xây dựng cơ chế pháp lý hữu hiệu bảo đảm nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án một cách thực chất, phù hợp với nguyên tắc pháp quyền. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng xét xử, thúc đẩy công bằng tư pháp, nâng cao niềm tin của công chúng vào công lý. Hướng tới xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Cùng với việc xây dựng mới một số luật, Tòa án Nhân dân tối cao được giao chủ trì xây dựng Pháp lệnh điều chỉnh về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án; Pháp lệnh về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch; chi phí tố tụng khác do luật khác quy định và việc miễn, giảm chi phí tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án (thay thế Pháp lệnh số 02/2012 về Chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng).

Bên cạnh đó, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, qua công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn xét xử, Tòa án nhân dân tối cao đề xuất Quốc hội xem xét, bổ sung vào Đề án 1 luật và 1 pháp lệnh mới.

Cụ thể, bổ sung Luật về tố tụng điện tử để quy định về trình tự, thủ tục tố tụng điện tử (cấp, tống đạt điện tử; cung cấp, thu thập chứng cứ điện tử; tổ chức phiên tòa, phiên họp điện tử...) trong việc giải quyết các vụ án hình sự, hành chính, dân sự tại Tòa án. Bổ sung Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa nguời nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân.

Để bảo đảm thực hiện Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao sẽ chỉ đạo chung triển khai thực hiện Đề án theo đúng lộ trình và yêu cầu nhiệm vụ Đề án đặt ra. Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án, trong đó, phân công rõ trách nhiệm của các Đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân địa phương. Phân công đơn vị thường trực giúp việc Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao theo dõi, đôn đốc việc triển khai thi hành Đề án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.