Sách giáo khoa - sách tham khảo: Nhập nhèm do đâu?

GD&TĐ - Mặc dù đã có quy định nhưng hiện tượng bán sách giáo khoa (SGK) trong nhà trường theo kiểu “bia kèm lạc” vẫn diễn ra đây đó, gây bức xúc dư luận. Thực tế cho thấy, sách tham khảo xếp lẫn SGK thành các combo được đóng gói phát hành trong nhà trường là cách dễ đi vào lòng... phụ huynh nhất.

Học sinh lựa sách tại nhà sách FAHASA (Quận 8, TPHCM).
Học sinh lựa sách tại nhà sách FAHASA (Quận 8, TPHCM).

Mua sự an tâm

Theo PGS.TS Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, thỉnh thoảng chúng ta vẫn đọc thông tin đâu đó vẫn có tình trạng giáo viên bán SGK dạng “bia kèm lạc” cho phụ huynh. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhà trường không ép phụ huynh mua sách bài tập.

Nhưng đối với các lớp học hai buổi/ngày, nếu không có sách bài tập thì học sinh sẽ phải chép đề bài vào vở rồi mới làm bài, chắc chắn sẽ chậm hơn các bạn có sách bài tập. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dạy học chung của cả lớp. Có thể chính vì sự tiện lợi đó, hoặc cũng có thể vì có thỏa thuận với đơn vị xuất bản, nhiều trường đã biến cuốn vở bài tập thành đầu sách bắt buộc phải có, nằm trong danh sách với các cuốn sách giáo khoa khác.

“Cũng có phụ huynh biết mình đang bị ép mua sách nằm ngoài quy định, nhưng họ lại suy nghĩ “để các cô thêm tí quà lo cho đời sống” hoặc có phụ huynh sợ giáo viên không hài lòng hay thầy cô dạy nội dung trong sách A, sách B mà con mình không có để “bằng bạn, bằng bè”, hoặc lo con không đạt danh hiệu giỏi... nên mua sách như mua sự an tâm”, PGS.TS Bùi Văn Hồng chia sẻ.

Xét về bản chất, những cuốn sách tham khảo không có tội. Không những thế, sách tham khảo hay luôn là thứ có ích không chỉ với học sinh mà nhiều người. Tuyển chọn sách phù hợp với học sinh không ai khác chính là các giáo viên và nhà trường. Tuy nhiên, khi sách được bán qua hệ thống trường học cùng với khoản chiết khấu hoa hồng sẽ dễ xảy ra tình trạng lơ là, không có “bộ lọc” nào để giúp học sinh nhận biết được đâu là những cuốn thực sự cần thiết. Hệ lụy là sách tham khảo được xuất bản tràn lan, trà trộn với sách tham khảo.

Có con học phổ thông, ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng ban Truyền thông, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) lại cho rằng, mua SGK, đồ dùng học tập cho con em với các phụ huynh là điều bắt buộc mỗi năm học. Tuy nhiên, việc đổi sách giáo khoa liên tục cũng khiến nhiều phụ huynh đau đầu vì số tiền mua sách mỗi năm trở thành gánh nặng cho gia đình.

“Từ khi dịch Covid-19 hoành hành cho đến nay, kinh tế của nhiều gia đình khó khăn hơn. Tình trạng thất nghiệp, khó tìm việc làm diễn ra khắp nơi. Chưa kể, xăng tăng khiến vật giá leo thang, tình trạng lạm phát cũng gia tăng trong thời gian qua khiến đời sống của người dân nói chung rất chật vật. Chính vì vậy, việc yêu cầu mua sách giáo khoa và ép mua thêm sách tham khảo sẽ khiến nhiều gia đình không hài lòng. Ai cũng biết, sách tham khảo được đặt ở thư viện trường hoặc tùy vào nhu cầu mà các em lựa chọn đọc thêm. Việc ‘ép’ mua sách tham khảo như vậy khiến cho các phụ huynh phản ứng là điều đương nhiên...”, ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc bày tỏ.

Một combo bán SGK, sách tham khảo của một trường tiểu học tại TPHCM.

Một combo bán SGK, sách tham khảo của một trường tiểu học tại TPHCM.

Để thị trường lành mạnh

Liên quan việc bán SGK đính kèm luôn cả sách tham khảo... ThS Bùi Khánh Nguyên - chuyên gia giáo dục độc lập, cho rằng, để có thị trường sách giáo khoa lành mạnh thì các nhà xuất bản SGK phổ thông nên là các tổ chức phi lợi nhuận và được kiểm toán độc lập để minh bạch về giá cấu thành của sách. Ví dụ NXB Giáo dục Việt Nam là công ty 100% vốn Nhà nước, nhưng cần xác định sứ mệnh là không vì lợi nhuận và phải được kiểm toán để ngăn chặn việc trả hoa hồng quá cao cho các đại lý, đơn vị phát hành sách làm tăng giá sách.

Nhà nước nên trợ giá phần lớn giá SGK hoặc cung cấp sách giáo khoa miễn phí cho các thư viện của trường phổ thông để học sinh được mượn thay vì phải mua. SGK nên được dùng lại cho học sinh lớp học sau.

“Trường học có thể là điểm cung cấp SGK, nhưng không được làm đại lý bán sách, nhận hoa hồng vì sẽ dẫn tới mâu thuẫn lợi ích. Giáo viên không có lý do chính đáng nào để thực hiện việc bán sách. Giáo viên và thư viện trường chỉ có thể giới thiệu những cuốn sách phù hợp nhưng không được tiếp thị sách”, ThS Bùi Khánh Nguyên bày tỏ.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, để học sinh Việt Nam được hưởng lợi từ thành tựu giáo dục thế giới, thay vì mất quá nhiều thời gian công sức biên soạn sách giáo khoa, Việt Nam nên mua bản quyền và dịch sách giáo khoa của nước ngoài, đặc biệt cho các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Như vậy, học sinh có cơ hội được tiếp cận khoa học ở mức tương đương với quốc gia phát triển.

Ngoài các bộ sách của tác giả trong nước, Việt Nam nên cho phép lưu hành 1 - 2 bộ SGK mua bản quyền và dịch từ sách của nước ngoài với điều kiện đáp ứng các yêu cầu về SGK cũng như chương trình khung. Điều này giúp giáo viên, học sinh có thêm tài liệu để tham khảo, so sánh nội dung dạy, học trong nước với thế giới và tiếp cận với kiến thức mới…

“Hoa hồng bán sách tham khảo cho các trường cao hơn SGK. Đây là một trong những lý do khiến tình trạng bán SGK theo kiểu “bia kèm lạc” có đất sống. Tuy nhiên, nếu không mua thì con không có sách để học, dù trong hơn 10 cuốn sách tham khảo trường giới thiệu, con chỉ sử dụng thường xuyên ba cuốn sách bài tập môn Toán, tiếng Việt và rèn chữ...” - chị Nguyễn Thị Thu (Quận 1, TPHCM) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.