Theo đúng tinh thần đề Văn mở của Bộ GD&ĐT, cô giáo Trịnh Thu Tuyết đã ra đề bài ôn tập môn Ngữ văn lồng ghép bối cảnh Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương-981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam, khơi gợi cảm hứng của học sinh, không chỉ thể hiện được lòng yêu nước, nhiệt huyết tuổi trẻ, mà còn là phép thử về kiến thức Địa lý, Lịch sử, xã hội, đạo đức trách nhiệm… của các em. (Xem chi tiết đề Văn).
GD&TĐ xin giới thiệu bài văn sâu sắc, chứa chan lòng yêu nước của nữ sinh Hoàng Linh Phương – lớp 12 D1 Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).
Bài viết rất sâu sắc, cảm xúc như bị dồn nén mà ngôn từ của em chưa thể bộc lộ hết ra...
Trong những ngày này, cả Việt Nam và thế giới đều đang rất quan tâm tới việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cùng hơn 80 tàu có vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào sâu tới 80 hải lý trong thềm lục địa và khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 01/05/2014. Hành động này đã gây phẫn nộ sâu sắc trong triệu triệu tấm lòng con dân đất Việt, nhân dân ta khắp ba miền đất nước đã xuống đường mít tinh, tuần hành để phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc với lãnh thổ nước ta. Từ việc trên, lần đầu tiên tôi đã có những suy nghĩ về đất nước, về lãnh thổ dân tộc.
Chúng tôi, một thế hệ trẻ đã sống cách chiến tranh hơn hai mươi năm không thể hiểu được hết những cái giá mà cha ông ta đã phải trả cho chiến tranh. Tôi thấy mình thật may mắn khi đang được sống ở một đất nước hòa bình, không chiến tranh, không khói lửa - đó là điều mà đến tận thế kỷ XXI này vẫn có những quốc gia, những người dân chịu đựng từng ngày, từng giờ. Chúng tôi sống, đi học, làm việc với một nhịp sống đơn giản, thậm chí vẫn luôn nghĩ rằng những vấn đề về Tổ quốc, về chủ quyền dân tộc vẫn không phải là việc của mình mà là việc của người lớn, của Đảng, của Nhà nước.
Ở trường, một trong những môn học tôi yêu thích chính là Lịch sử, đó có thể coi là điều khá trái ngược với đại bộ phận thế hệ trẻ ngày nay. Tôi luôn thấy hứng thú khi tìm hiểu về đất nước từ thủa hồng hoang đến khi lập nước và giữ nước. Bốn ngàn năm lịch sử, tất cả chúng ta ai cũng biết nhân dân ta đã phải trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh vệ quốc, ông cha ta bao đời đã không tiếc máu xương mình để gìn giữ đất nước cho đến ngày hôm nay, để chúng tôi được sống ở một đất nước hòa bình...
Chủ quyền dân tộc từ bao đời nay đã được khẳng định từ bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, đến “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Cũng vì chủ quyền đó mà nhân dân ta chấp nhận những mất mát, đau thương, chấp nhận cả những cái chết khi đi vào nơi chiến trường lửa đạn, để bảo vệ Tổ quốc. Đó là điều mà bao thế hệ trước đã làm, và tôi chắc chắn, thế hệ ngày hôm nay cũng sẵn sàng làm mọi điều để bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Hành động trái phép của Trung Quốc đã làm cho chúng tôi, những con người của một thời hòa bình phải suy nghĩ. Triệu triệu con dân nước Việt từ mọi miền của Tổ quốc đến cả những kiều bào ở nước ngoài đều bất bình, phẫn nộ trước hành vi ngang ngược, bất hợp pháp của Trung Quốc. Có người giấu những suy nghĩ đó trong lòng, có người xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc, thậm chí có những bạn trẻ đã bày tỏ quan điểm rất mạnh mẽ trên Facebook.
Mỗi người có một cách thể hiện khác nhau, nhưng tôi tin trong mỗi chúng tôi, đó đều là những xúc cảm, những hành động của một trái tim yêu nước nồng nàn. Là một đất nước đã đi qua nhiều cuộc chiến, hiểu rõ những mất mát, đau thương trong chiến tranh, nên chúng ta, với hành động ngang ngược của Trung Quốc vẫn đang tìm cách giải quyết bằng biện pháp hòa bình và ngoại giao, để giữ gìn từng vùng biển ngoài xa.
Ở tuổi 18, chúng tôi dần dần có ý thức rõ ràng hơn về trách nhiệm của mình với Tổ quốc. Không chỉ dừng lại ở việc học tập để sau này trở thành người có ích cho đất nước, chúng tôi dần dần biết suy nghĩ trước mọi vấn đề của đất nước, biết phẫn nộ khi đất nước bị xâm phạm chủ quyền.