Sự thay đổi của sách giáo khoa qua các thời kỳ

GD&TĐ -  Qua mỗi thời kỳ, sách giáo khoa ngày càng đẹp hơn từ chất lượng giấy, nét chữ đến hình ảnh.

Giáo viên, học sinh tại trưng bày sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ảnh Thế Đại.
Giáo viên, học sinh tại trưng bày sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ảnh Thế Đại.

Tâm hồn học sinh sẽ đẹp khi được học cuốn sách giáo khoa đẹp

Chia sẻ bên lề Hội thảo và Trưng bày sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ông Phạm Văn Sinh – Phó Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất – Bộ GD&ĐT cho biết: “Lần trưng bày này kể cả sách Việt Nam qua các thời kỳ; sách giáo khoa hiện tại và sách nước ngoài, có hơn 700 bản sách, được phân rõ từng khu vực trưng bày.

Cụ thể, khu vực trưng bày sách giáo khoa Việt Nam qua các thời kỳ; Khu vực trưng bày sách giáo khoa hiện tại; Khu vực trưng bày sách của nước ngoài trong đó có các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Nga, Úc, trong đó Hàn Quốc là nước có số lượng nhiều. Sách của Hàn Quốc hình ảnh đẹp, chất lượng khá tốt".

Theo ông Sinh, qua lần trưng bày này giúp đại biểu dự hội thảo, người dân, học sinh biết được quá trình cải cách giáo dục gắn với những loại sách giáo khoa. Qua mỗi thời kỳ, chất lượng sách giáo khoa ngày càng tốt, đẹp lên.

Đơn cử, sách giáo khoa thời kỳ đầu tiên thì chất lượng giấy, chữ, hình ảnh thiết kế bị hạn chế. Tuy nhiên hiện nay sách giáo khoa đã được cải tiến rất nhiều, trình bày đẹp hơn.

Chia sẻ thêm với vai trò một phụ huynh, ông Sinh nói: “Cuối những năm 80 đầu những năm 90, gia đình có một chiếc tivi 14inch xem là tốt lắm rồi. Nhưng bây giờ, nhiều gia đình đã xem tivi lên đến 65-75inch. Do đó, tôi nghĩ học sinh được học những cuốn sách giáo khoa tốt, trình bày hình thức đẹp, nội dung đẹp thì tâm hồn của các em cũng đẹp như cuốn sách giáo khoa đó”.

Trưng bày, giới thiệu lịch sử phát triển sách giáo khoa

Sách giáo khoa Việt Nam và các nước được trưng bày tại Hội thảo và Trưng bày sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ảnh Thế Đại.

Sách giáo khoa Việt Nam và các nước được trưng bày tại Hội thảo và Trưng bày sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ảnh Thế Đại.

Hội thảo và Trưng bày sách giáo khoa giáo dục phổ thông diễn ra trong ngày 28, 29/9 nhằm đánh giá những kết quả biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa; so sánh và đánh giá cụ thể sự khác biệt giữa việc biên soạn, thẩm định, xuất bản và phát hành sách giáo khoa trước đây với việc thực hiện theo chủ trương xã hội hóa hiện nay. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp trong những năm tiếp theo.

Hoạt động trưng bày bao gồm: Trưng bày, giới thiệu lịch sử phát triển sách giáo khoa giáo dục phổ thông Việt Nam qua các thời kỳ, theo các mốc thay sách: 1956, 1976, 2002, 2020; trưng bày và giới thiệu sách giáo khoa của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Ngoài việc giới thiệu cho người xem những bộ sách giáo khoa của Việt Nam và thế giới, hoạt động trưng bày còn cung cấp các thông tin so sánh về quy cách của sách giáo khoa Việt Nam và sách giáo khoa của các nước theo các tiêu chí cụ thể; cùng với đó là giới thiệu các hoạt động thực hành với sách giáo khoa được nhiều nước trên thế giới thực hiện.

Hội thảo về sách giáo khoa giáo dục phổ thông diễn ra trong ngày 29/9 nhằm đánh giá những kết quả biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Từ đó, đưa ra các đề xuất, những định hướng, giải pháp nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành, lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Các nội dung sẽ được tập trung thảo luận trong Hội thảo gồm: Kết quả thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; việc biên soạn, biên tập, in ấn, phát hành sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu của các cuộc cải cách và đổi mới giáo dục;

Tổ chức biên soạn sách giáo khoa và giá sách giáo khoa theo chủ trương xã hội hóa; việc tổ chức lựa chọn, cung ứng và tập huấn sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông; yêu cầu đối với nhà xuất bản trong công tác xuất bản sách giáo khoa; thực tế sử dụng giáo dục phổ thông ở các địa phương…

Ông Phạm Văn Sinh cho biết: Sau khi được Bộ trưởng giao nhiệm vụ, Cục Cơ sở Vật chất đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch triễn lãm này, trong kế hoạch cũng phân công rõ từng nhiệm vụ từng đơn vị của Bộ trong đó có Cục Cơ sở vật chất.

Theo đó, Cục được giao nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở hạ tầng, điều kiện cơ sở vật chất để trưng bày sách. Trong trưng bày, Cục Cơ sở vật chất đã phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ