(GD&TĐ)-Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục ĐH, TCCN.
Ảnh MH |
Thông tư này quy định về chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, hình thức hoạt động thanh tra nội bộ; nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của thanh tra nội bộ; tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ, của Đoàn thanh tra nội bộ; chế độ đối với cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ thanh tra nội bộ; các điều kiện đảm bảo hoạt động thanh tra nội bộ; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến hoạt động thanh tra trong cơ sở giáo dục ĐH, trường TCCN.
Thanh tra của cơ sở giáo dục ĐH, trường TCCN là tổ chức thanh tra nội bộ, giúp hiệu trưởng thực hiện công tác thanh tra trong phạm vi quản lý của hiệu trưởng nhằm bảo đảm việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục và chính sách, pháp luật liên quan; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của trường theo quy định của pháp luật.
Hoạt động thanh tra nội bộ trong trường được tiến hành theo hai hình thức: thanh tra theo kế hoạch hàng năm và thanh tra đột xuất.
Thanh tra ở các ĐHQG, đại học vùng là mô hình thanh tra 2 cấp: Các đại học thành lập Ban Thanh tra; các trường thành viên thành lập Phòng Thanh tra;
Học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp có quy mô từ 5.000 học sinh, sinh viên, học viên trở lên thành lập Phòng thanh tra; có quy mô dưới 5.000 học sinh, sinh viên, học viên; viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ có thể thành lập Phòng thanh tra hoặc bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác thanh tra.
Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra độc lập, thành viên khác của Đoàn thanh tra nếu vi phạm sẽ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Lập Phương