Nghị định 116/2020 của Chính phủ hỗ trợ sinh viên theo học ngành sư phạm 3,63 triệu đồng/tháng được kỳ vọng sẽ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết bài toán thiếu giáo viên dạy chương trình mới.
Tăng sức hút cho ngành sư phạm
Đã 3 năm học, nữ sinh Nguyễn Mai Hương - lớp K21MN1 Khoa Sư phạm, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai được miễn, giảm học phí cùng một số ưu đãi khác. Nguyễn Mai Hương bộc bạch: “Học sư phạm, em được miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng. Điều này giúp em dành nhiều thời gian hơn cho quá trình học tập tại trường. Hơn thế, chi phí này còn giảm áp lực tài chính cho gia đình. Em chi tiêu tiết kiệm và gửi chút ít về cho mẹ”.
Tương tự Nguyễn Mai Hương, sinh viên Lê Thị Linh - lớp Đại học Mầm non 2, Khoa Sư phạm, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai chia sẻ: “Thời gian gần đây, nhiều giáo viên bỏ việc nhưng em tin giáo dục trong giai đoạn đổi mới cần những người trẻ dám tiên phong, có khả năng học tập cái mới và thích ứng cao. Như vậy, sẽ có “đầu ra” cho người đam mê, quyết tâm, dám nghĩ dám làm”.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai cho biết: “Năm học 2023 - 2024, Phân hiệu được Bộ GD&ĐT giao 350 chỉ tiêu đại học sư phạm và 100 chỉ tiêu cao đẳng mầm non. Phân hiệu tuyển đủ số chỉ tiêu được giao mà không cần đợt tuyển sinh bổ sung. Điều đó cho thấy, ngành sư phạm vẫn được nhiều bạn trẻ quan tâm”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, năm học này, Phân hiệu có hơn 1 nghìn sinh viên được hưởng chính sách miễn học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt theo Nghị định 116. Chính sách đã góp phần thay đổi đáng kể cách nhìn nhận nghề nghiệp và tạo động lực cho sinh viên.
“Nghị định 116 tạo điều kiện cho sinh viên nghèo, đặc biệt các em đến từ tỉnh Lào Cai và Lai Châu, Sơn La, Yên Bái có cơ hội được học tập tại Phân hiệu. Mặt khác cũng thu hút người tài, sinh viên “năng khiếu” theo nghề sư phạm. Từ đó, sẵn sàng nhân lực cho những địa phương có nhu cầu tuyển dụng”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết.
Là sinh viên năm nhất lớp Đại học Tiểu học K8, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai, Hà Thị Thu phấn khởi khi biết tin được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí. Thu chia sẻ: “Nhà em ở huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Được hưởng hỗ trợ từ chính sách, em cảm thấy vui và có thêm động lực để theo đuổi đam mê”.
Sinh viên Cao đẳng 20 Mầm non 2 học tại thư viện Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai. |
Đảm bảo “đầu ra” cho sinh viên
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết: “Nghị định 116 góp phần tăng số nguyện vọng vào các ngành đào tạo giáo viên của trường; góp phần giải quyết vấn đề thừa - thiếu giáo viên ở địa phương; tăng cường chất lượng đội ngũ nhà giáo”. Ngoài yêu cầu về trình độ chuẩn theo quy định, Phân hiệu còn xây dựng chuẩn đầu vào, chất lượng đầu ra, bám sát tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên các cấp để xây dựng chương trình đào tạo. Bảo đảm trang bị cho sinh viên đủ kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm cần thiết, đáp ứng yêu cầu về đổi mới giáo dục.
Điển hình, Khoa Sư phạm, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai thường xuyên tổ chức các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm. Theo ThS Chu Thị Liễu, Phó Trưởng khoa Sư phạm, hoạt động trên nhằm kết nối nhà trường và đơn vị tuyển dụng; đồng thời tăng cường tính ứng dụng các chương trình đào tạo, nắm bắt kịp thời nhu cầu thực tế người học, tiêu chí tuyển dụng lao động. Phân hiệu còn thực hiện giảm tín chỉ đối với các lớp sư phạm, tăng thời lượng thực hành, thực tập nghề nghiệp; đặc biệt, kết nối các cơ sở giáo dục tổ chức giới thiệu việc làm cho sinh viên.
Là sinh viên năm cuối và có nguyện vọng làm việc tại các trường tư thục trên địa bàn thành phố Lào Cai, sinh viên Nguyễn Mai Hương tâm sự, ngoài trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, bản thân còn rèn thêm khả năng giao tiếp thông qua tham gia nhiều câu lạc bộ do trường tổ chức.
Để đảm bảo tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch đào tạo giáo viên giai đoạn 2022 - 2026 theo Nghị định số 116. Theo đó, số lượng giáo viên cần bổ sung giai đoạn này là gần 1.900 người (mầm non: 660, tiểu học: 80, THCS: 740, THPT: 390 và 30 giáo viên giáo dục thường xuyên). Trong đó, 853 giáo viên thuộc 4 môn học thiếu nguồn tuyển (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Vì vậy, Lào Cai sẽ ưu tiên chính sách đặt hàng đào tạo giáo viên 4 môn học này.
Theo kế hoạch, Lào Cai hợp tác với các cơ sở uy tín trong nước để đặt hàng đào tạo trình độ đại học văn bằng 2. Có 200 giáo viên chuyên ngành đang thiếu nguồn tuyển của các cấp học phổ thông (Tiếng Anh, Tin học) tham gia. Tỉnh Lào Cai cũng đặt hàng đào tạo theo hình thức chính quy tập trung cho 250 học sinh. Đây là những người đã hoàn thành chương trình THPT/GDTX đăng ký học chuyên ngành sư phạm thiếu nguồn tuyển (Tiếng Anh: 120; Tin học: 47; Âm nhạc: 42; Mỹ thuật: 41) thuộc các cấp học phổ thông.
Nghị định 116 của Chính phủ đã góp phần thu hút sinh viên theo học ngành sư phạm, tạo cơ chế tín dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay để học tập. Nhiều ý kiến cho rằng, về lâu dài, cần đánh giá thật sát nhu cầu giáo viên, từ tổng biên chế đến từng cấp, môn, nơi; cân đối giữa “cung” và “cầu”.