Theo Forbes, cuộc xung đột Ukraine đã làm nổi bật sự sáng tạo trong công nghệ về UAV, cũng như phương pháp chống lại loại khí tài này của các bên tham gia xung đột.
Cách đối phó phổ biến nhất là EW, sử dụng các thiết bị gây nhiễu cầm tay phát sóng vô tuyến can thiệp vào tín hiệu kết nối giữa UAV và người điều khiển làm UAV mất kiểm soát hoặc hạ cánh theo bên can thiệp.
Để đối phó với cách can thiệp từ EW, Nga và Ukraine đang tăng cường sử dụng loại UAV tự sát gắn sợi cáp quang mảnh để điều khiển, thay vì tín hiệu vô tuyến như trước đây.
Dây cáp quang dạng cuộn được tích hợp bên trong chiếc UAV và sẽ dần bung ra khi nó di chuyển, giúp duy trì tín hiệu điều khiển, hình ảnh từ camera trên drone tới tổ vận hành ngay cả khi đối phương triển khai thiết bị EW.
Khả năng kháng nhiễu của UAV cáp quang không phải là thách thức duy nhất đối với các hệ thống chống UAV.
Khi UAV không có tác dụng, lực lượng Nga và Ukraine sẽ phải sử dụng các phương pháp động năng để đối phó loại UAV này. Nhưng nhiều loại UAV động năng vẫn dựa vào tín hiệu vô tuyến.
Phó giáo sư Vikram Mittal, tại Học viện Lục quân West Point của Mỹ, cho biết: "Với UAV cáp quang, các luồng dữ liệu này được truyền tới tổ vận hành thông qua dây cáp nên không phát ra tín hiệu vô tuyến có thể truy dấu".
Mặc dù vậy, Công ty công nghệ Kara Dag của Ukraine mới đây đề xuất các phương pháp sử dụng đặc điểm nhận dạng bằng âm thanh và hình ảnh của UAV, kết hợp với những kỹ thuật xử lý tiên tiến để phát hiện chúng.
Khi xác định được vị trí của UAV, phía Ukraine có thể dùng nhiều phương pháp để bắn hạ chiếc UAV này.
Cùng với Ukraine, Bộ Công nghiệp Vô tuyến điện tử Nga cũng đang thu thập ý kiến từ cộng đồng quốc phòng trong nước về phương pháp tiềm năng nhằm phát hiện và vô hiệu UAV cáp quang.
Loạt đề xuất thu được cũng tập trung vào hướng phát hiện UAV thông qua âm thanh và hình ảnh. Bởi trên thực tế, truy dấu UAV bằng âm thanh là kỹ thuật đã được áp dụng, trong đó sử dụng lượng lớn micro để nhận diện tiếng ồn đặc trưng do cánh quạt và động cơ của UAV tạo ra.
Chuyên gia Vikram Mittal cho biết: "UAV cáp quang phát ra tiếng ồn lớn hơn so với UAV bình thường do cánh quạt của nó cần tạo ra lực đẩy lớn hơn để có thể đáp ứng được lực kéo từ cuộn dây cáp".
Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là tầm hoạt động. Độ ồn do UAV phát ra giảm dần theo khoảng cách và hầu hết các loại micro đều gặp khó khăn trong phân biệt tiếng ồn của UAV với âm thanh khác ngoài môi trường ở khoảng cách hơn 100 mét.
Micro định hướng thường được sử dụng để khắc phục nhược điểm trên. Chúng được xếp thành dãy và hướng về một khu vực cụ thể trên bầu trời, điều sẽ giúp giảm đáng kể tạp âm từ môi trường.
Dãy micro này sẽ được điều chỉnh để liên tục quét sang các khu vực khác, làm tăng khả năng phát hiện âm thanh từ UAV. Cùng với đó truy tìm UAV bằng cách quan sát cũng là phương pháp đã được công nhận rộng rãi, nhưng cũng có nhược điểm.
Phó giáo sư Vikram Mittal cho rằng, nên tập trung cả vào sợi cáp quang thay vì chiếc UAV. Dù rất bé và rất khó nhìn thấy bằng mắt thường nhưng sợi cáp này lại phản chiếu ánh sáng trong quang phổ hồng ngoại.
Tận dụng đặc tính này, hệ thống phát hiện UAV có thể phát chùm tia laser hồng ngoại khuếch tán quét qua bầu trời rồi dùng camera hồng ngoại để phát hiện ánh sáng phản chiếu từ sợi cáp.
Những chiếc camera này cũng có thể được dùng để nhận diện tín hiệu nhiệt từ động cơ của những chiếc UAV khi nó nóng lên trong quá trình hoạt động.
Để tăng hiệu quả khi đối phó với UAV cáp quang, theo chuyên gia Vikram Mittal, nên kết hợp tất cả các phương pháp nói trên để chúng bổ trợ lẫn nhau.