Sách giáo khoa cho năm học mới: Cơ bản thuận lợi

GD&TĐ - Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT cần cung cấp đầy đủ, kịp thời số lượng đăng ký sách giáo khoa (SGK) cho các nhà xuất bản có SGK được lựa chọn trước khai giảng năm học mới 4 tháng.

Bỏ phiếu lựa chọn SGK tại Bình Dương. Ảnh: Sở GD&ĐT Bình Dương
Bỏ phiếu lựa chọn SGK tại Bình Dương. Ảnh: Sở GD&ĐT Bình Dương

Ghi nhận tại các nhà trường, địa phương, công tác chọn sách cơ bản thuận lợi với nỗ lực chung là bảo đảm yêu cầu chất lượng, tiến độ.

Tinh thần trách nhiệm

Bước đầu tiên trong quy trình chọn SGK là từ các cơ sở giáo dục. Tại Trường THCS Quản Cơ Thành (An Giang), cô Hiệu trưởng Lê Thị Ngọc Dung cho biết: Nhà trường đã hoàn thành việc chọn SGK lớp 7 chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023. Từ đầu tháng 3, khi phòng GD&ĐT yêu cầu các đơn vị chọn SGK, nhà trường đã triển khai kế hoạch đến tất cả giáo viên. Việc chọn một bộ sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu dạy và học vô cùng quan trọng nên trước khi quyết định chọn, nhà trường có tư vấn đến giáo viên những yêu cầu cần thiết đáp ứng mục tiêu cần đạt của chương trình, cấp học và phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường.

Tính đến ngày 22/4, việc chọn sách tại các cơ sở giáo dục ở Đồng Nai đã hoàn tất và sở GD&ĐT đã có tỷ lệ phần trăm chọn từng bộ môn của từng bộ sách. Ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai, thông tin: Hội đồng chọn sách của tỉnh tiến hành đọc, nghiên cứu, so sánh mức độ đáp ứng từng môn, từng bộ sách. Theo kế hoạch, tiến độ chọn sách và công bố danh mục SGK sử dụng trong tỉnh sẽ đáp ứng theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT trước khai giảng năm học mới 5 tháng. 

Sau đó, trường hướng dẫn giáo viên từng môn truy cập vào đường link của bộ sách để đọc, nghiên cứu kỹ nội dung và hình thức. Tiếp đến, các tổ chuyên môn tổ chức họp, thảo luận, phân tích ưu điểm, hạn chế của từng bộ sách và tiến hành lựa chọn.

Việc chọn SGK được thực hiện một cách khách quan, do giáo viên chủ động theo chính kiến của cá nhân và thực hiện qua quy trình bỏ phiếu kín. Bước tiến hành từ tổ chuyên môn đến toàn trường. Cuối cùng, hội đồng chọn SGK của nhà trường họp lại và tiến hành bỏ phiếu lần cuối cùng để quyết định việc chọn sách.

Chia sẻ thuận lợi trong quá trình chọn sách, cô Lê Thị Ngọc Dung nhắc tới kinh nghiệm qua 1 năm trải nghiệm SGK lớp 6 theo Chương trình GDPT 2018; việc được tiếp cận sớm các bản mẫu SGK; giáo viên có ý thức cao trong lựa chọn sách. Cùng với đó, nhà trường luôn chủ động để nắm bắt kịp thời những thông tin phản ánh từ giáo viên, phụ huynh. Tuy nhiên, quá trình này, khó khăn gặp phải là việc tổ chức hội thảo để giới thiệu sách của một số nhà xuất bản đến giáo viên còn chậm; thời gian diễn ra cho từng môn ngắn, giáo viên chưa có điều kiện trao đổi với nhà xuất bản để được tư vấn, giải đáp thắc mắc.

Đến thời điểm này, Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) đã hoàn thành đề xuất, lựa chọn SGK lớp 7 năm học 2022 - 2023. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng, việc chọn sách cơ bản thuận lợi vì là năm thứ hai trường tổ chức hoạt động này. Các cấp lãnh đạo đã có văn bản chỉ đạo cụ thể, kịp thời để cơ sở giáo dục chủ động tổ chức hoạt động chọn sách: Tham gia đầy đủ hội nghị giới thiệu SGK của các nhà xuất bản; các nhóm chuyên môn đọc, thảo luận bản SGK mẫu, bản điện tử. Nhà trường đã phân công giáo viên đọc, cho ý kiến về nội dung, hình thức các bản sách; phân công các nhóm cùng chuyên môn chọn sách.

Đồng thời, tổ chức hội nghị đề xuất chọn sách từ tổ chuyên môn đến nhà trường bảo đảm khách quan. SGK được chọn phải phù hợp với tình hình nhà trường, địa phương, có tính thống nhất, liền mạch kiến thức với bộ sách lớp 6. Sau khi các bộ SGK lớp 7 được UBND tỉnh phê duyệt, nhà trường sẽ thông báo rộng rãi đến cha mẹ học sinh, tuyên truyền để phụ huynh nắm bắt được và kịp thời đăng ký số lượng SGK cho các con.

Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) đã hoàn thành các bước, từ nghiên cứu chương trình tổng thể, chương trình chi tiết và danh mục SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Theo thầy Hiệu trưởng Trần Văn Hân, giáo viên được tiếp cận nghiên cứu SGK (sách mẫu và qua đường link), nghe nhóm tác giả giới thiệu về từng SGK. Trường tổ chức nghiên cứu chọn sách từ các tổ chuyên môn và họp hội đồng chọn SGK của nhà trường để phân tích ưu điểm, hạn chế từng loại sách theo từng môn; sau đó gửi đề xuất về sở GD&ĐT để trình hội đồng thẩm định SGK của tỉnh.

Bên cạnh thuận lợi, thầy Hân cho biết: Do thời gian nghiên cứu SGK chưa nhiều nên việc lựa chọn còn mang tính chủ quan. Một số môn, trường có ít giáo viên hoặc các môn chưa có giáo viên như Âm nhạc, Mỹ thuật, việc lựa chọn sách có yếu tố chuyên môn chưa đáp ứng. Một số môn, SGK do ít nhà xuất bản tham gia nên chưa đa dạng để nghiên cứu và lựa chọn.

Giáo viên Trường THPT Gang Thép (Thái Nguyên) chọn SGK lớp 10 năm học 2022 - 2023.
Giáo viên Trường THPT Gang Thép (Thái Nguyên) chọn SGK lớp 10 năm học 2022 - 2023.

Cố gắng bảo đảm tiến độ, chất lượng

Đến ngày 22/4, một số địa phương đã hoàn tất việc chọn SGK như Cần Thơ, Hòa Bình, Bình Dương, Quảng Ngãi… Tại Quảng Ngãi, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt danh mục các SGK mới cho năm học 2022 - 2023. Theo đó, lớp 3 gồm 11 sách, lớp 7 gồm 12 sách và lớp 10 gồm 19 sách. Các SGK được chọn đều của NXB Giáo dục Việt Nam.

Tại Phú Thọ, thông tin từ ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, địa phương cơ bản đã hoàn thành công tác lựa chọn SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10. Sở GD&ĐT hoàn thiện hồ sơ báo cáo và trình UBND tỉnh quyết định. Công tác chọn SGK ở Phú Thọ cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, Phú Thọ cũng như nhiều địa phương khác có khó khăn chung là do tình hình dịch Covid-19 phức tạp nên các hội thảo giới thiệu SGK phải tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Một số SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt sau nên thời gian tổ chức hội thảo, giới thiệu SGK bị kéo dài.

Để công tác chọn SGK đảm bảo chất lượng và tiến độ, ông Phùng Quốc Lập cho hay: Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định các tiêu chí lựa chọn SGK; chủ động xây dựng kế hoạch và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các phòng GD&ĐT, trường phổ thông nghiên cứu, đề xuất lựa chọn SGK theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh. Chỉ đạo giáo viên các trường thảo luận, nghiên cứu bản mềm SGK trên website của nhà xuất bản; phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội thảo giới thiệu SGK; qua đó giáo viên các trường có sự đánh giá, nhận xét rất cụ thể chi tiết về từng bộ SGK.

Sở GD&ĐT cũng tổ chức hội nghị tập huấn cho 100% trường phổ thông, phòng GD&ĐT về quy trình đề xuất lựa chọn SGK theo đúng Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT. “Có thể khẳng định công tác lựa chọn SGK của tỉnh Phú Thọ sẽ bảo đảm đúng tiến độ và được thực hiện nghiêm túc, chất lượng, để chọn được các bộ SGK phù hợp” - ông Phùng Quốc Lập cho hay.

Các hội đồng chọn SGK lớp 3, 7 và 10 của Cà Mau đã hoàn thành, hoàn thành báo cáo về sở GD&ĐT và trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Theo ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, trong quá trình chọn sách, sở GD&ĐT phối hợp tốt, kịp thời với các đơn vị có SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt tổ chức giới thiệu đến cán bộ quản lý, giáo viên để nghiên cứu và đề xuất lựa chọn. Đồng thời, tham mưu, triển khai đầy đủ các văn bản và hướng dẫn có liên quan.

Cơ sở giáo dục phổ thông triển khai đầy đủ các văn bản đến cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh; thực hiện quy trình thảo luận, đánh giá SGK và báo cáo đề xuất lựa chọn theo quy định. Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố và trường học trực thuộc đã tổng hợp, báo cáo danh mục SGK do cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn đầy đủ, đúng quy định.

Các hội đồng lựa chọn SGK đã xây dựng kế hoạch làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể và cung cấp đầy đủ SGK, tài liệu liên quan cho thành viên nghiên cứu, nhận xét đánh giá theo các tiêu chí lựa chọn. Tổ chức họp, thảo luận, đánh giá SGK; bỏ phiếu kín lựa chọn đảm bảo tính khách quan, công khai và đúng quy trình. Kết quả lựa chọn của tất cả hội đồng trùng khớp với đa số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đề xuất chọn.

Làm gì nếu đề xuất khác với phê duyệt?

Trên thực tế có tình huống SGK UBND tỉnh phê duyệt khác với SGK do nhà trường đề xuất. Khi gặp tình huống trên, cô Lê Thị Ngọc Dung chia sẻ: Trường THCS Quản Cơ Thành sẽ tổ chức họp toàn thể hội đồng trường để hướng dẫn lại việc lựa chọn và đề xuất của giáo viên. Cùng với đó, triển khai tư vấn kỹ hơn một lần nữa, thông tin về đề xuất của UBND tỉnh để các thành viên có liên quan thông hiểu và quyết định chọn lựa phù hợp với tình hình chung của tỉnh.

Trong khi đó, thầy Trần Văn Hân nêu quan điểm: Nhà trường chỉ lựa chọn và đề xuất cùng những đơn vị khác; còn việc lựa chọn sẽ do hội đồng lựa chọn SGK theo từng môn của tỉnh đề xuất và tỉnh phê duyệt. Nhưng các SGK về tổng thể vẫn bảo đảm quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, kế hoạch giáo dục. Do đó, việc bộ sách do trường lựa chọn khác với phê duyệt của UBND tỉnh cũng không ảnh hưởng gì đến việc triển khai và tổ chức thực hiện SGK đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Trong khi đó, ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai, chia sẻ: Chúng tôi quan niệm một trường nên chọn hầu hết môn của cùng một bộ sách, bởi khi biên soạn, nhóm tác giả còn chú ý tiếp cận những kiến thức có tương quan giữa các môn đồng thời điểm. Hơn nữa, việc mua sắm, trang bị sách cho học sinh cũng thuận lợi.

Như vậy, bộ sách nào có số môn được chọn nhiều nhất sẽ được ưu tiên chọn lựa, tất nhiên việc chọn từng môn sẽ ưu tiên cho môn có tỷ lệ trường chọn cao hơn. “Bên cạnh đó, theo tinh thần Thông tư 25 sẽ xảy ra trường hợp nhà trường phải thay đổi bộ sách đã chọn trước đó. Nhưng không sao, sự thống nhất tích cực bao giờ cũng mang tính tích cực” - ông Võ Ngọc Thạch nhận định.

Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt danh mục SGK, ông Lê Hoàng Dự cho biết: Sở GD&ĐT Cà Mau sẽ phối hợp với các nhà xuất bản có SGK được chọn tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên; tổng hợp nhu cầu SGK của từng khối lớp (kể cả SGK lớp 1, 2 và 6) để chuẩn bị và cung ứng kịp thời, đầy đủ SGK cho học sinh trước ngày khai giảng năm học 2022 - 2023.

Tình huống SGK UBND tỉnh phê duyệt không khớp với SGK do cơ sở giáo dục đề xuất, theo ông Lê Hoàng Dự, Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT quy định, căn cứ kết quả danh mục SGK do các cơ sở giáo dục đề xuất, hội đồng chọn SGK nghiên cứu, thảo luận, đánh giá, bỏ phiếu lựa chọn. SGK được trên 50% thành viên đồng ý lựa chọn, tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt. Do đó, SGK được lựa chọn không thể đáp ứng 100% theo yêu cầu đề xuất của cơ sở giáo dục. Những SGK được phê duyệt nhưng không theo nhu cầu của một số cơ sở giáo dục đề xuất, cơ sở giáo dục vẫn phải sử dụng những SGK theo danh mục UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức giảng dạy tại đơn vị mình.

Trước câu hỏi “Liệu có phát sinh tình huống SGK của UBND tỉnh phê duyệt không khớp với SGK do cơ sở giáo dục đề xuất?”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho rằng: Hội đồng chọn SGK của tỉnh sẽ tổ chức thảo luận, đánh giá các bộ SGK trên cơ sở tổng hợp đề xuất từ cơ sở giáo dục. Do vậy, SGK do hội đồng chọn SGK của UBND tỉnh sẽ phù hợp với đề xuất của đa số các cơ sở giáo dục. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ