Bức tranh AI toàn cầu và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên

GD&TĐ - Ngày 18/5, Hội thảo Bức tranh AI toàn cầu và Cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên diễn ra tại Trường ĐH FPT Cần Thơ thu hút gần 500 người tham dự.

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Để hiểu hơn về bức tranh của ngành Trí tuệ Nhân tạo (AI) trong bối cảnh hiện tại cũng như định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên yêu thích công nghệ, trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, Trường ĐH FPT Cần Thơ phối hợp cùng Viện công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo AI (ABAII) tổ chức Hội thảo với chủ đề: Bức tranh AI toàn cầu & Cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.

Tham dự Hội thảo, về phía Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Viện công nghệ Blockchain và trí tuệ nhân tạo AI (ABAII), có ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện ABAII; bà Nguyễn Vân Hiền - Tổng thư ký Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện ABAII; ông Đào Trung Thành - Phó Viện trưởng Viện ABAII; ông Hàng Minh Lợi - Giám đốc trung tâm sáng tạo trí tuệ nhân tạo Viện ABAII.

Về phía Tập đoàn FPT và Trường ĐH FPT, có ông Vũ Hồng Chiên - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo FPT AI; ông Nguyễn Xuân Phong - Giám đốc phân hiệu Trường ĐH FPT tại TP Cần Thơ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH FPT...

Đại biểu tham gia Hội thảo Bức tranh AI toàn cầu và Cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đại biểu tham gia Hội thảo Bức tranh AI toàn cầu và Cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.

Hội thảo với sự có mặt của gần 500 người tham dự là đại diện các doanh nghiệp, đại diện BGH và thầy cô các trường THPT, cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên thuộc Tổ chức Giáo dục FPT tại TP Cần Thơ.

Hội thảo gồm 3 phần chia sẻ chính đến từ các diễn giả Đào Trung Thành - Phó viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo AI (ABAII); diễn giả Hàng Minh Lợi, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo AI viện ABAII và diễn giả Vũ Hồng Chiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo FPT AI. Nội dung xoay quanh sự phát triển và các ảnh hưởng của AI trong đời sống hiện nay; cách thức để ứng dụng AI vào học tập và làm việc; cũng như khái quát bức tranh nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực AI cho sinh viên...

Diễn giả chia sẻ tại Hội thảo.
Diễn giả chia sẻ tại Hội thảo.

Trong phần chia sẻ với chủ đề Làn sóng mới của Trí tuệ nhân tạo - Thay đổi cách chúng ta sống, học tập và làm việc, ông Đào Trung Thành đã khái quát bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của AI cũng như các tác động của AI đến các lĩnh vực trong đời sống hiện nay.

Giới thiệu về các ứng dụng của AI trong học tập và làm việc, ông Hàng Minh Lợi - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo AI viện ABAII đã mang đến nhiều ứng dụng bổ ích cho sinh viên như ChatGPT, Midjourney, Beautiful AI, Canva và các ưu, nhược điểm của AI để vận dụng vào học tập và cuộc sống.

Ông Vũ Hồng Chiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo FPT AI cũng có phần trình bày về các cơ hội và định hướng nghề nghiệp dành cho sinh viên có đam mê và mong muốn phát triển trong lĩnh vực CNTT và Trí tuệ nhân tạo.

Diễn giả thảo luận tại Hội thảo.
Diễn giả thảo luận tại Hội thảo.

Đặc biệt, phiên thảo luận “Cơ hội nghề nghiệp trong ngành Blockchain và AI có dành cho tất cả mọi người?” đã thu hút sự quan tâm, chia sẻ của người tham dự hội thảo. Nhiều câu hỏi về việc ứng dụng thành tựu của AI như thế nào cho hiệu quả, định hướng phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực AI đều được các diễn giả giải đáp.

Sinh viên đặt câu hỏi và giao lưu vấn đề trí tuệ nhân tạo với diễn giả.
Sinh viên đặt câu hỏi và giao lưu vấn đề trí tuệ nhân tạo với diễn giả.

Hội thảo Bức tranh AI toàn cầu và Cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên đã mang đến nhiều thông tin hữu ích về AI và những ứng dụng của AI trong học tập cũng như định hướng nghề nghiệp cho sinh viên trong lĩnh vực CNTT và Trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, tạo ra mối liên kết giữa giáo dục và chuyên gia ngành công nghiệp, khuyến khích hợp tác và đối tác trong tương lai giữa Nhà trường và các doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.