Sách giáo khoa cho năm học mới: Xã hội đồng hành

GD&TĐ - Dù khó khăn do ảnh hưởng của dịch, nhưng nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân vẫn quyên góp sách cũ, để tặng học sinh vùng khó trước khi bước vào năm học 2021 - 2022.

Chị Đoàn Thị Thanh Thủy (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên phân loại sách giáo khoa cũ để gửi tặng học sinh vùng khó. Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021 – NVCC
Chị Đoàn Thị Thanh Thủy (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên phân loại sách giáo khoa cũ để gửi tặng học sinh vùng khó. Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021 – NVCC

Nhà giáo chung tay

Bắt đầu thu gom sách cũ tặng học sinh vùng cao từ năm 2016, năm nào ThS Phạm Thanh Nga - giảng viên Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng vận chuyển 1 xe tải sách giáo khoa cũ (tương đương khoảng 700 - 800 bộ gồm sách giáo khoa và sách tham khảo) lên vùng cao để tặng học sinh trước khi năm học mới bắt đầu.

Theo kế hoạch, đầu tháng 8, cô Nga cùng một số cộng tác viên sẽ vận chuyển sách giáo khoa cũ và đồ dùng học tập lên Trạm Tấu (Yên Bái) và Hà Giang để tặng cho học sinh, kịp ngày tựu trường và năm học mới. Mọi thứ đã được xây dựng kịch bản và sẵn sàng lên đường. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nên cô Nga phải tạm hoãn kế hoạch này.

“Chỉ mong dịch bệnh sớm được khống chế, năm học mới diễn ra suôn sẻ và để những cuốn sách cũ yêu thương mà chúng tôi gom góp kịp đến với học trò vùng khó. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để chuyển sách đến với các em trong thời gian sớm nhất có thể” – cô Nga bộc bạch.

Thầy Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (TP Hà Nội) cho biết: Năm nào cũng vậy, trước khi bước vào năm học mới, nhà trường tổ chức chương trình tặng yêu thương cho các trường còn khó khăn thuộc một số huyện ngoại thành Hà Nội. Mỗi năm khoảng 5.000 bản, từ khối 10 - 12. Năm nay, trường đã có kế hoạch tặng sách, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chương trình tạm thời lùi lại, chờ Hà Nội hết giãn cách xã hội.

“Số sách giáo khoa tuy không mang giá trị vật chất lớn, nhưng là tình cảm của thầy - trò chúng tôi gửi đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và bổ sung nguồn học liệu vào thư viện của các trường. Đây cũng là hoạt động giáo dục học sinh tiết kiệm, biết trân quý sách vở, trên hết là bồi dưỡng học sinh biết yêu thương, chia sẻ khó khăn với các bạn, rộng hơn là với cộng đồng xã hội, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”” – thầy Nhâm nhấn mạnh.

Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Sa Pa (Lào Cai) được nhận sách giáo khoa từ các tổ chức, cá nhân. Ảnh chụp vào thời điểm chưa có dịch Covid-19
Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Sa Pa (Lào Cai) được nhận sách giáo khoa từ các tổ chức, cá nhân. Ảnh chụp vào thời điểm chưa có dịch Covid-19

Món quà ý nghĩa và thiết thực

Trước thềm năm học mới, nhiều cá nhân, câu lạc bộ hoặc các hội, nhóm cũng kêu gọi cộng đồng ủng hộ sách giáo khoa và sách tham khảo cho học sinh vùng khó. Chị Đoàn Thị Thanh Thủy, đường 3/2, phường 12 (Quận 10, TP Hồ Chí Minh) – thành viên Fanpage Kho sách tình thương - cho biết: Nhóm của chị gồm 5 người đã duy trì hoạt động được 8 năm. Mỗi năm vận động được từ 5.000 - 7.000 bộ sách giáo khoa từ lớp 1 - 12 để gửi tặng các trường vùng khó trên toàn quốc. Năm nay, cả nhóm đã vận động được 5.000 bộ sách giáo khoa cũ, dự định sẽ chuyển đến một số trường thuộc các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ trước khi bước vào năm học mới.

Để có được số sách trên, các chị đã xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở mọi miền của Tổ quốc. Họ vừa tình nguyện thu gom sách cũ rồi tập kết về kho để phân loại, vừa nắm bắt một số trường có nhu cầu về sách giáo khoa để kịp thời trao tặng. Chị Thủy và các cộng sự đã biến ngôi nhà của mình thành kho tập kết, có những hôm quá tải, các chị phải mượn thêm phòng của cơ quan để chứa tạm ít ngày. Vì hoạt động lâu năm, nên nhóm của chị Thủy được nhiều trường học, phụ huynh, học sinh trên địa bàn Quận 10, TP Hồ Chí Minh biết đến, chủ động gửi sách cũ đến nhà. Thậm chí, nhiều người còn là đầu mối thu gom ở nơi cứ trú, đơn vị công tác rồi tập kết về kho.

“Có những người còn cẩn thận, bọc lại đẹp đẽ và chủ động phân loại từ nhà, thậm chí nếu thấy bộ sách giáo khoa cũ không may bị thiếu, họ còn chủ động mua bù sách mới cho đủ bộ” – chị Thủy xúc động nói, đồng thời cho biết: Trước khi trao tặng cho học sinh vùng cao, sách đều được cả nhóm chị Thủy và một số cộng tác viên là phụ huynh, học sinh hỗ trợ kiểm tra, chọn lọc. Cuốn sách nào bị rách trang, long bìa sẽ được dán lại cẩn thận, sau đó phân chia theo từng khối lớp để thuận tiện cho người tiếp nhận sử dụng.

Là trường nằm thuộc vùng biên giới Việt – Trung, 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, cô Triệu Kim Mạch - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) cho hay: Trước thềm năm học mới, học sinh của trường thường được tặng sách giáo khoa, đồ dùng học tập. Năm học 2021 - 2022, toàn trường có 800 học sinh. Hiện, còn thiếu khoảng 80 bộ sách giáo khoa ở các khối 1, 3, 4, 5 (mỗi khối khoảng 20 bộ) và khoảng 1.000 quyển vở ô li. Nhà trường đã liên hệ với nhà hảo tâm để có kế hoạch trao tặng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sách chưa đến nơi. Hy vọng, số sách, vở trên sẽ tới tay học sinh trước ngày khai giảng.

Năm nào cũng vậy, trước ngày tựu trường cô Mạch và nhiều giáo viên khác tình nguyện trích từ 500.000 đến 1 triệu đồng để mua sắm sách vở, đồ dùng cho các em. Nhưng vì học sinh đông, hơn nữa điều kiện kinh tế của giáo viên cũng không dư giả nên số tiền đó chỉ hỗ trợ được phần nào cho gia đình các em trước khi bước vào năm học mới. Nên rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ thầy – trò vùng cao vượt khó.

“Với chúng tôi, những món quà về sách, vở, đồ dùng học tập… có ý nghĩa thiết thực và cần thiết hơn bao giờ hết. Nó không chỉ giúp các em có đủ sách vở đến trường, mà còn là động lực để chúng tôi tiếp tục bám trường, bám lớp. Với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các em được quan tâm, chăm sóc chu đáo, được ăn uống đầy đủ chính là giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng” – cô Mạch chia sẻ, đồng thời mong muốn: Dịch bệnh Covid-19 sớm qua đi để thầy – trò ổn định dạy, học và những quyển sách yêu thương sớm được trao tay học trò.

“Có cô giáo không chỉ tích cực thu gom sách giáo khoa cũ từ học trò của mình, mà còn tự bỏ tiền mua thêm một số bộ sách giáo khoa mới, sách tham khảo để gửi đến kho sách của chúng tôi, nhờ chuyển đến tận tay học sinh vùng khó. Tất cả những việc làm, nghĩa cử cao đẹp đó khiến chúng tôi có thêm động lực để thực hiện hiệu quả chương trình sách cũ tặng bạn, để trao yêu thương, gửi tâm tình đến với những học sinh còn khó khăn”. - Chị Đoàn Thị Thanh Thủy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ