Thủ tướng Đức Angela Merkel là người nhiều năm bảo vệ Nord Stream 2 trước sự phản đối của Mỹ và các nước Đông Âu. Tuy nhiên, bà dường như đã từ bỏ quan điểm của mình. Theo đó, Berlin sẽ không tự quyết định số phận của dự án vốn đã được các nhà đầu tư châu Âu trả một nửa tài chính. Bà Merkel nói với các thành viên trong đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) rằng quyết định về Nord Stream 2 do “châu Âu, không phải Đức”.
Người phát ngôn Steffen Seibert của chính phủ Đức giải thích rằng bà Merkel hiện chưa thể hiện quan điểm về Nord Stream 2.
Trong khi đó, chỉ mới 2 tuần trước, Thủ tướng Đức đã bày tỏ quan điểm một cách cởi mở. Ngày 28/8, bà Merkel nói tại một cuộc họp báo rằng Nord Stream 2 nên được hoàn thành, đó là một “dự án kinh tế” và “không khả thi nếu liên kết nó với vụ việc của Navalny”.
Thành viên đầu tiên trong nội các của Thủ tướng Merkel thể hiện “tín hiệu” với điện Kremlin là Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas khi ông nói rằng nếu trong “vài ngày tới”, Nga không bắt đầu hỗ trợ tìm hiểu việc gì đã xảy ra với Navalny, Đức “sẽ tham vấn với các đối tác về việc phản hồi” – ông nói với hãng tin Bild am Sonntag.
Theo bà Merkel, phản ứng của EU đối với tình hình xung quanh Navalny sẽ theo sau khi nhận được lời giải thích từ Nga. Berlin tiếp tục chờ phản hồi từ Moscow.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin nói vào tuần trước rằng “Chuyện xảy ra xung quanh Navalny ngày càng chứng minh rằng đây là một hành động được lên kế hoạch nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mới và cố gắng kìm hãm sự phát triển của Nga”. “Liên minh châu Âu, các quốc gia NATO rõ ràng không thích việc nền kinh tế Nga đang mạnh lên hàng năm và ảnh hưởng của nó đối với các quá trình trên thế giới đang tăng lên” – ông nói.
Đức chuyển quyết định về Nord Stream 2 cho châu Âu – nơi dự án này gần như không có người ủng hộ. Mùa xuân năm ngoái, chính Ủy ban châu Âu đã ép thông qua các sửa đổi đối với chỉ thị về khí đốt, theo đó yêu cầu dự án phải tuân thủ quy định cạnh tranh: Gazprom không thể vừa là người bán khí đốt, vừa là chủ sở hữu đường ống và phải cho các nhà cung cấp khác sử dụng nó, tức là để 50% công suất còn trống.
Kể từ năm 2015, khi quyết định xây dựng Nord Stream 2 được đưa ra, chi phí sản xuất năng lượng tái tạo đã giảm và có ít sự ủng hộ đối với việc dùng nhiên liệu hóa thạch hơn. Cơ quan Năng lượng quốc tế dự đoán nhu cầu về khí đốt tự nhiên sẽ không thay đổi trong ít nhất 5 năm nữa. Sự phản ứng liên quan tới vấn đề môi trường đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng khí đốt mới cũng đang tăng lên sau khi Ủy ban châu Âu công bố kế hoạch thoái vốn hoàn toàn đối với nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050.