Theo dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ năm 2030 không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm và cao đẳng đa ngành.
Trên cơ sở đó, từng bước chuyển đào tạo ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng sang các trường đại học sư phạm và cơ sở giáo dục đại học đa ngành có nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có 103 cơ sở đào tạo giáo viên; trong đó 15 trường đại học sư phạm, 50 trường đại học đa ngành, trường đại học đặc thù có đào tạo giáo viên. Cùng đó là 20 trường cao đẳng sư phạm (3 trường trực thuộc Bộ GD&ĐT, 17 trường trực thuộc địa phương) và 18 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên.
Dự kiến đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 50 cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo giáo viên các trình độ. Trong đó, 11 cơ sở giáo dục đại học giữ vai trò hạt nhân và nòng cốt của mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên trong từng vùng, khu vực, tập trung nghiên cứu khoa học giáo dục đào tạo chất lượng, trình độ cao. 11 cơ sở này có quy mô đào tạo khoảng 50% tổng quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc.
Khoảng 22 trường đại học (hầu hết trực thuộc UBND cấp tỉnh) đào tạo đáp ứng nhu cầu đội ngũ giáo viên các cấp học của địa phương và các tỉnh lân cận, khoảng 44% quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc. Khoảng 17 cơ sở giáo dục đại học khác tham gia đào tạo một số ngành đào tạo giáo viên đặc thù, chiếm khoảng 6% quy mô đào tạo.
Cũng theo dự thảo quy hoạch, từ năm 2030, không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm và trường cao đẳng đa ngành. Theo đó, sẽ sáp nhập trường cao đẳng vào một trường đại học sư phạm hoặc cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên trong vùng hoặc một cơ sở giáo dục đại học tại địa phương.
Thực tế cho thấy, mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên có độ bao phủ cao; song phân bổ chưa đồng đều. Đáng nói, vai trò của các trường cao đẳng sư phạm ngày càng mờ nhạt trong tuyển sinh và gặp nhiều khó khăn khi chỉ đào tạo giáo viên mầm non với số lượng “khiêm tốn”.
Đặc biệt, sau khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, các trường cao đẳng sư phạm gặp nhiều khó khăn vì chỉ còn tuyển sinh, đào tạo giáo viên mầm non. Một số trường mất phương hướng, ở thế cầm cự khi quy mô đào tạo ngày càng giảm. Điều này có thể dẫn đến lãng phí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và không phát huy hết năng lực.
Do vậy, một trong các công việc của quy hoạch là sắp xếp lại trường cao đẳng có đào tạo giáo viên nhằm đảm bảo khoa học, phù hợp thực tiễn và có tầm nhìn trung, dài hạn. Điều quan trọng là giúp các cơ sở đào tạo tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh đổi mới giáo dục.
Tuy nhiên, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm là nhiệm vụ lớn, khó và phức tạp, liên quan nhiều yếu tố; trong đó có nguồn lực và định hướng chiến lược. Song, đây là phương án tốt nhất để phát triển đội ngũ giáo viên và phát huy được năng lực của các cơ sở đào tạo; gồm cả trường cao đẳng sư phạm hiện hành. Bởi khi đó, các trường không chỉ đào tạo giáo viên mầm non trình độ cao đẳng mà cả đại học và giáo viên ngành khác.