Sách giáo khoa đã đáp ứng yêu cầu cải cách và đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Tổng Giám đốc NXBGD Việt Nam khẳng định việc biên soạn, biên tập, in ấn, phát hành sách giáo khoa đã đáp ứng yêu cầu cải cách, đổi mới giáo dục.

Ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc NXBGD Việt Nam.
Ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc NXBGD Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo về công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông ngày 29/9, ông Hoàng Lê Bách - Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng qua những lần đổi mới sách giáo khoa tại Việt Nam có thể nhận thấy 5 vấn đề.

Một là xây dựng chương trình luôn là vấn đề gay cấn, thường gặp nhiều khó khăn trở ngại và thường bị chậm so với tiến độ dự kiến ban đầu. Sau khi Đảng và Nhà nước có chủ trương đổi mới, cải cách thì phải một thời gian khá dài sau mới có chương trình và sách giáo khoa.

Hai là, việc biên soạn sách giáo khoa muốn được thực hiện đúng tiến độ, có chất lượng, cần giao vai trò chủ động cho một nhà xuất bản có tính chuyên nghiệp; và qua lịch sử giáo dục cách mạng đã cho thấy NXBGD Việt Nam chính là tổ chức đã đảm nhiệm sứ mệnh đó.

Với các lần đổi mới chương trình sách giáo khoa, NXBGD Việt Nam đều có vai trò chủ công. Gần đây, theo chủ trương xoá bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa, có thêm một số nhà xuất bản tham gia vào việc xuất bản sách giáo khoa. Tuy nhiên, thực tế khẳng định NXBGD Việt Nam vẫn là đơn vị giữ vị thế hàng đầu trong lĩnh vực này.

Về cơ bản, hiện có 3 bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì trong đó 2 bộ của NXBGD Việt Nam. Thị phần sách giáo khoa lớn nhất vẫn thuộc về NXBGD Việt Nam. NXBGD Việt Nam vẫn luôn là đơn vị vững chắc và tin cậy của Bộ GD&ĐT, khẳng định được tính ưu việt của một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ GD&ĐT, luôn đảm bảo đáp ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời sách giáo khoa theo đúng lộ trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT.

Theo ông Bách, vấn đề thứ 3 chính là làm sách giáo khoa có tính chất đặc thù, cần có tính chuyên nghiệp cao. Một nhà xuất bản làm sách giáo khoa thực thụ phải là một đơn vị có khả năng đảm trách được mọi công đoạn của việc xuất bản sách giáo khoa. Có như vậy, mới có thể có sự điều phối của một “tổng đạo diễn”, đảm bảo cho sách giáo khoa có được chất lượng, đúng tiến độ và giá bán hợp lí nhất.

Thực tế gần đây nhất đã cho thấy, thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa, xoá bỏ độc quyền và cạnh tranh xuất bản sách giáo khoa, hoàn toàn dễ dàng nhận ra sách giáo khoa mới các lớp 1,2,6,3,7,10 của NXBGD Việt Nam có giá bán rẻ nhất trong tất cả các bộ sách giáo khoa mới trên thị trường hiện nay, rẻ hơn sách giáo khoa của các nhà xuất bản khác từ 10-20%. Chưa kể, nếu tính giá bán theo đơn vị trang sách, sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam càng cho thấy còn rẻ hơn nữa.

Thông tin đó phản ánh nhiều khía cạnh vấn đề của việc xuất bản sách giáo khoa. Trước hết, NXBGD Việt Nam là một doanh nghiệp nhà nước đã chứng minh được tính ưu việt của một doanh nghiệp lấy mục tiêu phục vụ ngành giáo dục, phục vụ cộng đồng lên trên hết, lấy việc kinh doanh làm phương tiện để phục vụ mục tiêu đó; qua đó vẫn chứng minh được năng lực quản lí, năng lực điều hành, tiết kiệm chi phí sản xuất có hiệu quả để tạo ra những sản phẩm tốt và giá bán hợp lí với mức sống của nhân dân.

Đặc biệt đáng ngạc nhiên, tính ưu việt về giá bán của sách giáo khoa xã hội hoá không thuộc về một doanh nghiệp nào khác mà lại thuộc về một doanh nghiệp nhà nước - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Vấn đề thứ 4, Tổng Giám đốc NXBGD Việt Nam cho rằng sách giáo khoa là một loại hàng hoá đặc thù, thường có tác động tới tâm lí và dư luận xã hội, cần có những quyết sách để ổn định sách giáo khoa, trong đó có những quyết sách về việc tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế, thẩm định, phát hành sách giáo khoa.

Cuối cùng, những điều chỉnh về chiến lược chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đối với việc xuất bản sách giáo khoa là cần thiết và thường xuyên để sách giáo khoa có chất lượng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục và xã hội về loại hình sản phẩm đặc biệt này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ