Rưng rưng những bài văn của học sinh kể chuyện bố mẹ phải đi Vũ Hán chống dịch Corona

Rưng rưng những bài văn của học sinh kể chuyện bố mẹ phải đi Vũ Hán chống dịch Corona

Dương Hạ Vũ là học sinh lớp 6 tại trường thực nghiệm số 2 trực thuộc Đại học Sư phạm Thượng Hải, Trung Quốc. Mẹ cậu bé, cô Tạ Hải Chân hiện là y tá trưởng khoa Chỉnh hình tại Bệnh viện Quân đội 905, Thượng Hải.

Trong thời gian Vũ Hán đang phải đương đầu với dịch virus Corona, cô Tạ đã đáp lại lời kêu gọi của chính phủ và đến Vũ Hán hỗ trợ y tế. Vì xúc động trước hành động của mẹ nên Hạ Vũ đã viết 1 bài văn bày tỏ cảm xúc của mình. Được biết bài văn là bài tập về nhà trong kỳ nghỉ Tết của cậu bé. 

Ông Viên Kiến Châu, phó hiệu trưởng trường thực nghiệm số 2 cho biết, bài văn của Hạ Vũ là 1 trong 191 bài văn mà nhà trường nhận được. Vì quá cảm động nên giáo viên của Hạ Vũ đã gửi bài văn đến trang tin South China Morning Post thông qua Wechat.

Không ít người dân đã bật khóc và ca ngợi mẹ của Hạ Vũ: “Đúng là một người mẹ tuyệt vời. Chị đã làm gương cho con của mình”, “một người mẹ anh hùng”,...

Dưới đây là nội dung bài văn:

"Kỳ nghỉ đông bất thường

Ngày 24/1 là ngày tất niên. Tiếng chuông điện thoại reo vang đánh thức tôi khỏi giấc mơ ngọt ngào. Qua đôi mắt ngái ngủ, tôi thấy mẹ đang nghe điện thoại: "Vâng giám đốc, tôi đang đi nghỉ cùng gia đình ở Thường Châu (thành phố thuộc tỉnh Giang Tô). Mấy giờ? Được rồi, chúng tôi sẽ lập tức lên đường".

"Cạch", mẹ vội bật đèn ngủ, gọi tôi và bố tôi thức dậy. "Nhanh lên nào, chúng ta phải đóng gói hành lý và quay trở về Thượng Hải ngay bây giờ. Mẹ được điều động đến Vũ Hán khẩn cấp nên phải có mặt lúc 11h".

Việc tiếp xúc đột ngột với ánh sáng khiến tôi mở bừng mắt, cố gắng rúc vào chăn và uể oải nói: "Hôm nay là giao thừa, con muốn ăn tối cùng ông cố và cô chú. Con muốn nhận lì xì từ họ hàng. Con đã không được đón Tết ở quê trong nhiều năm mà".

"Mẹ sẽ giải thích cho con khi ở trên đường, bây giờ con hãy đóng gói đồ đạc nhé", mẹ kéo tôi ra khỏi giường và mặc quần áo cho tôi.“Con ngoan nhé, bố phải đi cứu người”, những bài văn kể chuyện bố mẹ phải đi Vũ Hán chống dịch Corona khiến ai cũng bật khóc - Ảnh 2.

Dương Hạ Vũ và mẹ.

Trong tiếng ồn ào của gia đình tôi, ông bà ngủ ở phòng bên cạnh đã thức dậy. Một người vội làm bữa sáng, người còn lại thu dọn đồ đạc và gọi điện thoại.

Vào lúc 7h sáng, gia đình tôi đã hoàn thành bữa sáng đơn giản, cất hành lý vào xe và để lại những đồ không thể mang theo cho họ hàng. Bên ngoài đang đổ mưa, bầu trời vẫn tối và nhiều sương mù.

Mẹ kéo tôi vào xe, mặc cho tôi khóc vì không được đón năm mới cùng họ hàng và bố tôi nổ máy. Mưa trở nên nặng hạt hơn còn con đường thấm đẫm sương mù. Cần gạt nước làm việc liên tục nhưng chúng tôi chỉ nhìn thấy khoảng 50 mét trước mặt. Có lúc mẹ giục bố lái xe nhanh hơn nhưng lần khác mẹ lại nhắc bố lái chậm lại khiến tôi say xe và cảm thấy Tết năm nay thật kinh khủng.

Mưa tạnh khi xe chúng tôi lên đường cao tốc đến Thượng Hải và mẹ có thể yên tâm quay sang nói chuyện với tôi.

"Mẹ biết con không vui nhưng con có biết tại sao mẹ phải từ bỏ kỳ nghỉ và đến Vũ Hán hay không?", mẹ hỏi. Không đợi tôi trả lời, mẹ liền nói: "Bởi vì có một loại virus mới ở Vũ Hán khiến hàng trăm người mắc bệnh và hàng nghìn người phải cách ly".

"Nó có nghiêm trọng hơn bệnh cúm không hả mẹ?", tôi hỏi.

"Chắc chắn rồi. Con có nhớ tháng trước 16 bạn lớp con đã phải nghỉ học vì bệnh cúm hay không? Loại virus này giống với bệnh viêm phổi nhưng nguy hiểm hơn. Năm 2003, một loại virus tương tự có tên là SARS đã bùng nổ ở Bắc Kinh khiến hàng nghìn người nhiễm bệnh và cướp đi mạng sống của 700 người".

Tôi cảm thấy rất buồn khi mẹ cho tôi xem những bức hình cũ về dịch SARS. Mọi người đeo khẩu trang ở khắp mọi nơi, các bác sĩ và y tá mặc đồ bảo hộ chống lây nhiễm, đường phố vắng bóng người.

"Mẹ, mẹ phải đi ư?", tôi lo lắng hỏi.

"Đúng vậy, mẹ là y tá trưởng và là một quân y. Công việc của mẹ là chữa lành vết thương và giải cứu những người sắp chết. Bây giờ Vũ Hán đang gặp nguy hiểm. Đó là quê hương của cha con và mẹ phải đi cứu nó", mẹ nói.

Chúng tôi về đến Thượng Hải vừa kịp lúc và mẹ vội vã lao vào nhà. 10 phút sau, mẹ chạy xuống cầu thang với túi hành lý nhỏ trên vai. Nhìn theo mẹ, tôi chực trào nước mắt. Tôi biết mẹ sẽ không ở cùng gia đình một thời gian dài và tôi không thể ăn các món ngon mẹ nấu. Mẹ đang dũng cảm chống lại virus nguy hiểm.

Mẹ ôm tôi, xoa đầu tôi và động viên: "Con hãy mạnh mẽ lên". Nhìn mẹ rời đi, tôi liên tục gật đầu qua hàng nước mắt.

“Con ngoan nhé, bố phải đi cứu người”, những bài văn kể chuyện bố mẹ phải đi Vũ Hán chống dịch Corona khiến ai cũng bật khóc - Ảnh 4.

Công việc của mẹ là chữa lành vết thương và giải cứu những người sắp chết.

Bữa tối đêm giao thừa của bố con tôi là món mì đơn giản. Có rất ít chương trình lễ hội mà tôi thậm chí chẳng buồn xem gala lễ hội mùa xuân trên truyền hình. Ngoài đường không có tiếng xe cộ cũng chẳng có tiếng pháo. Thời gian như thể đang dừng lại.

8h tối, mẹ gọi về nhà. "Mọi người xem tin tức trên kênh truyền hình Trung ương nhé", mẹ nói và gác máy trước khi chúng tôi kịp trò chuyện. Tôi bật TV. Chương trình đang đưa tin về các bác sĩ quân y được điều động từ Thượng Hải đến Vũ Hán và mẹ xuất hiện trên màn hình.

Mặc đồng phục màu xanh hải quân, mẹ và 150 chiến sĩ khác đang trên đường ra máy bay. Chiếc máy bay mở rộng cửa, mẹ và các đồng chí vội vã leo lên, lặng lẽ và trật tự.

Khuôn mặt tất cả mọi người đều nghiêm trang, lo lắng và âm thanh duy nhất là tiếng giày chạm đất và mệnh lệnh được đưa ra bởi vị chỉ huy. Cuối cùng, chiếc máy bay lăn bánh trên đường băng và cất cánh bay lên bầu trời.

Vũ Hán, từ tối nay, bạn sẽ không còn đơn độc. Mẹ và những người đồng chí của mẹ đang đến với bạn rồi.

Sau khi xem chương trình truyền hình, tôi không còn buồn nữa và nhanh chóng thiếp đi. Ngày mai là ngày đầu tiên của năm mới. Cuộc sống sẽ tiếp tục, mẹ tôi sẽ chiến thắng và Vũ Hán sẽ an toàn trở lại".

Trước đó, một học sinh lớp 1, khối 8, trường thử nghiệm số 2 trực thuộc Đại học Sư phạm Thượng Hải cũng có bài văn kể về việc bố phải đi hỗ trợ chống dịch Corona vô cùng chân thực, xót xa khiến nhiều người phải rơi lệ:

“Học kỳ đầu tiên của năm học đã kết thúc nhưng thời tiết lại không hề lạnh. Tháng 12 ấm áp lạ thường, nhiệt độ tăng và giảm đột ngột - dường như có điều gì đặc biệt xảy ra vào mùa đông năm nay. Ở nhà tôi, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường. Giống như những năm trước, chúng tôi dành kỳ nghỉ mùa xuân ở Dương Châu - quê hương của mẹ tôi. 

Lễ hội mừng xuân ở Dương Châu bắt đầu 1 tuần trước khi đại dịch bùng nổ. Dạo quanh trên các con phố, tôi vô cùng hào hứng vì không khí lễ hội. Cả thành phố đều đắm chìm trong kỳ nghỉ vui vẻ.

Mọi thứ vẫn như trước đây - quang cảnh, các tòa nhà, các cuộc họp mặt gia đình hạnh phúc. Nhưng chỉ sau 2 ngày thì có tin tức: Một loại virus corona mới bùng phát ở chợ hải sản của Vũ Hán.

Sự hoảng loạn bùng phát ở khắp mọi nơi. Truyền hình và phương tiện truyền thông xã hội phát đi những tin tức nóng hổi: Hàng trăm ca dương tính với virus được xác nhận mỗi ngày, virus có thể lây giữa người với người. Khẩu trang y tế cháy hàng, các phòng khám đông nghịt người còn các bác sĩ được cử hết đến tỉnh Vũ Hán.

Khi đọc tin tức, tôi đã thầm mong bố không phải đi. Nhưng cuối cùng điều ấy không thể. Đêm giao thừa là lúc nhà nhà đoàn viên. Gia đình tôi cùng nhau chuẩn bị bữa tối. Bố dạy tôi cách nấu thịt viên Dương Châu. Ăn xong, chúng tôi ngồi xem Gala lễ hội mùa xuân trên TV. Mọi người đều vui vẻ, ngoại trừ bố. Ông cứ kiểm tra điện thoại, vẻ mặt vô cùng căng thẳng.

“Con ngoan nhé, bố phải đi cứu người”, những bài văn kể chuyện bố mẹ phải đi Vũ Hán chống dịch Corona khiến ai cũng bật khóc - Ảnh 6.

Khẩu trang y tế cháy hàng, các phòng khám đông nghịt người còn các bác sĩ được cử hết đến tỉnh Vũ Hán.

Sáng hôm sau, bố mẹ tôi thông báo về việc quay lại Thượng Hải. Trước khi tôi có thể hiểu những gì đang xảy ra, chúng tôi đã lái xe trên đường cao tốc, cây cối và đèn đường nhấp nháy bên ngoài cửa sổ xe.

Tôi không thể rũ bỏ tất cả các câu hỏi trong đầu. Tại sao chúng tôi đột ngột quay trở lại? Nhất là khi bố không phải bác sỹ chuyên môn về sốt. Hiện đã có những trường hợp nhiễm virus được xác nhận tại Thượng Hải và tin tức cho biết khách du lịch từ Hồ Bắc đã tạm trú tại một khách sạn. Điều này sẽ gây ra nhiều rủi ro.

Tại sao mẹ có thể bỏ qua tất cả các yếu tố này và đồng ý trở lại? Trước đây mẹ là người luôn coi sức khỏe là ưu tiên hàng đầu của gia đình.

Khi gần về đến nhà, tôi nhận thấy một điều khác biệt. Các trung tâm mua sắm yên tĩnh lạ. Tại cổng vào cộng đồng dân cư, các bác sĩ và tình nguyện viên đeo khẩu trang y tế và trang phục phẫu thuật đứng kiểm tra người qua đường. Đó là khi tôi nhận ra bệnh viêm phổi đã lan từ Vũ Hán sang nơi khác, vì vậy bố phải hủy bỏ kỳ nghỉ và quay trở lại làm việc. 

Khi mọi người ở nhà trong bối cảnh khủng hoảng thì các bác sĩ và y tá phải ra ngoài làm việc, đối mặt với nguy hiểm.

Khi bố chuẩn bị rời khỏi nhà, tôi chợt nhớ lại những gì đọc được trên mạng và dặn bố: "Bố phải cẩn thận, nhớ đeo khẩu trang và tránh ra ngoài". Bố dừng lại và nở một nụ cười: "Con ngoan. Bố sẽ giúp các bác sĩ khác cứu người. Còn con giúp bố chăm sóc gia đình”.

Mẹ đeo khẩu trang lên cho bố: "Cứ đi đi. Con đã có em lo”.

Tôi cảm thấy rất tự hào. Bố tôi chỉ là một người đàn ông bình thường, nhưng ông lại là một bác sĩ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để cứu sống tính mạng người khác. Gia đình tôi chỉ là một gia đình bình thường, nhưng chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho toàn xã hội, giống như mọi gia đình của nhiều bác sĩ khác.

Người ta nói rằng cuộc sống chỉ dễ dàng vì những người khác đang gánh vác tất cả những khó khăn. Trong kỳ nghỉ đông bất thường này, tôi đã hiểu rằng mỗi gia đình bình thường đều đóng góp sức mạnh không thể thiếu cho xã hội. Khi dịch bệnh hoành hành, chính bố tôi và các bác sĩ, y tá đồng nghiệp của ông đang giữ bầu trời trong sạch cho đất nước này”.

TheoTrí Thức Trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ