Sách giáo khoa mới hấp dẫn học sinh hơn
Theo cô Lê Thị Nếp, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn, huyện Hưng Hà (Thái Bình), sách giáo khoa trước đây là pháp lệnh thì bây giờ chỉ là tư liệu giảng dạy. Giáo viên có thể thay thế khi thấy từ liệu phù hợp hơn với địa phương của mình điều mà trước đây là không thể.
Một trong những ưu điểm của sách giáo khoa mới là được trình bày trên giấy đẹp hơn, tranh vẽ phong phú hơn, màu sắc cũng đẹp mắt. Sách được chia làm các phần rõ rệt: Khám phá - hình thành kiến thức mới - luyện tập và vận dụng. Các gợi ý đó rất có ý nghĩa đối với các giáo viên giúp giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp với từng môn từng bài.
“Cùng với đó, nội dung thực hành trong sách giáo khoa mới đa dạng. Nếu sách cũ, bài thực hành được thiết kế sau mỗi chương, thì sách giáo khoa mới, bài thực hành được đặt ngay sau mỗi đơn vị kiến thức liên quan.”- cô Nguyễn Thị Yến Huệ nhận định thêm.
Cô Nguyễn Thị Yến Huệ, giáo viên sinh học, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) cũng ghi nhận nhiều ưu điểm của sách giáo khoa mới. Theo đó, với môn Sinh học, nội dung kiến thức sách giáo khoa mới cập nhật những thành tựu và tiến bộ công nghệ khoa học hiện đại. Đặc biệt, nội dung định hướng nghề nghiệp học sinh rất được chú trọng.
Xuyên suốt mạch kiến thức đều có sẵn hệ thống câu hỏi gợi ý cung cấp cho học sinh kênh thông tin tự tìm tòi trang bị kiến thức. Hình ảnh đẹp, sinh động, mang tính thực tế thu hút học sinh cũng là ưu điểm của sách giáo khoa mới.
Cô Trần Thị Mai Hương, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) đánh giá sách giáo khoa và chương trình mới chú trọng dạy kĩ năng, hướng đến vận dụng thực tiễn. Điều này tốt cho người học vì không phải học nặng về kiến thức, có thể áp dụng kiến thức vào cuộc sống. Còn giáo viên được chủ động, sáng tạo hơn.
Cô Trần Thị Mai Hương nhấn mạnh thêm: Khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa là tài liệu tham khảo; nếu không có sách giáo khoa, thầy trò vẫn có tổ chức dạy học bình thường. Song giáo viên phải là người lựa chọn nội dung đáp ứng chương trình, lựa chọn hình thức phù hợp tổ chức.
Vai trò của giáo viên lúc này càng quan trọng, yêu cầu thầy cô phải là người có trình độ, nắm chắc chương trình tổng thể, tìm tòi các nguồn tài liệu khác nhau để có chọn lọc phù hợp. Đây chính là lúc thầy trò cần thay đổi để sử dụng sách giáo khoa đúng là một tài liệu tham khảo, không phải phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa như trước.
Cô Liễu Thị Long, giáo viên Trường THPT Lục Nam (huyện Lục Nam, Bắc Giang) trong giờ dạy. |
Hỗ trợ giáo viên dạy học tích cực
Ấn tượng đầu tiên của cô Liễu Thị Long, giáo viên Trường THPT Lục Nam (huyện Lục Nam, Bắc Giang) là sách giáo khoa mới trình bày đẹp, nội dung dễ hiểu, có bố cục rõ ràng; có các đề mục cụ thể như mục tiêu, tư liệu tham khảo, hình ảnh minh họa rõ ràng, phù hợp. Đặc biệt, sách mới có thêm phần câu hỏi vận dụng rất gần gũi với thực tế cuộc sống của học sinh.
Bên cạnh đó, những đề mục mới như mục tiêu cần đạt giúp giáo viên và học sinh biết được nội dung cần phải học của bài; từ đó định hướng được phần nào là trọng tâm cần học trong bố cục của bài. Những hình ảnh in màu đẹp, gần với thực tế cuộc sống và các tư liệu mới được bổ sung trong phần tư liệu thầy, trò hiểu được các đơn vị kiến thức dễ dàng hơn, tiếp thu nhanh hơn, học sinh yêu thích môn học hơn…
Cô Liễu Thị Long khẳng định: Sách giáo khoa mới là một trong những nhân tố giúp giáo viên áp dụng những phương pháp dạy học mới. Mặc dù theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo; nhưng những điểm tích cực của sách giáo khoa mới sẽ giúp giáo viên, học sinh định hình các kiến thức cốt lõi cần đạt. Từ đó, giáo viên xây dựng những phương pháp phù hợp với từng đơn vị kiến thức cụ thể. Bởi dù có áp dụng phương pháp gì thì mục tiêu cuối cùng hướng đến là học sinh phải nắm được kiến thức cần đạt của bài.
“Ngoài ra, giáo viên cũng có thể tham khảo sách giáo khoa để hiểu sâu hơn về đơn vị kiến thức cần đạt. Từ đó, thầy cô đề ra các phương pháp phù hợp như dạy học nhóm, dạy học dự án, hay phương pháp tranh biện lịch sử, tổ chức trò chơi.... góp phần đổi mới phương pháp dạy học.” - cô Liễu Thị Long chia sẻ.