Sau gần 3 tháng thực hiện, những sản phẩm như thanh ngang hạn chế cận thị, gậy ánh sáng… đã được các em HS hoàn thành với nhiều niềm vui, nhiều trải nghiệm bổ ích.
Dự án dạy học đầy ý nghĩa
Là người khởi xướng dự án nói trên, thầy Huỳnh Kiều Viết Lãm chia sẻ, ban đầu việc tìm nhân sự và kinh phí để thực hiện dự án là điều thầy rất trăn trở. Nhưng rồi với sự hỗ trợ của giáo viên cùng trường là cô Trương Hồng Ngọc cùng 87 HS (chủ yếu HS khối 11) tự nguyện tham gia cùng thầy đã tiếp thêm động lực rất lớn để thầy trò cùng hoàn thành dự án.
Khởi động từ tháng 8/2017, HS tham gia dự án “You can see - Đèn đỏ, bỏ sách” được phân ra thành 4 nhóm. Có nhóm tìm hiểu những biện pháp đã được áp dụng và nghiên cứu thiết kế kiểu dáng, kích thước, nguyên vật liệu chế tạo “thanh ngang hạn chế cận thị”.
Nhóm tìm hiểu kỹ năng giao tiếp và bộ chữ nổi, giao lưu, tìm hiểu cuộc sống của người khiếm thị và chịu trách nhiệm thiết kế kiểu dáng, cấu tạo mạch cho “gậy ánh sáng” hỗ trợ người khiếm thị qua đường… Nhóm sẽ ghi lại quá trình thực hiện các sản phẩm để làm clip giới thiệu song ngữ trong buổi tổng kết dự án…
Trong hơn 10 tuần thực hiện, phòng thực hành Vật lý của Trường THPT Ten Lơ Man luôn sáng đèn bởi các nhóm HS đều rất say sưa với sản phẩm. Thông qua việc đi thực tế tới Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu để cho HS của trường trải nghiệm “gậy ánh sáng” và tới trường tiểu học để thực nghiệm “thanh ngang hạn chế cận thị”, sản phẩm của các em làm ra đã ở phiên bản 3.0 và nhận được sự phản hồi rất tốt của người sử dụng.
Thầy Lãm cho biết, các sản phẩm này tiếp tục được các em hoàn thiện thông qua những góp ý từ người dùng. Ví dụ như chiếc gậy ánh sáng, một số HS của trường Nguyễn Đình Chiểu phản hồi còn hơi nặng, và chiếc gậy với những người khiếm thị đi đường gần như ai cũng có, nên có thể sẽ chuyển sang hướng sẽ tặng mạch cho những người khiếm thị.
Theo đó, các em sẽ dựa trên lý thuyết về cảm biến siêu âm để làm ra những bộ mạch. Khi có vật cản cách xa từ 2 - 3 mét, mạch cảm biến sẽ nhận và chuyển tín hiệu đến con rung và gậy sẽ rung lên, báo hiệu cho người khiếm thị giúp họ chủ động hơn trong các tình huống.
Bên cạnh đó, mạch cũng được trang bị nút ấn có còi và tín hiệu đèn khi người khiếm thị muốn qua đường hay cần hỗ trợ gì từ những người xung quanh.
Còn về thanh ngang hạn chế tật cận thị, được tạo ra từ những vật liệu như nhựa PVC, nhựa trong, gỗ sắt cho các bàn mẫu tại phòng thực hành để từ đó tìm ra được nguyên liệu tốt nhất, giá cả hợp lý cho thanh ngang.
Chúng được thiết kế gọn nhẹ, không gây vướng với các em HS, có thể gập lên gập xuống và kết hợp bởi một thiết bị đó là gạch “đèn đỏ, bỏ sách”.
Thầy Viết Lãm giải thích thêm: Khi ánh sáng đỏ của bộ hạn chế tật cận thị phát lên thì khi đó báo hiệu điều kiện ánh sáng xung quanh không đủ để bạn tiếp tục học tập, làm việc.
Từ đó nhắc nhở bạn tìm một không gian có ánh sáng thích hợp hơn, hay điều chỉnh tăng cường ánh sáng tại nơi học tập, làm việc để bảo vệ thị giác của mình. Hay nói ngắn gọn “đèn đỏ thì bỏ sách xuống”.
HS thích thú với những trải nghiệm
Với việc tích hợp liên môn giữa Vật lý, Tin học, Tiếng Anh, Hóa học, Toán học, Văn học, dự án đã mang lại cho HS những bài học rất thú vị từ thực tiễn.
Em Nguyễn Minh Quân, lớp 11A1 chia sẻ, tham gia dự án, em nhận ra rằng, khi học về lý thuyết, hiểu và giải một bài toán hoàn toàn khác với việc vận dụng những kiến thức đó vào thực tế để làm ra một sản phẩm; ví dụ như mạch cảm biến ánh sáng. Ở phần thực hành, nó không chỉ đòi hỏi về việc nắm vững kiến thức mà các kỹ năng khác.
Thêm vào đó, tham gia dự án em thấy mình rèn thêm được kỹ năng giao tiếp khi tham gia đi phỏng vấn, khảo sát về tật cận thị. Ngoài ra, khi được đến Trường Nguyễn Đình Chiểu để hướng dẫn cho các bạn HS ở đây trải nghiệm về “gậy ánh sáng”, em cảm thấy rất khâm phục các bạn vì luôn lạc quan, đầy nghị lực.em cũng thấy mình may mắn khi được sinh ra lành lặn; và từ đó, em cũng hiểu hơn về sự sẻ chia, lòng nhân ái với những người kém may mắn hơn mình.
Tương tự, em Hồ Thanh Yến Vy, lớp 11 A1 cũng cho rằng, tham gia trong nhóm làm thanh ngang hạn chế tật cận thị, em hiểu rõ, hiểu sâu hơn về những nguyên nhân dẫn đến cận thị, để rồi từ đó “chỉnh” ngay cho mình cách ngồi học đúng tư thế, giữ khoảng cách với tập vở là bao nhiêm cm, học khi đủ ánh sáng, dinh dưỡng ra sao để đôi mắt khỏe…
Em cũng có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng như cách quay clip, kỹ năng phỏng vấn, làm việc nhóm… và bản thân ý thức được về trách nhiệm với việc mà mình làm, mình được phân công.
Là người theo sát HS trong quá trình thực hiện dự án, thấy học trò tiến bộ từng ngày và làm ra được các sản phẩm như mục tiêu ban đầu đề ra, thầy Viết Lãm vô cùng hài lòng.
Bởi theo thầy, ngoài việc giúp các em có thêm kiến thức về mắt, bảo vệ đôi mắt, vận dụng các kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề từ thực tiễn, học thêm các kỹ năng thì bài học về trách nhiệm với công việc, về sự sẻ chia với các mảnh đời kém may mắn hơn mình luôn được đề cao.
Trong thời gian tới, thầy và trò Trường Ten Lơ Man hi vọng sẽ tìm được nguồn kinh phí hỗ trợ cho dự án để các em làm ra nhiều sản phẩm hơn, có thể đến được nhiều nơi như mái ấm tình thương, tìm hiểu những người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn để tặng gậy ánh sáng.
Đặc biệt, theo thầy Viết Lãm, nếu trường tiểu học nào có nhu cầu, họ sẵn sàng phối hợp để chuyển giao những sản phẩm của dự án để hỗ trợ cho HS trong việc bảo vệ đôi mắt, đảm bảo cho việc học tập tốt nhất.