Mỗi bộ sách giáo khoa đều cụ thể hoá mục tiêu giáo dục toàn diện

GD&TĐ - Theo các giáo viên, mỗi bộ sách giáo khoa (SGK) đều mang thông điệp, bản sắc riêng và cụ thể hoá mục tiêu giáo dục toàn diện.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh – Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh – Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới

Là giáo viên dạy lớp 1 nên đây là năm thứ 3 cô Bùi Thị Khuê – giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học An Lương (Văn Chấn, Yên Bái) dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Trong quá trình dạy học, cô nhận thấy các bộ SGK mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó có bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống được thiết kế, trình bày khá hiện đại. Sách có nhiều hình ảnh sinh động, đẹp mắt, nội dung bài dạy hay và gắn với thực tiễn. “Tôi thấy học sinh biết đọc nhanh hơn so với trước” – cô Khuê nhìn nhận.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh – Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) – cho hay: năm học này, nhà trường sử dụng bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, được biên soạn bởi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Bộ sách đã đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018. Đặc biệt giúp học sinh liên hệ tốt nội dung bài học với cuộc sống hàng ngày. Từ đó phát triển năng lực và các kĩ năng cần thiết cho học sinh.

Bộ sách khơi gợi hứng thú cho học sinh qua những ngữ liệu đặc sắc, hình ảnh sắc nét, sinh động, phù hợp với cuộc sống hiện nay. Sách cũng lồng ghép rất nhiều hoạt động, trò chơi giúp học sinh hứng thú học hơn.

Học sinh Trường tiểu học Vĩnh Tuy hào hứng với SGK mới. Ảnh: NVCC.

Học sinh Trường tiểu học Vĩnh Tuy hào hứng với SGK mới. Ảnh: NVCC.

“Ví dụ cuốn SGK Tự nhiên và Xã hội lớp 1 được chia thành 6 chủ đề chính: Gia đình, Trường học, Cộng đồng địa phương, Thực vật và động vật, Con người và sức khỏe, Trái đất và bầu trời. Nội dung hoạt động học tập đa dạng, năng động, gắn liền với các vấn đề thực tế xung quanh, đặc biệt có các dự án học tập” - cô Ánh nhận xét.

Theo cô Ánh, với các chủ đề trên, học sinh được tham gia hoạt động học tập một cách tích cực và chủ động. Các em trải nghiệm thực tế, bước đầu làm quen với các kĩ năng nghiên cứu khoa học và phát triển năng lực toàn diện.

Bản sắc riêng

Lớp học của cô Bùi Thị Khuê – giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học An Lương và các học trò. Ảnh: NVCC.

Lớp học của cô Bùi Thị Khuê – giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học An Lương và các học trò. Ảnh: NVCC.

Qua tập huấn, tự tìm hiểu, nghiên cứu và thực tế giảng dạy, cô giáo Lại Thị Trang - Tổ trưởng chuyên môn khối 2, Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định) nhận thấy, mỗi bộ SGK theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đều mang thông điệp và bản sắc riêng.

Các bộ sách đều cụ thể hoá mục tiêu giáo dục toàn diện, tuân thủ định hướng đổi mới giáo dục phổ thông, gắn với chú trọng chuyển từ truyền thụ kiến thức, thành giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực.

Qua đó, giúp các em kết nối kiến thức với cuộc sống, dẫn dắt học sinh khám phá cái mới. Giáo viên, tổ chức dạy học theo cách sáng tạo để gợi hứng thú cho người học; phù hợp với học sinh trên mọi vùng miền trong cả nước.

Về hình thức, sách được minh hoạ với hình ảnh đẹp, hấp dẫn với nhiều bối cảnh, màu sắc gần gũi, sinh động, kênh hình, kênh chữ rõ ràng để tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Cô giáo Lại Thị Trang - giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC.

Cô giáo Lại Thị Trang - giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC.

Theo cô Trang, điểm khác biệt của SGK mới so với SGK hiện hành là, một số môn học như: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội,… các bài học được xây dựng các tuyến nhân vật xuyên suốt từ lớp 1 lên các lớp trên, giúp học sinh cảm thấy trang sách sống động, gần gũi, tạo cho học sinh niềm hứng thú trong học tập.

Hay như SGK Toán tiểu học có tuyến nhân vật xuyên suốt, gồm 4 bạn nhỏ là: Mai, Nam, Việt, Mi và một robot. Những nhân vật này sẽ cùng tham gia các hoạt động với học sinh và cùng "lên lớp" với các em.

“Cùng dạy về chủ đề: Tuân thủ quy tắc an toàn giao thông, nhưng có sách cho học sinh khởi động bằng bài hát “Đi đường em nhớ”, nhạc và lời Hoàng Văn Yến. Có sách lựa chọn chơi trò chơi “Đi theo đường tín hiệu an toàn giao thông”. Có sách chọn trò chơi “Tham gia cuộc thi tìm hiểu các quy tắc an toàn giao thông”… Những câu chuyện để học sinh kể theo tranh minh họa và trả lời câu hỏi cũng đa dạng” - cô Trang bày tỏ, đồng thời chốt lại: Mỗi bộ SGK có những sáng tạo và nét độc đáo riêng.

Về cấu trúc và nội dung, cô Trang trao đổi, sách có một số điểm mới căn bản khi thiết kế các nội dung theo chủ đề thay vì tiết học. Cách tiếp cận này sẽ giúp giáo viên linh hoạt hơn trong giảng dạy tuỳ theo thực tế của lớp học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.