Sai lầm người lớn hay mắc khi trẻ có em

GD&TĐ - Có thêm thành viên mới trong nhà luôn là một sự kiện quan trọng đối với gia đình. Tuy nhiên, cha mẹ nên quan tâm và chuẩn bị tốt cho trẻ lớn.

Phụ huynh nên giúp trẻ thiết lập mối quan hệ gắn bó bên cha. Ảnh minh họa
Phụ huynh nên giúp trẻ thiết lập mối quan hệ gắn bó bên cha. Ảnh minh họa

Phụ huynh cần chuẩn bị cho những thay đổi ở trẻ, trước khi em bé chào đời. Ví dụ, cha mẹ dự định khi có em, trẻ lớn sẽ ngủ với ông bà, hoặc ở riêng phòng. Nên cho trẻ tập làm quen vài tuần, vài tháng trước khi mẹ sinh em bé.

Tâm lý bị ra rìa

Trong nhiều gia đình, do cha mẹ muốn “đủ nếp, đủ tẻ”, “có chị, có em”, “cho vui cửa, vui nhà” nên quyết định sinh thêm con thứ hai. Tuy nhiên, điều khiến cha mẹ băn khoăn là sự tổn thương về mặt cảm xúc của con lớn. Trẻ có thể cảm thấy ganh tị hoặc trở nên ương bướng, quấy rối vô cớ. Thậm chí, trẻ có thể âm thầm ghét em, coi em là kẻ khiến mình bị… ra rìa.

Với những gia đình có hai trẻ ở độ tuổi cách xa nhau, khi con lớn hiểu vấn đề, thì tổn thương này có thể giảm. Tuy nhiên, với gia đình có hai trẻ cách nhau chỉ 2 - 3 tuổi, đứa con đầu thường nhạy cảm, dễ tổn thương với việc nhà có thêm thành viên mới.

Trước khi có em, trẻ luôn được cha mẹ và những người thân trong gia đình hết lòng chăm sóc và chiều chuộng. Tuy nhiên, đến ngày bất ngờ có thêm em, trẻ phải san sẻ tất cả mọi thứ, từ vật chất đến tinh thần.

Đầu tiên là việc mẹ bỗng dưng “biến mất” mấy ngày vì phải nhập viện sinh em. Sau khi về nhà, trẻ cũng sẽ thường xuyên chứng kiến việc mẹ bồng bế, chăm sóc em. Ngay cả người thân xung quanh cũng đến thăm hỏi, bế ẵm em bé mà quên đi sự hiện diện của “anh cả” hoặc “chị hai” trong nhà.

Đỉnh điểm là khi những lời nói trêu đùa của mọi người xung quanh được thốt ra như: “Từ nay mẹ cho chị ra rìa”, “mẹ chỉ yêu em bé thôi”... càng khiến trẻ bị tổn thương. Điều này khiến con rơi vào trạng thái “không thể chấp nhận” được. Từ đó, sinh ra những thay đổi nghiêm trọng về mặt tâm lý. Đồng thời, ảnh hưởng đến sự phát triển và tính cách sau này của trẻ.

Vì vậy, ngay từ khi có ý định sinh thêm bé thứ hai, cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ để giúp con tránh những cú sốc đầu đời.

Cha mẹ nên là người đầu tiên thông báo cho trẻ biết mình sắp có em. Ảnh minh họa.

Cha mẹ nên là người đầu tiên thông báo cho trẻ biết mình sắp có em. Ảnh minh họa.

Không yêu cầu trẻ tự lập

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo - sáng lập và điều hành phòng khám Happy Baby (TPHCM) - cho biết, một số cha mẹ khi có thêm em bé đã ngay lập tức đòi hỏi sự độc lập từ đứa con lớn của mình. Bởi, họ mang tâm lý cho rằng, con đã lên chức “anh”, “chị”.

Đặc biệt, do bận rộn xoay quanh thành viên mới, mệt mỏi hơn, mất ngủ nhiều, căng thẳng hơn, cha mẹ không giữ kiên nhẫn, vui vẻ, tích cực như xưa. Thậm chí, phụ huynh có xu hướng dễ la mắng, chê bai đứa con đầu - người vốn dĩ đang cần nhiều hỗ trợ về tình cảm.

Trong khi đó, người lớn khác trong và cả ngoài gia đình lại hay thích châm chọc, lấy nước mắt của con nít làm niềm vui. Từ trước khi em bé ra đời, người lớn đã bắt đầu nói với trẻ, rằng: “Con sắp ra rìa rồi, có biết không?”, “Mai mốt mẹ có em bé mới, con bị bỏ luôn đó nha!”, hay những câu nói khác. Đứa trẻ khi đó càng bị tổn thương, dè dặt, nhạy cảm với tình huống mới. Từ đó, trẻ càng ác cảm thêm với thành viên mới ra đời. Điều đó càng khiến tình thế trở nên ngột ngạt, khó khăn và khó thích ứng đối với cả gia đình.

“Vì vậy, để có thể tránh và giảm tổn thương cho trẻ, cũng như giúp cuộc sống gia đình thuận buồm xuôi gió hơn, khi chuẩn bị và sau khi có em bé mới, có một số điều ba mẹ và người lớn trong gia đình cần lưu ý”, bác sĩ Huyên Thảo nhấn mạnh.

Cụ thể, cha mẹ nên là người báo tin về việc sắp có em bé cho con lớn. Tuyệt đối không để người ngoài là người cho trẻ biết chuyện. Đồng thời, nên cho trẻ tham dự những công việc chuẩn bị chào đón thành viên mới, như đi mua sắm đồ cho em, dự các lớp về chuẩn bị bầu của mẹ…

Phụ huynh cũng có thể cho trẻ có một số quyết định trong một số trường hợp. Như vậy, trẻ sẽ yên tâm và thấy mình vẫn có quyền “kiểm soát” tình hình. Cho trẻ đọc sách tranh ảnh về chuyện em bé. Cho trẻ chơi trò búp bê giả làm em.

Phụ huynh cần chuẩn bị những thay đổi mà mình mong muốn ở trẻ, trước khi em bé chào đời. Ví dụ, cha mẹ nghĩ khi có em bé, trẻ lớn sẽ ngủ với ông bà, hoặc ở riêng phòng. Khi đó, nên cho trẻ tập vài tuần, thậm chí vài tháng trước khi mẹ sinh em bé. Hoặc, nếu muốn trẻ đi học mẫu giáo, cha mẹ cũng nên làm điều đó trước khi sinh nở. Bởi, thực tế, việc áp đặt những thay đổi thói quen hằng ngày đột ngột trong hoàn cảnh có em bé mới sẽ khiến trẻ có cảm giác thêm tiêu cực. Khi đó, trẻ càng khó khăn, phản kháng nhiều hơn.

“Khi bé nhỏ ra đời, nên cho trẻ gặp em ngay khi có thể. Câu đầu tiên cha mẹ nên nói với trẻ, là “Mẹ yêu con nhất! Con đến hôn em của con đi! Con chào đón em con vào gia đình mình đi nhé!”. Nên kiềm chế cơn giận dữ, không tỏ vẻ tức giận. Xem chuyện con có những thụt lùi trong các kỹ năng là một điều bình thường”, chuyên gia khuyến cáo. Bởi, đây không phải là điều trẻ cố ý.

Thực tế, đó chỉ là sự biểu hiện vô thức nhu cầu được quan tâm, yêu thương. Đôi khi, đó còn là sự lúng túng, lo âu của trẻ cho tình hình hiện tại. Do đó, cha mẹ càng giận dữ, la mắng, trẻ sẽ càng thụt lùi và buồn bã hơn.

Phụ huynh cũng được khuyên không nên mong đợi sự độc lập của trẻ hơn khi em nhỏ ra đời. Bởi, làm như vậy là không công bằng với trẻ. Khi cha mẹ càng mong đợi và đòi hỏi con tự lập, trẻ càng có xu hướng dựa dẫm nhiều hơn. Ngược lại, khi cha mẹ càng không mong đợi sự độc lập từ con, trẻ lại có thể cố gắng để tự lập một cách tự nguyện.

“Nên để ý đến suy nghĩ, tình cảm của trẻ. Tránh những câu nói làm tổn thương trẻ. Quan tâm đến trẻ hơn. Khi có những dịp mừng em nhỏ, cha mẹ cũng nên chuẩn bị những món quà riêng cho “anh lớn”, “chị lớn”, để trẻ không cảm thấy quá thiệt thòi và so sánh.

Nên thu xếp cho trẻ có cơ hội, không gian và hoạt động riêng, không bị luôn gắn liền với em nhỏ. Nên chỉ ra cho trẻ thấy lợi thế của người “anh”, “chị” khi so với em mình. Như: Trẻ có thể tự đi, tự ăn, có bạn để chơi… Chỉ cho trẻ biết những điều tích cực để trẻ tự tin hơn”, bác sĩ Huyên Thảo chia sẻ.

Bên cạnh đó, những trẻ gắn bó với cha nhiều hơn có xu hướng ít bị ảnh hưởng tiêu cực và điều chỉnh linh hoạt với môi trường mới hơn so với những trẻ gắn bó quá với mẹ. Vì vậy, nếu được, cha mẹ nên điều chỉnh cân bằng mối quan hệ. Người mẹ nên bớt bảo bọc con. Tạo cơ hội cho cha thiết lập mối quan hệ tốt với trẻ lớn, ngay từ lúc ban đầu.

Cha mẹ cần mang lại cho trẻ cảm giác được yêu thương, ngay cả khi có thêm em. Ảnh minh họa.

Cha mẹ cần mang lại cho trẻ cảm giác được yêu thương, ngay cả khi có thêm em. Ảnh minh họa.

Để trẻ không ganh tị

Đặc biệt, do không nhận được sự quan tâm đúng cách từ người lớn, không ít trẻ có xu hướng ganh tị, ghét em. Theo chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh - Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) - cho biết, trẻ lớn có thể có những hành vi hung hăng tỏ thái độ gây hấn đối với em bé, như đánh hoặc ném đồ vào em.

Ngoài ra, trẻ còn hay so bì hoặc ít nói chuyện với anh chị em của mình, không bỏ qua bất cứ cơ hội mách tội, chỉ trích anh chị em khác với cha mẹ. Thậm chí là tỏ ra vui thích, hả hê khi anh chị em bị phạt, lén lút gây tổn thương thân thể em… Một số trẻ còn tự thu mình lại trong thế giới riêng, không tiếp xúc với ai, chán ăn.

Theo chuyên gia Thúy Trinh, cha mẹ không nên so sánh các con trước mặt trẻ. Dù nhận thấy những sự khác biệt giữa các con, nhưng hãy cố gắng không bình phẩm, so sánh trước mặt chúng. Bởi, trẻ có thể nghĩ rằng mình không tốt hoặc không được yêu bằng em.

Phụ huynh cũng không nên tham gia vào cuộc tranh luận của các con. Ví dụ, trẻ đang tranh cãi về đồ chơi, phụ huynh có thể chia đồ chơi ra để mỗi trẻ đều có phần. Trong trường hợp trẻ có hành vi bạo lực, cha mẹ mới nên can thiệp. Ngoài ra, hãy khen ngợi các con khi chúng giải quyết được mâu thuẫn.

“Hãy dùng những buổi họp gia đình để biểu lộ suy nghĩ và cảm xúc, cũng như bàn về kế hoạch trong tuần. Luôn động viên khen thưởng những hành vi tốt của trẻ.

Mối quan hệ giữa anh chị em trong gia đình là những mối quan hệ sớm nhất. Bằng việc giúp các con học cách tôn trọng và yêu thương nhau, cha mẹ đang tặng cho chúng một món quà lớn”, chuyên gia Thúy Trinh nhấn mạnh.

Ngoài ra, cha mẹ nên thường xuyên nhắc nhở con rằng, mình là một gia đình và các con là anh chị em ruột. Cha mẹ có thể là cầu nối để giải tỏa những hiểu lầm của trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.