Với sự phát triển của nền tảng mạng xã hội (MXH), áp lực của giáo viên từ nhiều phía ngày càng lớn, nhất là khi những nội dung giảng dạy được đưa lên mạng và giáo viên đã nhận về những bình luận trái chiều…
Nổi tiếng sau một đêm
Chỉ cần một câu nói hoặc một đoạn clip được học sinh ghi lại trong quá trình giảng dạy rồi đăng tải lên các kênh MXH, giáo viên “ngủ dậy, bỗng nhiên nổi tiếng” nhờ số lượng người theo dõi, tương tác, bình luận tăng chóng mặt. Đáng chú ý, nhiều phụ huynh và học sinh thích những giáo viên có số lượt tương tác, theo dõi trên MXH lớn.
Chị P.T.V. (38 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) nêu quan điểm, giáo viên có lượt tương tác tốt là giáo viên dạy giỏi. Thông qua việc theo dõi giáo viên qua trang cá nhân, nghiên cứu về lượt tương tác, chia sẻ và bình luận ở mỗi bài viết, chị sẽ đưa quyết định chọn giáo viên cho con theo học. Càng nổi tiếng, tỷ lệ chọn càng cao.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Ngọc Khánh Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho rằng, chính áp lực đó khiến giáo viên nếu không làm chủ được việc sử dụng MXH. Họ sẽ bị “sa lầy” vào thế giới ảo, tự biến mình thành những KOL, liên tục cập nhật xu thế, đăng những bài giảng bắt theo trend nhằm mục đích câu lượt xem, lượt tương tác qua các biểu tượng.
“Thực tế, nhà trường luôn tạo điều kiện để học sinh có thể sử dụng điện thoại phục vụ mục đích học tập. Tuy nhiên, thay vì sử dụng tra cứu, tiếp cận kiến thức mới trên các ứng dụng công nghệ trong giờ học thì các em lại dùng điện thoại để ghi âm, quay clip giáo viên”, bà Vân chia sẻ.
Cũng theo bà Vân, việc học sinh chia sẻ đoạn ghi âm lời nói của giáo viên sau đó gửi cho nhau gây nên tình trạng khó kiểm soát. Lời nói của giáo viên có thể bị cắt ghép, chỉnh sửa thành những câu có nội dung xấu, gây ảnh hưởng không tốt đến giáo viên và nhà trường.
“Trong các cuộc họp, nhà trường luôn nhắc nhở giáo viên trong tiết học phải hạn chế những câu nói đùa, hạn chế kể chuyện hài hước hay cách nói chuyện “teen hóa”. Trường hợp ngoài kiểm soát là học sinh sử dụng những đoạn ghi âm đó và cắt ghép lại với mục đích xấu, gây bất lợi cho thầy cô”, bà Vân nhấn mạnh.
Bên cạnh bị áp lực từ lượt like, clip, nhiều thầy, cô còn bị học trò nói xấu trên các trang MXH, đặc biệt là Facebook. Thậm chí, có những trang mạng mang tên: “Hội những người ghét giáo viên chủ nhiệm”, “Hội những người không đỡ nổi cô giám thị trường A”... đã thu hút cả nghìn người “like”, theo dõi và bình luận.
Cần quan tâm, chia sẻ, trao đổi nhiều hơn với học sinh để thầy và trò giảm bớt những hiểu lầm không đáng có. |
Thầy Lê Thanh Phú, giáo viên Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4, TPHCM) cho rằng, hiện nay các trang MXH được lập dễ dàng. Một học sinh có thể có 2 đến 3, thậm chí hơn 10 tài khoản ảo trên không gian mạng. Chỉ cần một sự việc không vừa lòng, không đúng với ý của học sinh và phụ huynh, ngay lập tức những tài khoản ảo đó tấn công giáo viên bằng nhiều hình thức khác nhau.
“Học tập và giao tiếp của học sinh là quá trình cần có sự nỗ lực đến từ ba phía: Nhà trường, gia đình và nhất là bản thân học sinh. Không thể nào học sinh ngoan hay hư đều là lỗi của nhà trường, của giáo viên”, thầy Phú khẳng định.
Đồng quan điểm đó, bà Nguyễn Ngọc Khánh Vân cho biết, khi đứng trước một vấn đề chưa hiểu nhau, thay vì phản ánh với đường dây nóng của trường, liên hệ trực tiếp ban giám hiệu, trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên đứng lớp, nhiều phụ huynh lại chọn cách đăng lên MXH dưới hình thức ẩn danh.
Theo bà Vân, xã hội quan tâm nhiều đến sức khỏe tâm thần của học sinh, nhưng trên thực tế, giáo viên cũng là nạn nhân của bạo lực học đường, bạo lực mạng. Có nhiều giáo viên phải nghỉ dạy để điều trị tâm lý sau một vài cú “sốc”.
Rất nhiều trường hợp giáo viên bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần do không chịu được áp lực, phải đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (tỉnh Đồng Nai). |
Sử dụng MXH an toàn
Trước tình hình giáo viên bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần do áp lực từ MXH, bác sĩ Võ Thành Đông, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (tỉnh Đồng Nai) cho rằng, việc bị tấn công trên không gian mạng có thể xảy ra đối với bất cứ ai, ở mọi lĩnh vực. Vì vậy, mỗi người cần chuẩn bị kiến thức an toàn khi sử dụng MXH và cần có thái độ bình tĩnh để giải quyết sự việc khi bị tấn công.
Theo bác sĩ Đông, mỗi giáo viên cần tránh xa các nền tảng MXH không chính thống và tập trung cố gắng trau dồi chuyên môn, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực sư phạm.
“Cốt yếu ở mỗi giáo viên là cần giữ nhân phẩm trong sạch, có nghiệp vụ, chuyên môn vững thì sẽ hạn chế tối đa việc liên quan đến những vấn đề tiêu cực; giảm được sự không hài lòng từ học sinh và phụ huynh; hạn chế được việc trả thù trên không gian mạng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần”, bác sĩ Đông nhận định.
Thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, giáo viên phải chủ động học cách sử dụng các nền tảng MXH. Học từ việc xây dựng nội dung, hình ảnh chỉn chu, cho tới kỹ năng bảo mật thông tin, kỹ năng xử lý các vấn đề phát sinh; chủ động truyền thông những gì học sinh muốn theo cách học sinh thích.
Thầy, cô và nhà trường cần thiết lập những kênh truyền thông chính thống trên mạng giúp cho học sinh nêu các ý kiến xác đáng. Song song đó, giáo viên cũng cần lưu ý các phát ngôn và hành xử trên lớp và bên ngoài cho phù hợp. Giáo viên chủ động tạo các nhóm liên lạc, trao đổi và nắm bắt thông tin từ phụ huynh để có phương án xử lý trước vấn đề phát sinh, sẽ kiểm soát không để sự việc lan rộng trở thành khủng hoảng truyền thông.
“Dù ở môi trường ảo hay thực, những giá trị cốt lõi của giáo dục vẫn không bị thay đổi nếu người thầy đủ tình yêu nghề, dạy học bằng trái tim. Do đó, các giáo viên cần giữ vững tình yêu nghề, tình yêu học trò để vượt qua áp lực vốn dĩ luôn tồn tại với nghề giáo. Cần thay đổi tư duy để thích ứng với môi trường giáo dục mới - giáo dục trong thời đại MXH. Suy cho cùng, MXH chỉ là công cụ, tốt hay xấu là do người dùng”, Thạc sĩ Thành lưu ý.
Nghiên cứu khảo sát tình trạng sức khỏe tâm thần của giáo viên THCS tại Quảng Trị, Huế và TPHCM từ nhóm nghiên cứu của TS Đỗ Thị Lệ Hằng, Viện Tâm lý, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội cho thấy, có 41,1% số giáo viên bắt đầu có những dấu hiệu đáng lưu ý, 22% giáo viên có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần cao và khoảng 6,1% giáo viên có sức khỏe tâm thần không tốt.