Đề Văn mở khơi ngọn lửa yêu nước tuổi 18

GD&TĐ - Đề Văn hay và những bài làm văn mang ngọn lửa yêu nước nồng nàn của tuổi 18 đã truyền nhiệt huyết cho bao trái tim Việt. Chia sẻ với báo GD&TĐ, những cô cậu học trò "tác giả" bật mí: Đề Văn mở khơi dòng cảm xúc cho chúng em!

Đề Văn mở khơi ngọn lửa yêu nước tuổi 18

Mấy ngày gần đây, cô và trò lớp 12D1 trường THPT Chu Văn An được nhiều người biết đến, gọi điện hỏi thăm và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm về cách ra Đề Văn mở lồng ghép vấn đề thời sự việc Trung Quốc đặt giàn khoan xâm phạm lãnh hải Việt Nam (Xem chi tiết đề Văn) và cảm xúc của học trò khi viết lên những bài văn chứa chan tình yêu nước (Xem chi tiết bài làm văn)

Để có được những bài văn lay động lòng người, như lời hiệu triệu tuổi trẻ hướng về biển đảo quê hương, các "tác giả“ đến từ lớp 12D1 chân thành chia sẻ: Đó là nhờ đổi mới trong dạy học môn Văn, đặc biệt cách ra đề mở những năm gần đây. 

Lương Thị Thủy Trang: Đề Văn mở giúp em thăng hoa hơn!

 Lương Thị Thuỷ Trang

Cách ra đề mở, những đổi mới trong dạy học Văn đã giúp em bày tỏ được cảm xúc sâu sắc của mình về chủ quyền biển đảo. 

Em có thể trình bày những tình cảm, suy nghĩ thật nhất của mình đối với biển đảo quê hương mà không phải theo bất kì một khuôn khổ ràng buộc nào.

Với những đổi mới về đề Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, với sự giúp đỡ của thầy cô và tự bản thân tìm hiểu, em đã "nằm lòng“ hình thức đề thi mới với hai phần đọc - hiểu và kiểm tra năng lực viết (bao gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học).

Đọc - hiểu là nội dung mới, đòi hỏi kiến thức Tiếng Việt chắc chắn, đặc biệt, kỹ năng phát hiện lỗi sai về chính tả, ngữ pháp, chấm câu, dùng từ,....

Em cho rằng, việc có thêm phần này rất tốt để thử phản xạ của thí sinh khi đứng trước một bài hoàn toàn mới, không có trong sách giáo khoa; thí sinh phải dựa vào kiến thức đọc hiểu của mình để hiểu văn bản và sử dụng kiến thức Tiếng Việt tích lũy được để trả lời các câu hỏi.

Chu Khánh Linh: Em vui mừng khi Bộ GD&ĐT đổi mới cấu trúc đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT 

Chu Khánh Linh 

Bộ GD&ĐT quyết định đổi mới cấu trúc đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT và có thể là cả đề thi ĐH môn này, cá nhân em cho rằng đây là một quyết định đúng đắn.

Vì đề thi theo kiểu mới yêu cầu học sinh phải có những kiến thức cần thiết không chỉ về các tác phẩm, tác giả mà còn cả kiến thức Tiếng Việt và kĩ năng đọc và hiểu văn bản một cách sâu sắc.

Đề thi mới cũng đòi hỏi học sinh phải tư duy và suy nghĩ nhiều hơn, tránh tình trạng học thuộc, học vẹt - thói quen của không ít bạn học sinh.

Đặc biệt, với phần nghị luận xã hội được mở rộng đòi hỏi học sinh phải có hiểu biết, suy ngẫm về những sự kiện đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ; từ đó, cho chúng em cơ hội được thể hiện những suy nghĩ, cảm nhận của mình về các vấn đề xã hội, trong đó có vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép đang rất thời sự hiện nay".

Hoàng Linh Phương: Đề Văn mở cho em được bày tỏ cái "tôi"

 Hoàng Linh Phương

Theo em, nếu Văn học chỉ dừng ở cảm thụ những bài trong sách giáo khoa thì không đủ, dễ gây nhàm chán khi học văn và gây ra hiện tượng học vẹt.

Từ khi có những đổi mới trong môn Văn, em có nhiều cơ hội hơn trong việc bày tỏ những quan điểm, suy nghĩ cá nhân, đặc biệt với những vấn đề nóng bỏng của xã hội.

Tuổi 18 sẽ có những cái nhìn khác với thế hệ trước. Và, mỗi một thanh niên cũng lại có những quan điểm riêng, nhưng luồng chủ đạo vẫn là tình cảm yêu nước nồng nàn. Từ khi đề thi có phần nghị luận xã hội, học sinh chúng em lại được bày tỏ cái tôi cá nhân của mình.

Đặc biệt, việc đổi mới đề Văn năm nay, không chỉ giảm bớt phần nào lượng kiến thức chúng em cần nhớ, mà với phần đọc hiểu, cơ hội cho mỗi bạn trẻ thể hiện mình càng lớn.

Điều đó sẽ đưa đến nhiều kênh cảm nhận khác nhau, đồng thời cũng rèn luyện cho học sinh thói quen tư duy và suy nghĩ trước mọi vấn đề của cuộc sống. Em cho rằng, đó là điều vô cùng cần thiết khi học Văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ