Để giáo sinh hoàn thành tốt bài dạy

GD&TĐ - TS Phạm Minh Tâm (Trường CĐSP Hà Nội) đưa ra kinh nghiệm để giáo sinh sư phạm thực hiện tốt một tiết học trên lớp:

Để giáo sinh hoàn thành tốt bài dạy

Lí luận dạy học đã chỉ rõ, trong nhà trường, hoạt động dạy học bao giờ cũng là một quá trình, trong quá trình này vai trò của người giảng viên là không thể thiếu được. 

Nó được thể hiện cụ thể trong hai nhiệm vụ chủ yếu nhất là: nhiệm vụ chuẩn bị lên lớp (soạn bài) và nhiệm vụ lên lớp. Hai nhiệm vụ này không thể tách rời xu thế chung hiện nay là tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh.

Quan trọng nhất là xác định được trọng tâm bài học

Soạn bài là phương pháp đặc thù của người giảng viên, biểu hiện rõ năng lực nghề nghiệp cũng như năng lực được đào tạo về mặt chuyên môn.

Để xây dựng được một bài soạn tốt đòi hỏi người giảng viên phải nghiên cứu kĩ tài liệu, SGK; xác định chính xác mục đích, yêu cầu của bài học. 

Trên cơ sở đó, xác định các kiến thức cơ bản mà học sinh cần phải nắm, xác định các mối liên hệ giữa các kiến thức với nhau, từ đó cấu trúc lại nội dung tài liệu giáo khoa thành bài soạn của mình một cách hợp lí, phù hợp với trình độ lĩnh hội của học sinh và nội dung bài học.

Bài soạn cũng cần phản ánh được lôgic phát triển của nội dung khoa học của bài học, thể hiện trực quan cấu trúc lôgic khoa học của kiến thức, mối liên hệ giữa các kiến thức trong bài. Qua đó, học sinh có thể hiểu được phương hướng giải quyết nhiệm vụ nhận thức.

Đồng thời, phản ánh trực quan được các bước tổ chức giờ học của người giảng viên, giúp cho học sinh dễ dàng hình dung lại những công việc mà giảng viên và học sinh đã cùng hoạt động trong giờ học.

Xét về mặt hình thức, bài soạn của giảng viên bao gồm hai phần chính: phần thứ nhất là các yêu cầu chung (còn gọi là mục tiêu bài học) như: yêu cầu về kiến thức - yêu cầu về kĩ năng - yêu cầu về đồ dùng dạy học... 

Phần thứ hai là phần hoạt động dạy và học (nội dung của tiết học), trong đó phản ánh các kiến thức cơ bản, các mối liên hệ giữa các kiến thức với nhau, các bước tổ chức giờ học...

Đối với yêu cầu về kiến thức: đây là một trong những khâu yếu của người giáo sinh. Các em không xác định được đâu là kiến thức mà sau bài học học sinh phải nắm được (đó là các khái niệm, các quy luật, các mối liên hệ giữa các sự vật hiện tượng...).

Với tâm lí sợ bài soạn "ngắn quá" dẫn đến hiện tượng dạy hết bài mà vẫn chưa hết tiết học, nên các em đã đưa thêm nhiều kiến thức đã học ở trường sư phạm vào để "vừa hết giờ là hết bài". 

Chính vì vậy dẫn đến hiện tượng các kiến thức trong bài soạn thiếu mối liên hệ với nhau, nhiều chỗ không hợp lí, không phù hợp với trình độ lĩnh hội của học sinh và cuối cùng là đưa đến việc giáo sinh không điều khiển được tiến trình của giờ học.

Với yêu cầu về kĩ năng, nhiều giáo sinh thực tập sư phạm còn rất lúng túng trong việc xác định cho học sinh sau bài học này cần "làm" được những gì? Trong bộ môn Địa lí ở trường THCS cần lưu ý giúp học sinh các kĩ năng như: sử dụng bản đồ, quả địa cầu, đồ thị, bảng biểu, tranh ảnh...

Đối với yêu cầu về đồ dùng dạy học: phần này trong sách hướng dẫn giảng viên đã đưa ra khá cụ thể, vấn đề là các em sử dụng như trong giới học như thế nào và mức độ nhuần nhuyễn ra sao.

Tích cực hóa hoạt động học sinh

Nhiệm vụ lên lớp của người giảng viên, quan trọng nhất là vận dụng các phương pháp để tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh.

Các phương pháp dạy học hiện nay đang được sử dụng đều có khả năng tích cực hoá hoạt động của học sinh, song có thể lưu ý tới nhóm các phương pháp sau:

Dạy học nhằm rèn luyện các kĩ năng Địa lí cho học sinh như: làm việc với bản đồ, biểu đồ, số liệu...

Dạy học với hệ thống câu hỏi dẫn dắt, gợi mở: phương pháp này vừa dẫn dắt học sinh đi tới kiến thức cần nắm, lại vừa dạy cho học sinh cách thức hoạt động để đi tới kiến thức đó.

Phương pháp nghiên cứu: giảng viên tạo điều kiện, tổ chức cho học sinh tự đặt vấn đề, xác định nhiệm vụ nghiên cứu, tìm tòi cách giải quyết và tự giải quyết vấn đề (giải bài tập nhận thức; phương pháp graph, hoạt động theo nhóm...).

Lưu ý, việc vận dụng công nghệ thông tin vào dạy học ở trường THCS của các thành phố, nhất là các thành phố lớn khá phổ biến. Vì vậy, giáo sinh cũng cần quan tâm vấn đề giáo án điện tử trong khi dạy học ở trên lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ