Rơi lệ tiễn đưa 2 học sinh đuối nước tại Quảng Bình

GD&TĐ - Vụ đuối nước thương tâm làm chết hai học sinh lớp 7 vừa xảy ra tại đập hồ chứa nước thủy lợi Rào Đá (huyện Quảng Ninh - tỉnh Quảng Bình) khiến người thân và dư luận hết sức đau lòng.

Nơi hai em học sinh bị đuối nước thương tâm
Nơi hai em học sinh bị đuối nước thương tâm

Sáng 3/4/2014 một nhóm học sinh lớp 7B Trường THCS Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã rủ nhau dã ngoại núi Thần Đinh. Sau khi xuống núi, do trời nắng nóng nên cả nhóm đã rủ nhau ra đập hồ chứa nước thủy lợi Rào Đá gần đó để tắm. 

Các em lội nước mà không biết nguy hiểm đang rình rập. Sự việc đau lòng đã xảy ra khi hai em Nguyễn Thế Huy, Võ Quang Hùng không may bị trượt chân xuống chỗ nước sâu và bị đuối nước.

Đau thương

Đến gặp gia đình hai em,chúng tôi vô cùng xót xa khi chứng kiến nỗi đau mất con của thân nhân các em bị nạn.

Anh Võ Quang Huấn (SN 1975, bố của em Võ Quang Hùng) nghẹn lòng cho biết: “Sự việc diễn ra quá bất ngờ quá, gia đình tui có biết chi mô vì sáng đó là ngày Chủ nhật nghỉ học nhưng tôi vẫn thấy cháu mang sách vở theo và nói là đi học bù. Ai ngờ…” 

Nói đến đó, hai hàng nước mắt lại lăn dài trên gò má của người cha tội nghiệp. 

Lấy nhau một thời gian mới có được Hùng, vì chỉ có mấy sào ruộng nên hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Huấn phải vay tiền đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc khi con trai mới 1 tuổi. Năm 2007 anh Huấn trở về thì cậu con trai không biết mặt cha con gọi anh bằng chú. Về với vợ con được 7 năm, kinh tế gia đình đỡ khó khăn một chút thì niềm vui ngắn chẳng tày gang. 

“Kẻ tóc bạc tiễn người tóc xanh, bao năm lặn lội xứ người những mong cho vợ đỡ khổ, ai ngờ nó lại bỏ tui mà đi”, anh Huân nói trong nước mắt.

Câu chuyện giữa anh Huấn với chúng tôi bị ngắt quãng khi cậu em trai mới 6 tuổi của  Hùng hồn nhiên chạy chơi xung quanh bàn thờ anh trai cười nói vang nhà.  Có người hỏi cháu, “anh đâu rồi” thì cậu bé ngây ngô nói “anh cháu ngủ rồi”. Tất cả mọi người đều nghẹn lòng khi nghe câu trả lời của con trẻ chưa hiểu được nỗi đau mất đi người thân.

Tại nhà em Nguyễn Thế Huy, một cảnh tang thương đau xót gấp bội khiến mọi người không thể kìm được nước mắt. Nằm dài bên quan tài con trai, ông Nguyễn Thế Tiệm (SN 1964) miệng la hét, chân tay vùng vẫy, quẫy đạp như một người điên dại. Suốt một ngày đêm từ khi nhận thi thể con trai về, người cha tội nghiệp này gào thét khóc thương con trai đến kiệt sức, ngất lịm.

Trước khi chúng tôi vào chia buồn cùng gia đình em Huy, vài người hàng xóm cho biết, Huy là con út của hai vợ chồng nông dân chăm chỉ Nguyễn Thế Tiệm và Nguyễn Thị Hường. Huy còn có hai chị gái, chị đầu đang học đại học năm thứ 2 tại Hà Nội, chị kế đang học lớp 11. 

Từ lớp 1 đến lớp 7, Huy đều là học sinh giỏi và là đứa con ngoan của gia đình. Quệt vội những giọt nước mắt trên mi, bà hàng xóm nhà đối diện gia đình Huy chia sẻ: “Tội lắm chú ơi,ở nhà nó rất hiền lành chăm chỉ, cháu giỏi có tiếng ở thôn này đó. Sao trời lại bắt nó về sớm thế!”.

Ước gì không phải nói “giá như…”

Lòng se thắt lại khi nhìn di ảnh của hai em và trong đầu chúng tôi văng vẳng vang lên hai tiếng “giá như”. Hai em Nguyễn Văn Hùng và Bùi Thắng Lợi - học sinh lớp 7B, cùng nhóm đi chơi ngày hôm đó kể lại sự việc khiến chúng tôi lặng người. 

Các em kể rằng tất cả đã bàn nhau là sẽ nói dối bố mẹ để cùng nhau đi núi chơi. “Chúng cháu đang đùa vui vẩy nước vào nhau thì nhìn thấy bạn Huy bị sảy chân xuống chỗ nước sâu, hai tay cứ chới với. Nhìn thấy thế bạn Quang Hùng liền lao xuống giơ tay kéo bạn Huy rồi bị bạn Huy đã kéo ngược ra chỗ nước sâu và hai bạn từ từ chìm dần khi chúng cháu chạy đi gọi người lớn đến cứu…”.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Cúc - Giáo viên chủ nhiệm lớp 7B Trường THCS Hoa Thủy - cho biết: Mất hai học sinh ưa tú, cô và toàn bộ học sinh trong lớp đều rất đau lòng. Hai em đều rất hiền lành, ngoan ngoãn, chăm chỉ và học giỏi, đặc biệt là em Huy suốt 7 năm là học sinh giỏi, thế mà…”. 

Trong câu chuyện với chúng tôi cô cứ nhắc đi nhắc lại câu nói “giá mà”:  “Giá mà gia đình các em đừng chủ quan khi nghe các em nói là đi học bù vào ngày chủ nhật thì hãy gọi cho cô để nắm thông tin xem đúng sai thì có thể sẽ không xảy ra chuyện. Giá mà….”

Theo cô Cúc, nhà trường đã cung cấp số điện thoại của các giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp cho tất cả phụ huynh để nhà trường và gia đình cùng quản lý các em trong việc giáo dục, bảo vệ các em học sinh. 

“Sự việc này bản thân tôi và các giáo viên trong trường rất buồn vì nhà trường đã nhiều lần nhắc nhở các em học sinh vào các buổi sinh hoạt lớp cũng như chào cờ đầu tuần về việc nghiêm cấm các em rủ nhau đi chơi đặc biệt là đi tắm sông suối. 

Sáng 14/4, nhân buổi chào cờ đầu tuần Ban giám hiệu nhà trường đã dành ra gần hai tiết đầu giờ tiến hành kiểm điểm phê bình hành động của nhóm học sinh lớp tôi, qua đó rút khinh nghiệm và làm bài học giáo dục các em học sinh trong trường”.

Trưa nắng tháng Tư đầu mùa chưa đủ nóng nhưng hàng trăm bàn chân của những người tham gia trong đoàn đưa tang hai em học sinh xấu số dường như nặng trĩu. Tiễn hai em, cùng với những nức nở, khóc thương xé lòng, còn là câu hỏi nhói lòng về trách nhiệm của người lớn, trách nhiệm của mỗi gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường đoạn 'Chiến thắng Điện Biên' của bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh minh họa

Cây súng và ngòi bút

GD&TĐ - Nhà văn Hữu Mai (tên khai sinh Trần Hữu Mai), sinh 1926 tại phố Hàng Cấp, TP Nam Định, mất 2007 tại Hà Nội.