Báo Mỹ dẫn lời Mark Cancian, cựu đại tá thủy quân lục chiến Mỹ đang làm cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết:
"Hoạt động làm giả tín hiệu định vị GPS xuất hiện phổ biến ở Ukraine làm tăng thêm tính cấp bách trong giải quyết vấn đề mà Lầu Năm Góc từ lâu đã nhận ra, đó là tín hiệu giả sẽ làm giảm hiệu quả vũ khí của Mỹ".
Hoạt động tác chiến điện tử bao gồm nhiều hình thức không quá tốn kém. Gây nhiễu là hình thức tương đối đơn giản, theo chuyên gia Thomas Withington thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI).
Hoạt động gây nhiễu định vị là "làm quá tải bộ thu tín hiệu định vị vệ tinh bằng loạt nhiễu, khiến nó mất khả năng xác định vị trí, điều hướng lẫn tín hiệu thời gian nhận từ vệ tinh".
Không những vậy, lực lượng tác chiến điện tử còn có hình thức giả mạo tín hiệu, tức gửi dữ liệu sai đến bộ thu tín hiệu định vị vệ tinh trên vũ khí đối phương, khiến chúng đi chệch hướng hoặc quỹ đạo.
Ngày càng nhiều lực lượng của quân đội Nga sử dụng hệ thống tác chiến điện tử trong chiến đấu, đặc biệt khi chúng thể hiện hiệu quả cao trong đối phó vũ khí chính xác mà Mỹ viện trợ cho Ukraine.
Giới chuyên gia phương Tây cho biết độ chính xác của đạn dẫn đường như Excalibur bắn từ lựu pháo M777 và rocket GMLRS "giảm một cách đáng kinh ngạc" vì bị gây nhiễu.
"Các loại đạn như Excalibur và GMLRS phụ thuộc bộ thu tín hiệu định vị vệ tinh ở mức độ nào đó để giúp đánh chính xác vào mục tiêu", Withington giải thích.
Cũng theo vị chuyên gia này, không chỉ riêng Ukraine mà nhiều bên đang nghi ngờ năng lực và tính chính xác của những loại đạn do Mỹ cung cấp này.
Chuyên gia cấp cao Daniel Patt tại Viện nghiên cứu Hudson có trụ sở tại Mỹ, trong phiên điều trần trước quốc hội hồi tháng 3 cho biết đạn Excalibur 155 mm "có tỷ lệ đánh trúng mục tiêu lên tới 70% khi lần đầu quân đội Ukraine sử dụng, song hiệu suất giảm đáng kinh ngạc sau 6 tuần khi Nga điều chỉnh lại hệ thống tác chiến điện tử để đối phó".
Chuyên gia Daniel nói các hệ thống vũ khí mới mà Ukraine nhận "chỉ đạt hiệu quả cao nhất trong hai tuần trước khi biện pháp đối phó xuất hiện".
Đây là thông tin giá trị trong lúc Mỹ đang chuẩn bị cho xung đột tiềm tàng mà nước này có thể tham gia trong tương lai.
Một chuyên gia quốc phòng Mỹ nhận định xung đột Nga - Ukraine mang đến cơ hội để họ tìm hiểu vũ khí chính xác do nước này sản xuất "hoạt động ra sao trước các mối đe dọa hiện đại".
Quân đội Mỹ đang tổng hợp thông tin thu được. Các chuyên gia và quan chức quốc phòng Mỹ dự kiến dành nhiều năm thảo luận về tác động của tác chiến điện tử tới kho vũ khí của nước này, cũng như họ cần thích nghi ra sao trong xung đột giữa các cường quốc.
Đại tá Cancian cho biết Lầu Năm Góc đang tìm cách khắc phục mối đe dọa từ tác chiến điện tử của đối phương, ví dụ dùng dải tín hiệu hẹp hoặc có cường độ mạnh hơn để vô hiệu hóa nỗ lực gây nhiễu.
"Nhưng các mối đe dọa nhắc nhở chúng tôi không nên trông chờ vào những thứ được coi là mang tính thay đổi cục diện. Đối phương sẽ luôn đưa ra các biện pháp đối phó linh hoạt", Cancian nói.
Hồi đầu tuần, Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 23 triệu USD mua đầu dò chuyên săn tổ hợp gây nhiễu GPS lắp trên bom dẫn đường chính xác JDAM-ER. Lô đầu dò này sẽ được chuyển cho Ukraine để đối phó với hệ thống gây nhiễu của Nga.
Tuy nhiên, loại đầu dò này chưa từng thực chiến, chưa rõ sẽ có hiệu quả đến đâu và mất bao lâu để Nga đối phó.
Chuyên gia Withington cho rằng, nỗ lực điều chỉnh vũ khí chính xác để đối phó hoạt động tác chiến điện tử của đối phương chỉ là một khía cạnh trong giải pháp nhiều lớp, trong đó có dùng những loại vũ khí khác và ưu tiên nhắm vào nguồn phát tín hiệu.
"Điều này buộc Mỹ và đồng minh phải nhận ra rằng cần chiếm ưu thế về tác chiến điện tử trong xung đột tương lai. Điều này sẽ giúp họ phần nào hoặc thậm chí hoàn toàn ngăn được đối phương dùng hệ thống tác chiến điện tử can thiệp vào tín hiệu", Withington nhấn mạnh.