Sau giải nghệ, cô gái vàng pencak silat chưa tính chuyện yêu đương

GD&TĐ - VĐV Nguyễn Thị Yến tâm sự về quyết định giã từ sự nghiệp thi đấu và cuộc sống hiện tại.

Sau giải nghệ, cô gái vàng pencak silat chưa tính chuyện yêu đương
Hình ảnh tươi trẻ, rạng ngời của Nguyễn Thị Yến sau khi giải nghệ.

Hình ảnh tươi trẻ, rạng ngời của Nguyễn Thị Yến sau khi giải nghệ.

Nguyễn Thị Yến được coi là cô gái vàng của thể thao Việt Nam ở môn pencak silat. Trong sự nghiệp, VĐV sinh năm 1991 quê Vĩnh Phúc từng giành đủ các huy chương lớn nhỏ từ cấp quốc gia, SEA Games, tới thế giới. Tuy nhiên, thời gần đây, không thấy cô tham dự gải đấu nào. Trên trang cá nhân, Yến liên tục có những hoạt động livestream, cùng những status quảng cáo các loại thực phẩm chức năng.

Nhìn những hình ảnh hiện nay của Yến, nếu không biết trước, khó ai có thể hình dung cô là một võ sĩ dày dạn kinh nghiệm, là nỗi “khiếp sợ” của nhiều đối thủ trong khu vực và thế giới. Cô gái vàng pencak slilat giờ đây trông tươi trẻ, tràn đầy năng lượng và rất quyến rũ.

Trò chuyện với Yến, cô cho biết đã chia tay sự nghiệp thi đấu và đang theo đuổi công việc mới. "Tôi giải nghệ được hơn một tháng rồi. Hiện tôi làm công việc phân phối các sản phẩm liên quan tới sức khỏe", Nguyễn Thị Yến chia sẻ với Ngoisao.net.

“Trong thời gian thi đấu, tôi gặp những chấn thương khá nặng từ đứt dây chằng, vỡ sụn khớp gối, rồi thoái hóa đốt sống cổ...kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe. Nghiêm trọng nhất là chứng thoái hóa đốt sống cổ khiến tôi đau đầu liên miên, dẫn tới mất ngủ. Đợt SEA Games 29, có tới gần hai tháng tôi không ngủ được, sức khỏe bị giảm sút rất nhiều. Thậm chí, nhiều lần tôi còn bị co giật trên thảm khi đang tập luyện. Trong quá trình tìm hiểu về sức khỏe, tôi bén duyên với công việc bây giờ và quyết định giải nghệ”, Yến nói về lý do giã từ sự nghiệp thi đấu.

Cơ duyên với pencak silat

Nguyễn Thị Yến là con út trong một gia đình thuần nông có 4 anh chị em ở Vĩnh Phúc. Cơ duyên đến với pencak silat của cô cũng thật tình cờ. Trong một đợt về địa phương tìm kiếm tài năng trẻ cho thể thao Vĩnh Phúc hồi tháng 12/2006, HLV Dương Văn Hùng Thuận phát hiện những tố chất tiềm ẩn trong Yến nên đề nghị cô thử sức với môn võ này. Khi đó, Yến đang học lớp 10, hàng ngày cô đạp xe 15km từ nhà tới nơi tập luyện và sau đó lại về nhà để chiều đi học văn hóa.

Ban đầu bố mẹ không ủng hộ Yến theo học võ bởi cô là con gái và sợ ảnh hưởng tới việc học văn hóa. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, cô thuyết phục được bố mẹ cho tập thử. Dù đường xa, Yến hầu như không bỏ một buổi tập nào và sau nửa năm cô chính thức được tuyển vào đội tuyển của tỉnh.

Tháng 7/2007, Yến tham dự giải vô địch pencak silat trẻ toàn quốc và giành HC đồng - chiếc HC đầu tiên trong sự nghiệp. Từ năm 2009, VĐV người Vĩnh Phúc liên tục đoạt HC vàng quốc gia. 2010-2014 là giai đoạn rực rỡ nhất trong sự nghiệp của Yến. Cô hai lần vô địch thế giới (2010, 2012) và đoạt hai HC vàng SEA Games (2011, 2013). Yến kể với giọng từ hào: “Khi ấy, hầu như tôi dự giải đấu nào từ Đông Nam Á, châu Á đến thế giới đều không có đối thủ”.

Nguyễn Thị Yến với tấm HC vàng pencak silat hạng 75kg của nữ SEA Games 2013 tại Myanmar.

Nguyễn Thị Yến với tấm HC vàng pencak silat hạng 75kg của nữ SEA Games 2013 tại Myanmar.

Cuối năm 2014, Yến dính chấn thương đầu gối và phải phẫu thuật. Dù chưa hoàn toàn bình phục, cô vẫn đánh liều tham gia SEA Games 28 tổ chức ở Singapore vào tháng 6/2015. Yến tiến một mạch tới trận chung kết nhưng để thua đối thủ vì ảnh hưởng của chấn thương. Kể từ sau đó, thành tích của Yến đi xuống vì những vấn đề về sức khỏe và cô buộc phải dừng lại.

Thể thao là đam mê nhưng cuộc sống cần phải có kinh tế

Sau khi nghỉ thi đấu, Yến không còn được hưởng một chế độ trợ cấp nào. Cô gần như phải bắt đầu từ con số không. Cô gái vàng tâm sự số tiền dành dụm từ lương thưởng cũng chỉ đủ để bồi bổ sức khỏe trong quá trình thi đấu.

Hỏi Yến tại sao không theo đuổi nghiệp huấn luyện, cô cho biết thực ra cũng được lãnh đạo ngành thể thao Vĩnh Phúc tạo điều kiện để trở thành HLV. Bản thân Yến từng theo học trường TDTT Bắc Ninh với mong muốn tiếp tục cống hiến cho thể thao. Tuy nhiên, cô vẫn quyết định chuyển hướng vì nhiều lý do khác nhau.

"Tới giờ tôi vẫn rất đam mê thể thao. Tôi chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc vì đã cống hiến một thời tuổi trẻ cho pencak silat. Nhưng đam mê là một chuyện, cuộc sống cần phải có kinh tế. Lương HLV hiện giờ chỉ khoảng ba triệu một tháng, khó có thể đảm bảo cho cuộc sống. Hơn nữa, tôi lại gặp vấn đề về sức khỏe, phải bổ sung nhiều dưỡng chất, tốn kém. Chính vì thế tôi quyết định chuyển hướng sang công việc bây giờ", VĐV quê Vĩnh Phúc thổ lộ.

Yến cho biết công việc hiện tại giúp cô có thu nhập tốt hơn và học hỏi được nhiều điều mới. Cô không còn bị gò bó về thời gian như khi còn làm VĐV. Từ một cô gái có lối sống khép mình, Yến bây giờ hoạt bát và năng động hơn khi thường xuyên giao tiếp với nhiều người.

Tập trung cho công việc, chưa tính tới chuyện lấy chồng

Nguyễn Thị Yến hiện tài dành hết thời gian cho công việc mới.

Nguyễn Thị Yến hiện tài dành hết thời gian cho công việc mới.

Nhắc tới chuyện yêu đương, cô gái vàng pencak silat cười nói hiện giờ vẫn còn độc thân và chưa tính đến việc hẹn hò. “Tính tôi khi làm một việc gì đó, tôi tập trung cao độ vào nó. Thời còn là VĐV, tôi rất ít hẹn hò. Bây giờ cũng vậy. Tôi đang khởi đầu công việc mới, phải học từng thứ một, cần dành nhiều thời gian cho nó. Bản thân tôi cũng chưa muốn hẹn hò vào thời điểm hiện tại. Nhiều người nói phụ nữ đến tuổi này, tuổi kia cần lấy chồng, tôi không đặt nặng vấn đề đó. Đúng thời điểm, chuyện đó sẽ tới thôi”, Yến chia sẻ.

Võ sĩ 27 tuổi thừa nhận gia đình cũng nhiều lần giục lấy chồng nhưng cô giữ vững quan điểm, không ai có thể lay chuyển được. Trước mắt, Yến tập trung hết cho công việc, mong muốn giải quyết được những vấn đề về sức khỏe cho những người xung quanh và khách hàng của mình.

Theo Ngoisao.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.