Đây là lời giải thích được đề xuất bởi một nhóm các nhà khoa học Nga và Đức nghiên cứu về vận động khác thường của nước trên Hành tinh Đỏ.
Các nhà khoa học Trái đất thấy rằng, có hơi nước bay cao trong bầu khí quyển sao Hỏa và nước đang dịch chuyển đến các cực của hành tinh. Nhưng cho đến nay vẫn không có lời giải thích hợp lý nào cho cách thức hoạt động của chu kỳ nước trên sao Hỏa hay tại sao hành tinh từng có thể đẫm nước này lại khô khốc như bây giờ.
Sự hiện diện của hơi nước ở trên cao bầu khí quyển của sao Hỏa rất khó hiểu vì Hành tinh Đỏ có một tầng khí quyển ở giữa đáng lẽ sẽ ngừng chu kỳ nước hoàn toàn.
“Tầng trung lưu của sao Hỏa quá lạnh để duy trì hơi nước”, các nhà khoa học viết lại trong nghiên cứu, bài được công bố ngày 16/4 trên tạp chí Geophysical Research Letters.
Vậy nước đã vượt qua hàng rào ở giữa đó như thế nào? Câu trả lời theo mô phỏng máy tính trong nghiên cứu trên cho thấy nó liên quan đến hai quá trình khí quyển độc nhất của Hành tinh Đỏ.
Trên Trái đất, mùa hè ở Bắc bán cầu và ở Nam bán cầu khá giống nhau. Nhưng điều này không diễn ra tương tự trên sao Hỏa: Bởi vì quỹ đạo của hành tinh này lệch tâm hơn nhiều so với Trái đất, nên nó gần với Mặt trời hơn trong mùa hè ở bán cầu Nam của nó (xảy ra hai năm một lần trên Trái đất). Vì vậy, mùa hè trên phần này của sao Hỏa nóng hơn nhiều so với mùa hè ở Bắc bán cầu.
Khi điều đó xảy ra, theo các nhà nghiên cứu mô phỏng, một lỗ lớn được mở ra trong tầng trung lưu của sao Hỏa ở độ cao vào khoảng giữa 60 tới 90km, cho phép hơi nước đi qua và thoát vào tầng khí quyển bên trên. Vào những thời điểm khác, việc thiếu ánh sáng Mặt trời ngăn chặn gần như hoàn toàn chu kỳ nước của sao Hỏa.
Sao Hỏa cũng khác với Trái đất ở chỗ Hành tinh Đỏ thường xuyên chìm trong những cơn bão bụi khổng lồ. Những cơn bão làm mát bề mặt hành tinh bằng cách chặn ánh sáng. Nhưng ánh sáng không chiếu tới bề mặt sao Hỏa thay vào đó bị mắc kẹt trong bầu khí quyển, làm ấm nó và tạo điều kiện phù hợp hơn cho việc di chuyển nước xung quanh, theo mô phỏng của các nhà khoa học cho thấy.
Trong điều kiện bão bụi diễn ra trên toàn cầu, giống như lần sao Hỏa bị bao phủ trong năm 2017, các hạt băng nước nhỏ hình thành xung quanh các hạt bụi. Những hạt băng nhẹ đó trôi vào bầu khí quyển bên trên dễ dàng hơn so với các dạng nước khác, vì vậy trong những khoảng thời gian đó, nước di chuyển nhiều hơn vào bầu khí quyển bên trên.
Các cơn bão bụi có thể dịch chuyển nhiều nước hơn vào bầu khí quyển bên trên so với hiện tượng xảy ra vào mùa hè Nam bán cầu, theo các nhà nghiên cứu cho thấy.
Khi nước vượt qua tầng trung lưu, theo các nhà nghiên cứu viết lại, có hai điều sẽ xảy ra: Một số nước trôi về phía Bắc và phía Nam, hướng về phía các cực, nơi cuối cùng nó sẽ lắng đọng. Nhưng ánh sáng cực tím trong bầu khí quyển bên trên cũng có thể cắt đứt liên kết giữa oxy và hydro trong các phân tử, khiến hydro thoát ra ngoài không gian, bỏ lại oxy.
Quá trình này có thể là một phần của câu chuyện về việc tại sao hành tinh vốn từng ngập nước này lại khô cạn như bây giờ.