Theo Báo cáo tổng hợp của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội, với 9 dự án BOT được kiểm toán thêm trong năm 2019, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm trừ chi phí đầu tư trên 660 tỷ đồng, giảm thời gian thu phí 7/9 dự án với tổng thời gian hơn 56 năm.
Kết luận của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, Bộ Giao thông - Vận tải cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án BOT; phê duyệt dự án trước khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường; không công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết đều chỉ định nhà thầu thi công.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước nhận định, vẫn có hiện tượng xác định tăng tổng mức đầu tư. Một số gói thầu được thi công trước khi lựa chọn nhà thầu; còn có tình trạng nhà đầu tư chưa bảo đảm thu xếp vốn tín dụng như quy định của hợp đồng BOT; một số dự án chưa bảo đảm tiến độ; xác định chi phí sửa chữa, duy tu trong phương án tài chính chưa đủ cơ sở và căn cứ pháp lý; chưa cập nhật chi phí sử dụng trạm thu phí không dừng theo hướng dẫn của Bộ Giao thông - Vận tải và Chính phủ. Có dự án sử dụng nguồn vốn thu phí BOT để hoàn vốn cho hạng mục không thuộc dự án; một số dự án lập thiết kế - dự toán còn sai sót...
Chuyện các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông dính nhiều tai tiếng thời gian qua không phải là hiếm. Đó là việc “đặt nhầm chỗ” các trạm thu phí, tính thừa thời gian thu phí, không đầu tư làm mới nhưng vẫn tính phí như đầu tư làm mới... Cũng bởi vậy mà tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đã khẳng định: Các dự án BOT giao thông chưa minh bạch, từ đấu thầu, xây dựng, đặt trạm, mức phí, thời gian thu phí, đã gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Đáng chú ý hơn là ý kiến của đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (Ninh Bình): Sau khi kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm 222 năm thu phí. Tuy nhiên, trước đó Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Kế hoạch & Đầu tư lại cho rằng, Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán các dự án BOT giao thông với lý do đây là các dự án của nhà đầu tư tư nhân. Đại biểu Phương đặt câu hỏi vì sao hai bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT? Nếu Kiểm toán Nhà nước không kiên quyết thì người dân có phải trả tiền oan cho 222 năm của 61 dự án này không? Có lợi ích nhóm ở đây không?
Dù Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định ngay từ khi dự án BOT triển khai, Bộ đã mời kiểm toán vào cuộc, không phải như thông tin nói rằng Bộ không đồng ý cho kiểm toán nhưng đại biểu Phương lại cho rằng trả lời của Bộ trưởng không thật chính xác. Bộ chỉ mời kiểm toán dự án hầm Đèo Cả, Trung Lương - Mỹ Thuận và Bắc Giang - Lạng Sơn. Trước đó, Bộ cũng đồng ý với đề nghị của Bộ Kế hoạch & Đầu tư là không được kiểm toán các dự án BOT giao thông.
Tranh luận giữa Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải với đại biểu Quốc hội từ Kỳ họp thứ 7 đến nay vẫn “còn nguyên giá trị”. Đó là cần thiết phải minh bạch. Khi đó, doanh nghiệp cũng không bị thiệt. Nhà nước cũng không bị thiệt. Người dân không mất tiền oan.
Khi đã minh bạch, đúng pháp luật thì không có gì phải “ngại” kiểm toán!