Bộ phim truyền hình “Hành trình công lý” do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam được quảng bá là dự án được đầu tư nghiêm túc, hứa hẹn nhiều kịch tính hấp dẫn. Diễn viên đẹp, cảnh trí đẹp. Và ngay sau tập đầu tiên, phim đã thực sự nóng, trở thành tâm điểm của nhiều cuộc bàn luận.
Nóng, không phải vì nội dung, vì vấn đề mà khán giả đang chờ đợi. Nóng, chỉ vì một cảnh nóng trên màn hình, vào khung giờ vàng trên sóng truyền hình quốc gia – khung giờ thu hút sự chú ý của nhiều thế hệ trong gia đình quây quần bên nhau xem phim và giải trí sau một ngày làm việc vất vả.
Cảnh nóng đó có đẹp không. Xin thưa ngay là không đẹp. Có tế nhị không? Xin thưa ngay là không tế nhị. Theo lời nhà sản xuất, thì cảnh nóng đã được làm mờ, nhưng nó vẫn lõa lồ, và chẳng hề thoáng qua.
Tất nhiên, cảnh nóng đó có thể “lọt lưới” người kiểm duyệt phim, nhưng không “lọt lưới” kiểm duyệt của khán giả - những người có quyền khen chê, phán xét thậm chí là chỉ trích.
Đây cũng không phải lần đầu tiên có cảnh nóng lặp đi lặp lại trong một bộ phim truyền hình Việt, ở một giờ vàng trên sóng truyền hình.
Khi vấp phải phản ứng từ phía khán giả, phía nhà làm phim thường giải thích rằng cảnh nóng này cảnh nóng kia là cần thiết, góc quay đó là nghệ thuật, diễn viên A diễn viên B đã rất vất vả hy sinh, cả ê-kíp đã làm việc hết sức mình…
Đành rằng là thế. Nhưng nếu cứ ca mãi một bài ca đã cũ thì xem chừng không ổn. Một tác phẩm hay một sản phẩm nghệ thuật, bên cạnh đặc thù riêng thì cũng cần các tiêu chí đánh giá chung. Ấy là sản phẩm anh làm ra có tốt không, có đẹp không, có bền không, có hữu ích với cuộc sống hay không. Những câu chuyện bên lề không phải là tiêu chí để đánh giá chất lượng sản phẩm.
Những quy định về mặt văn bản chỉ là phần cứng, là cái vỏ. Điều quan trọng nhất khi xử lý cảnh nóng là trình độ, vốn văn hóa, gu thẩm mỹ của người làm nghệ thuật.
Trên màn ảnh, ranh giới giữa thanh và tục, giữa cái đẹp và sự phản cảm rất mong manh. Chỉ cần một góc máy không phù hợp thì bao tâm sức chuẩn bị cho cảnh quay cũng đổ sông đổ bể. Ngược lại, một quyết định hợp lý của biên kịch hay đạo diễn có thể nâng tầm của cả một bộ phim.
Đã xưa rồi cái thời dùng cảnh nóng để tăng rating cho một bộ phim. Bởi thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều tác phẩm điện ảnh trong nước thất bại thảm hại về doanh thu, cho dù nhà sản xuất đã đẩy mạnh truyền thông gắn với chiêu trò “cảnh nóng”.
Khi khán giả có những phản ứng trái chiều, thiết nghĩ nhà làm phim cũng cần nhìn lại chính mình. Bởi nếu làm nghệ thuật với cái tôi chủ quan duy ý chí thì một ngày nào đó sáng tạo sẽ rời bỏ họ mà thôi.