Sáng tạo KHKT lan rộng trong các trường học Nghệ An

GD&TĐ - Năm học 2017 - 2018, Nghệ An ghi nhận sự vượt trội về số lượng và chất lượng các dự án tham gia cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp tỉnh với 241 dự án, gần gấp đôi so với năm học trước. Trong đó, ban giám khảo đã lựa chọn ra 18 dự án xuất sắc nhất dự thi cấp quốc gia.

Sáng tạo KHKT lan rộng trong các trường học Nghệ An

Điều quan trọng nhất là từ cuộc thi này, đã tạo động lực, khuyến khích các trường phổ thông đẩy mạnh phong trào sáng tạo KHKT, ứng dụng kiến thức bài học vào nhiều lĩnh vực của thực tiễn cuộc sống.

Sẵn sàng cho sân chơi KHKT học sinh cấp quốc gia

Đến Trường THCS Hương Tiến (huyện Thanh Chương), chúng tôi được chứng kiến hai nữ sinh Lô Thị May Sao và Kha Thị Nhật Linh kiểm tra, hoàn thiện một số chi tiết của “balo chống đuối nước” trước khi chính thức đưa xuống TP Vinh dự thi KHKT cấp quốc gia. Đây cũng là sản phẩm đã giành giải Nhất cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp tỉnh do Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức tháng 12/2017.

May Sao và Nhật Linh là học sinh dân tộc Thái. Hằng ngày đến trường, các em phải băng qua nhiều khe suối, cầu tràn. “Đã có những sự cố không may xảy ra khi các bạn học sinh đi học qua vùng nước ngập, điều đó đã thôi thúc chúng em phải làm điều gì đó hữu ích để tự bảo vệ bản thân và bạn bè” - May Sao tâm sự. Sáng chế của hai em có tên là “balo chống đuối nước dành cho học sinh” một sản phẩm được thiết kế với hai chức năng chính là cứu đuối và báo động. Mặt khác, đối với học sinh, lúc nào đi học cũng mang theo balo nên rất tiện lợi.

Bề ngoài, chiếc balo chống đuối nước không khác biệt so với nhưng chiếc cặp đi học bình thường. Nhưng 2 em sử dụng săm xe đạp cũ để làm phao cứu đuối và các thiết bị định vị, công tắc cảm biến... để làm thiết bị báo động. Khi người đeo balo bị rơi xuống nước, công tắc tự động đóng, còi báo động kêu xa khoảng 50m, giúp người xung quanh biết được đến cứu. Đồng thời, phao là giải pháp cứu đuối tạm thời trong khi chờ sự giúp đỡ từ người lớn.

Hai nữ sinh cho biết: Chúng em được thầy Trần Hưng Hoàn - giáo viên Vật lý trực tiếp giúp đỡ và hướng dẫn. Qua nhiều lần thử nghiệm tại sông, hồ cho thấy, balo có thể nâng một người có sức nặng khoảng 50kg nổi lên mặt nước mà không cần tác động nào từ cơ thể. Một ưu điểm nữa của sản phẩm là gần gũi và cần thiết với mọi học sinh, đặc biệt là giá balo chỉ khoảng từ 400.000 - 500.000 đồng.

Ở Trường THPT Cửa Lò, em Hà Gia Bảo lớp 12 A1 - cũng hoàn thiện những bước thí nghiệm cuối cùng của đề tài “Kết hợp tách Chitin từ vỏ tôm và sản xuất phân bón hữu cơ từ rác thải sinh hoạt”. Theo dõi quá trình thực hiện của Bảo, các bước triển khai không khác nhiều so với cuộc thi cấp tỉnh. Trước đó, Bảo đã mất gần nửa năm chuẩn bị, không đếm được bao nhiêu lần thất bại vì sản phẩm hoàn thiện không đạt được như kỳ vọng. Nhưng giờ đây, nó đã có hiệu quả và áp dụng được vào thực tế tại nơi Bảo sinh sống.

Vừa tạo ra nguyên liệu, vừa sử dụng được cho người nông dân trong trồng trọt: “Nghề đánh bắt và chế biến thủy sản là nghề truyền thống của thị xã Cửa Lò. Tuy nhiên, một trong những bất cập hiện nay là việc xử lý rác thải còn gặp nhiều khó khăn gây ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị. Trong khi đó, Cửa Lò là điểm du lịch thu hút đông đảo du khách các nơi đến đây. Đề tài của em sẽ tận dụng được nguồn rác thải để chế tạo ra chất chitin, được ứng dụng phổ biến trong các lĩnh vực như y học, dược phẩm, mỹ phẩm. Bên cạnh đó, tận dụng các phế phẩm khác để tạo ra phân bón hữu cơ” - Bảo nói.

Không để học sinh thua thiệt về khoa học kỹ thuật

Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Hưng Nguyên, Nghệ An) là một ngôi trường trẻ, mới thành lập 10 năm. Đóng tại địa bàn vùng thấp trũng, học sinh là con em hộ nghèo chiếm gần 50%, nhưng tập thể nhà trường luôn cố gắng, tâm huyết để đảm bảo sĩ số học sinh, tạo môi trường học tập tốt, chất lượng. Đặc biệt, từ năm 2012, trường đã tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp trường, như một cách để tăng cường trải nghiệm, ứng dụng kiến thức sách vở vào thực tiễn của học sinh. Đồng thời tính vào điểm thi đua để tạo động lực cho học sinh tham gia.

Để có kinh phí hỗ trợ học sinh, nhà trường vận động xã hội hóa, kêu gọi các quỹ học bổng để tài trợ, đầu tư cho “chất xám”. Bên cạnh đó, nhà trường còn chủ động liên lạc với các học sinh, các trường vùng lân cận có dự án KHKT đạt giải cao hàng năm để cho học sinh, giáo viên của trường mình giao lưu, học hỏi.

Kết quả, từ năm 2012 đến nay, trường có 6 dự án đạt giải KHKT cấp tỉnh. “Chúng tôi tạo mọi điều kiện để học sinh không thua thiệt về KHKT. Thực tế, các em rất thích thú và hưởng ứng phong trào này. Đây cũng là một cơ sở hướng nghiệp cho các em. Phần lớn những em tham gia sáng tạo KHKT sau này cũng chọn học nghề, học đại học theo lĩnh vực mà các em nghiên cứu, theo đuổi trong những năm phổ thông” - thầy Lê Đăng Việt - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Cuộc thi sáng tạo KHKT dành cho học sinh trung học bắt đầu được phát động trong toàn ngành Giáo dục Nghệ An từ năm học 2011 - 2012. Mặc dù, đây là một lĩnh vực mới, khó và đòi hỏi rất nhiều tính sáng tạo nhưng chỉ sau 5 năm triển khai nhanh chóng trở thành một phong trào được đông đảo các trường THCS và THPT trong toàn tỉnh hưởng ứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ