Rơi nước mắt với bài văn điểm 9 gửi ba ở Trường Sa

"Con lo cho ba - người mà con luôn yêu thương và tự hào nhất. Không biết ba có khỏe không, có ăn uống đầy đủ không hay sự ngang ngược của kẻ thù lại làm ba ngày đêm thao thức"

Học sinh cửa cô giáo Trịnh Thu Tuyết xúc động khi thăm Thành cổ Quảng Trị.
Học sinh cửa cô giáo Trịnh Thu Tuyết xúc động khi thăm Thành cổ Quảng Trị.

Bài viết của học sinh Lương Thị Thủy Trang - lớp 12D1, trường THPT Chu Văn An Hà Nội được thực hiện ngày 12/5 trong đề thi của Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết. Đề thi hướng về biển đảo của Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết đã sử dụng bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển và câu nói về nhà thơ, Tổ quốc và tự do của Nguyễn Việt Chiến.

Tưởng tượng người lính ở Trường Sa là ba của mình, Thủy Trang đã có những lời tâm sự xúc động về nỗi nhớ thương của 3 mẹ con, lời ba dạy về tình yêu biển đảo quê hương ngày nhỏ đến ước mơ trở thành nhà báo khi trưởng thành. Bài viết đã được cô giáo Trịnh Thu Tuyết chấm 9 điểm - cao nhất lớp với lời nhận xét sáng tạo, ý sâu sắc, tình cảm chân thành.

Dưới đây là bài viết xúc động của học sinh Lương Thị Thủy Trang:

"Gửi ba thân yêu của con!

Lâu rồi ba không gửi thư về, cả nhà mình ai cũng mong và nhớ ba nhiều lắm. Bé Ốc cứ nhắc ba hoài à, những lúc nhớ ba, em lại chạy tới ôm mẹ và hỏi: “Khi nào ba về hả mẹ?” giống y hệt như con ngày xưa cũng hay hỏi mẹ như thế mỗi khi ba vắng nhà thật lâu.

Một tuần nay đài báo nói nhiều về tình hình căng thẳng ở biển Đông - nơi mà ba của con canh giữ đang bị đe dọa bởi hành động đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc, con thấy lo lắm ba ạ. Con lo cho ba - người mà con luôn yêu thương và tự hào nhất, không biết ba có khỏe không, có ăn uống đầy đủ không hay sự ngang ngược của đối phương lại làm ba ngày đêm thao thức.

Ba ơi, mắt mẹ đã buồn hơn và những giọt nước mắt lại khẽ rơi trong đêm vì lo lắng cho ba từng ngày. Con mong sao những kẻ có ý đồ xâm lược ngoài kia có thể hiểu ra lẽ phải. 

Sự đúng đắn mà chúng đang đi ngược lại bằng những hành động vi phạm chủ quyền và những lời nói trắng trợn hòng che lấp sự thật, để Tổ quốc thân yêu này lại trở về với sự bình yên, để ba của con ngoài đảo xa xôi kia và bao người lính khác được làm nhiệm vụ trong sự yên tâm của những người thân trên đất liền, để những người vợ, người mẹ không phải âm thầm lau đi những giọt nước mắt rơi trên khóe mi hàng đêm nữa…

Ba ơi, những câu hát và tiếng đàn guitar ngày nào vẫn còn đây, trong trái tim nhỏ bé của con:

“Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam!

Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng

Vùi sâu trong đáy những gì yêu thương

Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương…”

Ngày con còn bé, ba đã dạy cho con về tình yêu đối với biển đảo quê hương bằng những câu hát êm đềm như thế. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức của con như một phần máu thịt, như niềm tự hào của con đối với ba và tình yêu mà con dành cho mảnh đất thân yêu này.

Kể từ ngày ba nhận nhiệm vụ ra ngoài đảo, con không còn nghe ba hát những giai điệu ngọt ngào ấy nữa. Nhưng ba biết không, ở nhà mẹ đã thay ba hát cho chúng con nghe những bài hát về biển, nghe mẹ kể những câu chuyện về những người lính hải quân đang canh giữ ngoài biển đảo và cả những câu chuyện tình yêu của ba mẹ gắn liền với biển đảo như thế nào.

Mẹ nói với con và bé Ốc là hai giọt nước mà ba mẹ mang từ biển về, là những đứa con được sinh ra từ lòng biển, chan chứa niềm yêu thương và sự ấm áp. 

Cho nên, biển đối với con cũng là ngôi nhà thứ hai của mình, con luôn yêu và luôn hướng về như trái tim của bao người dân đang từng ngày, từng giờ hướng về biển Đông, nơi chính quyền Trung Quốc đang lăm le xâm chiếm.

Việc làm của Trung Quốc đã gây bất bình sâu sắc triệu triệu tấm lòng con dân đất Việt và nhiều bạn bè quốc tế khác. Con gái của ba đã lớn, với cái tuổi 18, con hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền dân tộc, hiểu rõ hơn về công việc mà ba đang làm, nhiệm vụ lớn lao mà ba đang gánh vác trên vai. 

Cho nên, con càng cảm thấy tức giận hơn với hành động của Trung Quốc, xót xa hơn cho đất nước mình ba ạ. Tại sao nước Việt Nam mình lại phải chịu nhiều nỗi đau đến thế? Nỗi đau nào cũng dài và để lại nhiều vết thương...

Hôm trước con có đọc bài viết Nhà thơ, Tổ quốc và tự do, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã nói như thế này ba ạ: “Chúng ta là con dân của đất Việt, ông cha ta từ ngàn năm trước đã lên rừng, đã xuống biển để khai phá, để dựng xây non nước này. Và biển – đảo ấy là một phần gia tài nghèo khó mà ông cha ta tự ngàn xưa đã không tiếc máu xương, công sức để giữ gìn, để truyền đời lại cho cháu con hôm nay”... 

Chính vì thế cho nên, khi đất nước gặp nguy khó, ngay những đứa trẻ còn nằm nôi như Thánh Gióng bỗng lớn nhanh như thổi để đánh đuổi giặc Ân ra khỏi bờ cõi. Lòng yêu nước đã trở thành động lực để các thế hệ cha anh bao đời nay đứng lên bảo vệ chủ quyền đất nước. 

Những anh hùng đã anh dũng hy sinh, bao tấm lưng đã ngã xuống như Phan Đình Giót lao cả thân mình lấp lỗ châu mai, anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo… Một dân tộc như thế hoàn toàn xứng đáng có được sự bình yên và hạnh phúc đúng không ba?

Và con cũng tin vào thế hệ trẻ chúng con có thể hiểu được trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc. Bản thân con sẽ cố gắng thật nhiều để trở thành một nhà báo giỏi, trở thành niềm tự hào lớn của ba.

Ba ơi, con chỉ có một ước mơ duy nhất lúc này làm sao ba có thể hoàn thành nhiệm vụ và trở về với gia đình mình – nơi có ba mẹ con luôn yêu ba và tự hào về ba thật nhiều.

Dẫu biết rằng đất liền và Trường Sa xa lắm, nhưng con tin ba sẽ nhận được bức thư này của con, những tình cảm yêu thương của con dành cho ba. Con nhớ ba thật nhiều!

Gửi ba nghìn nụ hôn của ba mẹ con!

Con gái của ba!

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ