‘Đặt hàng’ đào tạo giáo viên đang vướng từ địa phương

GD&TĐ - 'Đặt hàng' đào tạo giáo viên là câu chuyện dài và đang vướng từ phía địa phương.

Sinh viên Trường ĐH Vinh. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Vinh. Ảnh: NTCC

Đó là nhận định của PGS.TS Lê Quang Sơn - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng.

Đề xuất kinh phí đào tạo nên chuyển về cơ sở đào tạo giáo viên

PGS.TS Lê Quang Sơn cho rằng, nếu có thể nên sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm” theo hướng: kinh phí đào tạo nên chuyển về trường đại học sư phạm theo đặt hàng từ phía địa phương, chứ không phải chuyển về địa phương, rồi địa phương sử dụng tiền đó để đặt hàng với trường sư phạm.

PGS.TS Lê Quang Sơn viện dẫn, giả sử Trường ĐH sư phạm A được các địa phương đặt hàng đào tạo 1.000 giáo viên. Nhà nước sẽ chuyển kinh phí đào tạo 1.000 sinh viên đó cho trường sư phạm, không chuyển kinh phí đó về các tỉnh, thành phố để đặt hàng đào tạo giáo viên trường sư phạm.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng). Ảnh: Internet.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng). Ảnh: Internet.

Liên quan đến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho hay, Bộ GD&ĐT ban hành quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2023 đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng.

Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh nhóm ngành này đối với thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp gồm 3 bài thi/môn thi, về cơ bản giữ ổn định như năm 2022.

Cụ thể, ngưỡng xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19 điểm. Riêng đối với các ngành Giáo dục Thể chất, ngành Sư phạm Âm nhạc và ngành Sư phạm Mỹ thuật là 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa; các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.

Ngưỡng xét tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng là 17 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa, các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.

Ôn định về chất lượng đào tạo giáo viên

Nhấn mạnh mức điểm sàn nêu trên hợp lý, PGS.TS Lê Quang Sơn - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng phân tích: Thứ nhất, thể hiện tính ổn định trong mấy năm gần đây.

Thứ hai, mức điểm sàn này thể hiện được ngưỡng chất lượng đầu vào là phải từ mức trung bình khá trở lên thì mới có thể vào học khối ngành đào tạo giáo viên.

“Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo giáo viên có thể công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cao hơn mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT đưa ra. Khi có đầu vào tốt thì chất lượng đào tạo cũng được nâng lên. Đây cũng là một trong những yếu tố đảm bảo chất lượng đầu ra của sinh viên” - PGS.TS Lê Quang Sơn nhìn nhận.

PGS.TS Lê Quang Sơn - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Internet.

PGS.TS Lê Quang Sơn - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Internet.

Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2023 đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên từ 17- 19 điểm có tác động đến tích cực đến xã hội.

Theo đó, xã hội sẽ thấy được sự ổn định về chất lượng đào tạo giáo viên từ góc nhìn đầu vào. Tức là đầu vào giữ được ổn định và ở mức khá trở lên và xã hội sẽ tin tưởng về chất lượng đội ngũ giáo viên sau này.

Ngoài ra, từ sự ổn định nêu trên, học sinh sẽ có định hướng tốt hơn trong lựa chọn nghề nghiệp, nhất là với các em có ý định theo đuổi nghề dạy học. Các em thấy, muốn vào được sư phạm thì phải đạt được kết quả học tập, điểm thi ở mức khá giỏi trở lên. Khi đó, các em sẽ có định hướng tốt hơn trong học tập, rèn luyện nếu có mong muốn vào học sư phạm.

“Cũng từ mức điểm sàn nêu trên, xã hội thấy được giáo dục đang đổi mới và phát triển nhưng vẫn giữ được sự ổn định chứ không phải mỗi năm mỗi kiểu” - PGS.TS Lê Quang Sơn nhận định.

Dự đoán về điểm chuẩn nhóm ngành đào tạo giáo viên, lãnh đạo Đại học Đà Nẵng cho rằng, mức điểm sẽ dao động giữa các trường. Tùy theo chất lượng đào tạo, uy tín của các cơ sở đào tạo, điểm chuẩn đầu vào sẽ khác nhau.

Theo đó, ngành/trường thí sinh phải đạt từ 23-24 điểm mới trúng tuyển nhưng cũng có đơn vị thí sinh đạt 20 điểm cũng có cơ hội trở thành sinh viên của trường đó.

“Tôi muốn nói, điểm chuẩn đầu vào sẽ dao động khác nhau giữa các cơ sở đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, nhìn chung sẽ tương đương hoặc cao hơn năm ngoái (tùy từng ngành học) - PGS.TS Lê Quang Sơn dự đoán.

Riêng với Đại học Đà Nẵng, PGS.TS Lê Quang Sơn cho hay, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào nhóm ngành đào tạo giáo viên rất cao. Do đó, dự đoán điểm chuẩn đầu vào các ngành sư phạm sẽ cao hơn năm 2022 nhưng sẽ có phân hóa giữa các ngành. Theo đó, sẽ có một số ngành tăng hơn năm ngoái nhưng vẫn có một số ngành giữ ổn định.

Theo Quy chế tuyển sinh, ngưỡng đầu vào (điểm sàn) đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề do Bộ GD&ĐT công bố hàng năm cho các phương thức tuyển sinh đào tạo hình thức chính quy sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ