Sao lúc nào mẹ cũng hỏi con được mấy điểm?

Sao lúc nào mẹ cũng hỏi con được mấy điểm?
Đánh giá không điểm số nhận được sự ủng hộ từ gia đình và nhà trường
Đánh giá không điểm số nhận được sự ủng hộ từ gia đình và nhà trường

(GD&TĐ) - Chủ trương đánh giá kết quả học tập không cho điểm học sinh lớp 1 của Bộ GD&ĐT đã nhận được sự đồng tình của các cha mẹ học sinh và giáo viên. Một số Sở GD&ĐT, trường tiểu học đã có những sáng kiến riêng và đưa ra những hướng dẫn ban đầu đến các cơ sở, vừa giúp học sinh và cha mẹ đánh giá được năng lực học tập, vừa gắn kết được tình cảm thầy trò yêu mến…

Những góc nhìn của chính người trong cuộc với các bài tập, bài kiểm tra không có điểm đã cho thấy sự tích cực từ một chủ trương đúng đắn của ngành Giáo dục.

Con gái Nhím của tôi năm nay vào lớp 1. Trước khi con đi học, nghe lời tư vấn của bạn bè, tôi cho con đi học trước, luyện chữ, học làm toán thông minh… nói chung là đủ lệ bộ để con có thể tự tin vào học thi đua cùng bạn bè. 

Thấy con gái tan học mẫu giáo và ngày nghỉ đánh đu hết lớp học này sang nhóm luyện khác, chồng tôi phản đối ra mặt, có khi đình công bằng cách thỉnh thoảng “quên” không đưa con đi học, cho nó ở nhà chơi. Nhưng lòng mẹ đã quyết, thế nên Nhím chưa vào lớp 1 đã đọc chữ vanh vách.

Mẹ yêu điểm hơn yêu con!

Tự hào con đã biết sớm, nên lúc nào tôi cũng mặc định con bài kiểm tra phải được điểm cao. Đón con đi học về, câu đầu tiên (mà cũng chẳng hiểu sao tôi cứ hay hỏi thế): Hôm nay con gái mẹ được mấy điểm thế?” Nhím thường nói: Mẹ ơi, con được cô khen, con được 10 điểm. Nghe giọng lảnh lót trong vắt của con gái, lòng tôi như nở hoa. Hai mẹ con vừa đi xe về nhà vừa ríu rít trò  chuyện. Đi qua hàng đồ chơi, tôi còn hỏi con gái thích gì để mẹ thưởng nữa.

Niềm vui điểm 10 của con còn lan về đến nhà: Khoe với bố, khoe với ông bà nội, gọi điện thoại cả về bà ngoại. Hôm nào bận rộn ở cơ quan, bố đón con hoặc nhờ ông bà. Về nhà muộn, nhìn con câu đầu tiên vẫn là hỏi về điểm ở trường. Mà con đi học thì hỏi về điểm chứ còn hỏi về gì nữa – Có lần tôi tỉnh bơ trả lời ông chồng vì thấy lão ý nhíu mày bực bội. Tối đến, thấy chồng góp ý, nhẹ thôi: Em hỏi con ở trường có vui không đi. Hôm nay con bị ngã, bị bạn bắt nạt đấy… Nghe tiếng chồng lớt phớt, tôi cũng chẳng để ý nhiều. Con được 10 điểm như mọi khi, thế là yên tâm rồi. 

Chiều nay đón Nhím, thấy con bé lén nhìn mẹ bộ dạng ỉu xìu, không nhí nhảnh như mọi khi. Tôi chột dạ hỏi dồn: “Sao, hôm nay con mấy điểm? Hả? Điểm kém à? Con bị điểm kém môn nào? Được bao nhiêu điểm?”. Nhím buồn hiu, trèo lên sau xe: “Tập đọc và Tập chép con được 9, nhưng Toán con được 7 điểm thôi mẹ ạ”. “Đấy, làm ẩu phải không? Mẹ đã dặn rồi mà, phải tính đi tính lại, làm ra nháp rồi hẵng ghi vở…”. Tôi lên xe đi vẫn không quên nhắc con. Bực thật ý chứ, đã cho học làm toán thông minh, tính đếm nát tay trong hè rồi… 

Cả quãng đường về nhà Nhím im lặng. Hai mẹ con không vui như mọi khi. Vòng tay của con gái nhỏ ôm mẹ cũng lơi lơi, không được chặt. Đang bực sẵn nên tôi cũng chẳng hỏi con thích ăn gì, thích chơi gì nữa. Về nhà, tôi cũng không khoe điểm 9 của con với ông bà và bố. Chậc chậc. Khoe ra rồi lại phải nói về điểm 7. Rồi ông chồng tôi lại lảm nhảm vụ bắt con đi học thêm không ích lợi gì. Cứ giấu luôn cho xong. Nhím lầm lũi đeo cặp lên gác nằm im như thóc.

Nấu cơm xong, tôi lên phòng gọi con. Nhìn mặt Nhím phụng phịu, tôi nghiêm giọng nói: “Con đi tắm đi, ăn cơm rồi học bài. Hôm nay con bị điểm 7 Toán, mẹ phạt không cho con xem hoạt hình nữa”. Khác với mọi lần ngoan ngoãn nghe lời, lần này Nhím mếu máo: “Mẹ yêu điểm hơn yêu con. Sao lúc nào mẹ cũng hỏi con được mấy điểm? Mẹ không yêu con nữa. Hôm nay con mệt lắm…”

Nghe con gái nói, tôi lặng người. Vội sờ lên trán con thấy hâm hấp nóng. Quả thực chỉ để ý đến chuyện điểm số mà không nhìn sắc mặt con gái mệt mỏi nhợt nhạt. Thấy con mếu máo nhắc đi nhắc lại câu: “Mẹ yêu điểm hơn yêu con”, lòng tôi như có ai xát muối. Thương con, giận mình. Ngồi thừ ôm con, tự nghĩ: Đúng là lâu nay vì luôn mong con dẫn đầu lớp mà tôi đã vô tình gây áp lực cho con gái nhỏ mà không hề hay biết.

Đừng cố nhồi nhét con học chỉ vì kỳ vọng của cha mẹ. Ảnh: Lan Anh
Đừng cố nhồi nhét con học chỉ vì kỳ vọng của cha mẹ. Ảnh: Lan Anh

Lắng nghe con nói

Tối hôm đó, tôi chịu trận để ông chồng thuyết giáo cho một hồi, nào là phải đổi lại suy nghĩ con cái gì cũng phải nhất. Rằng đã muốn nói nhiều lần rồi, nhưng vì tôi quá cố chấp nên đành bất lực đứng nhìn, giờ thì không thể ở ngoài vòng nữa. Vì “Nhím cũng là máu thịt của anh. Trẻ nhỏ không cần mang cái ách kỳ vọng quá nặng phải sống cho phần của người khác. Kỳ vọng lớn nhất bố mẹ với con chỉ đơn giản rằng khi con lớn lên sẽ trở thành người hữu ích là đủ. Con có quyền tự định đoạt cuộc đời nó, người lớn chỉ ở bên khi con cần sự giúp đỡ hoặc lời khuyên bảo…”.

Nếu không có câu nói của con bé, chắc chẳng bao giờ tôi ngồi im nghe thuyết giáo như vậy. Nhưng lần này, tôi thấy chồng nói quá đúng. Bởi tôi thấy một nỗi sợ hiển hiện trước mắt, nếu tôi cứ tiếp tục đà ép học, ép điểm, tôi sẽ mất đi tình yêu của con. 

Công cuộc đổi mới bắt đầu, khi đón con, tôi không còn hỏi con được mấy điểm nữa, mà hỏi con học có vui không, hôm nay chơi với bạn nào, nhảy dây được mấy cái… Nhím ríu rít phấn khởi lắm. Có hôm còn dẫn mẹ giới thiệu với bạn trai thân hay chơi đuổi bắt với nhau trong trường! Nhìn con hớn hở vui lớn từng ngày, điểm số lúc cao lúc thấp nhưng vẫn tự tin kể với bố mẹ, người làm mẹ như tôi bỗng dạt dào vui sướng.

Học kỳ này, Nhím đứng đầu toàn khối. Trong bữa ăn tôi hỏi con: “Nhím thích gì để bố mẹ thưởng nào”. Nhím hỏi lại bố mẹ: “Bố mẹ có biết điều ước lớn nhất của con là gì không?”. Bố Nhím nheo mắt: “Trở thành cô công an hả con?”. Tôi cũng trổ tài đoán thử: “Trở thành cô giáo mặc áo dài xanh giống cô Lan con chứ gì?”. Nhím lắc đầu vẻ rất người lớn: “Không phải, con muốn ngày nào bố mẹ cũng vui với con sau khi tan trường như thế này”. Nhím nói xong lại vô tư ăn tiếp, cái răng sún cứ lấp ló sau mỗi tiếng cười. Không biết rằng Nhím đã cho bố mẹ một điểm 10 của sự thay đổi về thái độ, nhận thức trong điểm số của con.

Tôi nhớ lại, thuở đi học ngày xưa, điểm số luôn là làm đầu tôi nổ tung, đến nỗi nếu bị điểm kém, có khi chỉ muốn bỏ nhà đi thật xa vì không dám nói lại với bố mẹ, sợ bị đánh, sợ bị phạt, sợ bị nhiếc móc. Vậy nên với Nhím, tôi sẽ phải làm khác. 

Trong đầu tôi vẽ lên viễn cảnh, nếu nhỡ con bị điểm kém, tôi sẽ giúp con bình tĩnh nhìn rõ lý do vì sao, sẽ rút kinh nghiệm thế nào… Nhím sẽ lớn lên, sẽ học nhiều, và có thể lúc nào đó xao lãng bị điểm kém. Khi đó, tôi sẽ nói với con gái: Điểm kém - như một cốc sữa đã bị tay mình làm đổ, thay vì cứ tự dày vò bản thân hay tự trách mình thì hãy quên nó đi, và làm lại hoàn hảo hơn, làm một việc khác có ích!

Đôi khi con muốn mình thất bại. Con muốn sau những thất bại có một cái vỗ vai của cha, có một cái ôm ấm áp của mẹ, con muốn nghe những lời nói khích lệ tinh thần “cố gắng lên con”, chỉ từng ấy thôi sức mạnh của con đã tăng lên hàng vạn lần. Thay vì sự kì vọng hãy cho con niềm tin để con vượt qua những vấp ngã... 

Tâm sự của một cô bé trên facebook

Mỹ Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ