Đại biểu Quốc hội: Để học sinh trở lại trường, việc đầu tiên là tiêm chủng cho các em

GD&TĐ - Bên lề Quốc hội, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề mở cửa trường học an toàn để đón học sinh đi học trở lại.

Đại biểu Quốc hội: Để học sinh trở lại trường, việc đầu tiên là tiêm chủng cho các em
Để học sinh sớm được đến trường, thì điều đầu tiên phải đẩy nhanh tiêm vắc-xin cho các em. Tiến tới, chúng ta phải chủ động được nguồn vắc-xin. Có nghĩa là, cần có “vắc-xin made in Vietnam”.

- Hiện, một số quận, huyện của TP Hà Nội là “vùng xanh” nhưng học sinh vẫn phải học trực tuyến, khiến phụ huynh lo ngại tác động không tốt đến con em họ. Đại biểu đánh giá như thế nào về việc này?

- Dịch Covid-19 tác động đến toàn bộ đời sống văn hoá, kinh tế, xã hội của nước ta. Dự báo, thời gian tới sẽ tạo ra nhiều hình thái kinh tế xã hội mới. Trước đây, chúng ta dùng khái niệm “Zero F0”, nay chúng ta không dùng khái niệm này, mà là “sống chung, thích ứng an toàn”.

Khi thích ứng an toàn, đòi hỏi phải có những thay đổi. Đối với trẻ em, trước hết phải tổng kết, đánh giá trong môi trường mới. Khi thực hiện “mục tiêu kép”, sức khoẻ của con người vẫn là điều trên hết.

Môi trường lớp học cũng rất dễ lây lan dịch bệnh, do đó để học sinh nhanh chóng trở lại trường, việc đầu tiên là các em phải được tiêm chủng phòng chống Covid-19.

Chưa bàn đến tác hại nhất định của việc học trực tuyến như: sang chấn tâm lý… nhưng việc học trực tuyến giúp đảm bảo duy trì việc học tập của các em được liên tục.

Song song với đó, cần có những giải pháp như: 5K, học giãn cách. Chẳng hạn, có thể một lớp học được chia thành 2 ca: sáng – chiều; đề phòng trường hợp không may có F0 thì sẽ không bị ảnh hưởng nặng. Thậm chí, tiến tới phải có một quy trình chuẩn trong nhà trường khi phát hiện F0.

Tôi vẫn nhấn mạnh, phải làm sao cho học sinh đi học sớm nhất, giảm bớt sang chấn tâm lý, tăng cường quan hệ xã hội, tương tác giữa thầy trò… Thời gian tới, cần thay đổi dạy - học trực tuyến; đồng thời xác định, đây là một xu thế và tính tất yếu với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trước đó, khi xây dựng Luật giáo dục 2019, nhiều ý kiến đã đặt vấn đề: học sinh có thể học ở bất kỳ đâu.

Đại biểu Tạ Văn Hạ
Đại biểu Tạ Văn Hạ

- Đại biểu có nói, để mở cửa trường học đó học sinh đến trường, các em phải được tiêm vắc-xin. Vậy, vai trò của Bộ Y tế trong vấn đề này như thế nào – thưa đại biểu?

- Rõ ràng, Bộ Y tế có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ sức khoẻ của nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai “chống dịch như chống giặc” phải có những sở chỉ huy và có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tôi tin rằng, tới đây vấn đề vướng mắc trong chống dịch sẽ được khắc phục.

Theo tôi được biết, chúng ta cũng rất tích cực, chủ động về nguồn vắc-xin. Khi vắc-xin về, chúng ta đã có những chuẩn bị, đồng thời các địa phương cũng có phương án. Tôi nghĩ rằng, ngành y tế cũng sẽ có giải pháp.

- Trẻ em là đối tượng đặc thù, vậy đại biểu có kiến nghị gì trong việc minh bạch thông tin?

- Hiện, vắc-xin nào có thể tiêm cho trẻ em thì chủ yếu phải dựa vào tổ chức y tế thế giới WHO. Nên, khi triển khai tiêm cũng cần phải có giải pháp, quy trình, cần đẩy nhanh tiến độ. Như vậy cũng cần thận trọng.

Xin cảm ơn đại biểu!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.