Không để thiếu sách giáo khoa cho năm học mới

GD&TĐ - Bên cạnh việc cung ứng SGK, nhà trường, địa phương cũng quan tâm đến việc hỗ trợ sách cho trò nghèo. Sự vào cuộc của nhà trường, xã hội đã giúp nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn có đủ sách đến trường.

Bên cạnh việc cung ứng SGK, nhà trường, địa phương cũng quan tâm đến việc hỗ trợ sách cho trò nghèo.
Bên cạnh việc cung ứng SGK, nhà trường, địa phương cũng quan tâm đến việc hỗ trợ sách cho trò nghèo.

Trò nghèo yên tâm có sách học

Theo chia sẻ của thầy cô giáo, tại mỗi trường, ngoài hoạt động chọn sách, cung ứng SGK còn tính đến phương án hỗ trợ SGK cho học sinh nghèo. Một số trường học tổ chức đóng góp, phát động phong trào xây dựng tủ sách. Nhiều em cuối năm học dành tặng sách cũ cho học sinh lớp dưới. Nhờ sự linh động của nhà trường, thầy cô giáo nên việc làm ý nghĩa này được học sinh, phụ huynh hưởng ứng.

Hiện công tác chọn SGK tại các địa phương vào giai đoạn nước rút. Không như năm trước, việc chọn sách, cung ứng sách và công tác hỗ trợ sách cho học sinh hoàn cảnh khó khăn năm nay được triển khai sớm hơn. Để hỗ trợ ngành Giáo dục và nhà trường, một số địa phương chủ động kết hợp với công ty sách cung ứng đầy đủ SGK cho học sinh kịp vào trước thời điểm bắt đầu năm học mới. UBND tỉnh, thành cũng ban hành công văn đề nghị một số sở, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát hành SGK. Tại những địa phương vùng sâu vùng xa, còn có phương án chuyển SGK đến từng nhà cho học sinh.

Chia sẻ về công tác phát hành SGK và hỗ trợ sách cho trò nghèo, thầy Cao Hồng Nam, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Thới Thuận (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của sở về việc hỗ trợ học sinh nghèo có đầy đủ SGK, nhà trường đều rà soát, thống kê số học sinh nghèo và cận nghèo để lập danh sách gửi về sở. Qua đó hỗ trợ SGK kịp thời cho các em trước thềm năm học mới. Ngoài ra, hằng năm nhà trường đều trích một phần kinh phí mua hơn chục bộ SGK cho thư viện trường học. Đây là sách hỗ trợ giáo viên tham khảo SGK mới, đồng thời kịp thời hỗ trợ cho các em chưa kịp mua sách SGK vào đầu năm học.

Tại huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), phong trào vận động quyên góp SGK cho học sinh triển khai có hiệu quả trong nhiều năm qua. Vào dịp cuối năm học, mỗi lớp đều vận động học sinh tặng sách lại cho các em lớp dưới. Tại nhiều trường, việc tặng sách trở thành phong trào thu hút đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh tham gia.

Theo thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A, vào đầu năm học, những học sinh nghèo, học sinh hoàn cảnh khó khăn được nhà trường hỗ trợ SGK. Bên cạnh đó trường cũng vận động học sinh đã học rồi tặng lại sách cho thư viện để dành tặng lại cho học sinh nghèo. “Việc tặng sách cho trò nghèo, anh chị lớp trên tặng sách cho các em lớp dưới đã trở thành nghĩa cử đẹp, được nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh đồng lòng ủng hộ. Cuối năm học, có khi chưa phát động phong trào nhưng học sinh đã chuẩn bị sách vở rất tươm tất để tặng bạn”, thầy Sa Quên chia sẻ.

Ngoài in ấn, phát hành SGK kịp tiến độ, các đơn vị cung ứng sách cũng có kịch bản hỗ trợ sách cho học sinh.
 Ngoài in ấn, phát hành SGK kịp tiến độ, các đơn vị cung ứng sách cũng có kịch bản hỗ trợ sách cho học sinh.

Liên kết chặt chẽ

Là người dân tộc Khmer hoàn cảnh gia đình khó khăn, em Sơn Tất Đạt, học sinh lớp 10 Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh) cho biết: “Gia đình gặp khó khăn khi phải trang trải nhiều chi phí cho em đến trường. Ngoài việc được tặng đồng phục, em rất vui khi được nhà trường tặng bộ SGK. Nhờ đó cha mẹ tiết kiệm được khoản tiền để lo cho việc học của em gái đang học lớp 8. Năm học tới, em cũng rất vui vì được nhà trường, thầy cô lập danh sách tặng SGK”.

Tại ngôi trường vùng đồng bào Khmer có nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, công tác hỗ trợ sách là giải pháp giúp các em yên tâm đến trường và hạn chế tình trạng bỏ học. Cô Trương Thị Mỹ Xuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đa Lộc A (huyện Châu Thành, Trà Vinh) trao đổi: Nhờ hỗ trợ SGK, cơ bản các em lớp 1, 2 đều có đủ SGK để học. Riêng 13 trường hợp thiếu sách, nhà trường cho các em mượn 3 bộ (2 bộ lớp 2 và 1 bộ lớp 1). Phòng GD&ĐT hỗ trợ 10 bộ (5 bộ lớp 1 và 5 bộ lớp 2). Hằng năm thư viện có phát động quyên góp SGK cũ để hỗ trợ các bạn khó khăn. Số lượng nhận được rất khả quan, đây là nguồn sách để trường tặng cho nhiều học sinh nghèo.

Bên cạnh việc in ấn, phát hành SGK kịp tiến độ, các đơn vị cung ứng sách cũng có kịch bản hỗ trợ sách cho học sinh. Theo đại diện Công ty CP Sách - Thiết bị Đồng Tháp, để thuận tiện cho phụ huynh đặt SGK, công ty thông báo đến 70 đại lý của công ty và cửa hàng sách - thiết bị thông tin để phụ huynh có nhu cầu liên hệ. Một số đại lý tại các huyện, thành phố cũng phổ biến thông tin SGK các khối lớp trên mạng xã hội và kết nối với đơn vị giao hàng để chuyển sách SGK kịp thời cho nhà trường, học sinh.

Tại huyện vùng sâu Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), phòng GD&ĐT chủ động kết hợp các trường tiểu học trên địa bàn huyện đã đảm bảo đầy đủ SGK lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 7. Phòng chủ động liên hệ bưu điện kết nối với các trường THCS trên địa bàn để hỗ trợ đưa SGK cho nhà trường và học sinh. Tại tỉnh Cà Mau, để giảm áp lực trong quá trình phát hành SGK, Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị Cà Mau đã chủ động bán hàng thông qua các kênh: Zalo, Facebook, hoặc số điện thoại trực tiếp nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng SGK của học sinh và giáo viên giảng dạy.

Cô Mỹ Xuyên chia sẻ: Sự chủ động của ngành Giáo dục địa phương và nhà trường trong việc hỗ trợ SGK cho trò nghèo rất có ý nghĩa và giúp đỡ rất nhiều học sinh nghèo. Nhiều em gia đình khó khăn, khoản tiền mua bộ sách là khá lớn nên tặng sách là giải pháp giúp nhà trường duy trì tỷ lệ học sinh ra lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.