Có thể kể đến hợp tác giữa Trường ĐH Giao thông Vận tải, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Thủy lợi và Trường Đại học Xây dựng; Hợp tác giữa Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng); Trường ĐH Mở TPHCM và ĐH Mở Hà Nội; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và ĐH Kinh tế TPHCM…
Công nhận, trao đổi tín chỉ đào tạo không phải là mô hình xa lạ trong bối cảnh giáo dục hướng đến hội nhập và phương thức đào tạo tín chỉ được áp dụng rộng rãi. Trong khu vực, Hệ thống trao đổi tín chỉ ASEAN (ASEAN Credit Transfer System - ACTS) của Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) đã hoạt động khá hiệu quả, được nhiều trường ĐH Việt Nam kết nối. Trong đó, riêng ĐH Quốc gia TPHCM có 436 môn học đăng ký tham gia ACTS. Hay ETCS là công cụ chủ chốt của Tiến trình Bologna (hệ thống chuyển đổi tín chỉ hàng đầu ở châu Âu - ECTS) mà tại Việt Nam có một số trường ĐH như Việt Pháp áp dụng.
Dù khá phổ biến trên thế giới nhưng đến nay việc công nhận và trao đổi tín chỉ giữa các trường ĐH trong nước vẫn ở bước khởi đầu. Các trường áp dụng mô hình này có quan hệ gần gũi về mặt hợp tác phát triển hay cùng “tầng” về chất lượng đào tạo, chất lượng tuyển sinh. Công nhận tín chỉ trong nước chưa phát triển rộng rãi có nhiều nguyên nhân, nhưng thâm sâu vẫn do chất lượng đào tạo giữa các đơn vị chưa đồng đều, mức độ mạnh, yếu của từng trường khác nhau. Đặc biệt giữa các trường chung lĩnh vực đào tạo chưa có chuẩn chung về chương trình đào tạo hay chuẩn đầu ra tối thiểu.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng phải có kiến thức liên ngành, đa ngành, thích ứng với những thay đổi liên tục của cuộc sống. Thế nhưng do một thời gian dài, các trường ĐH trong nước chủ yếu mở đơn ngành nên việc phát triển chương trình có tính liên, xuyên ngành gặp không ít khó khăn về đội ngũ giảng dạy cũng như cơ sở vật chất.
Không ít trường muốn mở ngành có tính liên, xuyên ngành không tìm được nhân sự có học vị tiến sĩ tương ứng. Cơ sở vật chất thiết bị, phòng thí nghiệm không phải trường ĐH nào cũng đủ đầy như nhau. Vì thế, việc chủ động tìm đối tác tương thích để đẩy mạnh hợp tác, công nhận tín chỉ đào tạo của nhau là cách thức để các trường chia sẻ nguồn lực hiệu quả.
Đặc biệt, với mục tiêu lấy người học làm trọng tâm, việc công nhận tín chỉ giữa các trường góp phần giảm thiểu khó khăn mà SV gặp phải khi tham gia trao đổi tại đơn vị khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tích lũy kiến thức. Nhờ đó, người học ngoài tiết kiệm được thời gian, tiền bạc còn rộng cơ hội trải nghiệm, phát triển kỹ năng, tăng cường học tập suốt đời qua các mô hình như đào tạo song bằng, đào tạo liên thông…
Như ở Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TPHCM, SV thuộc các đơn vị trong hệ thống ĐHQG được học thêm 1 trong 5 ngành tại trường đại học này. Hay SV Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ có cơ hội đăng ký trao đổi tín chỉ trong nước với các trường ĐH hàng đầu khối ngành kinh tế tại Việt Nam…
Hợp tác công nhận tín chỉ đào tạo giữa các trường ĐH phù hợp với tự chủ ĐH, sự phát triển của kinh tế chia sẻ, mang lại nhiều lợi ích cho người học lẫn cơ sở đào tạo và rộng hơn là góp phần nâng chất lượng nhân lực quốc gia.
Để mô hình này phát triển, cùng với việc tăng cường kiểm định chất lượng đào tạo, cần nhanh chóng hoàn thiện chuẩn chương trình đào tạo ĐH, chuẩn đầu ra với từng trình độ, từng ngành nghề theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Một chuẩn mực tối thiểu tiệm cận theo chuẩn của các nước trong khu vực và thế giới; phù hợp yêu cầu từng lĩnh vực ngành nghề sẽ thúc đẩy hơn nữa việc công nhận lẫn nhau giữa các trường, không chỉ trong nước mà cả quốc tế, không chỉ tín chỉ mà cả bằng cấp.