Điện ảnh Việt Nam không thiếu những bộ phim được gắn mác 18+ với cảnh quay đậm màu tính dục. Nhưng lần đầu tiên nền nghệ thuật nước nhà chứng kiến trường hợp một bé gái 13 tuổi tự mình đóng tất cả cảnh nóng trong một tác phẩm được gắn mác nghệ thuật.
Nhiều ý kiến trái chiều nổ ra xoay quanh vai diễn trong Vợ ba của Nguyễn Phương Trà My. Phần đông đều phản đối cách lựa chọn diễn viên của đạo diễn Nguyễn Phương Anh. Một số khác vẫn bênh vực và cho rằng khó có thể tìm được cái "thần" của nhân vật ở người nào khác ngoài Trà My.
Nhưng vấn đề gây tranh cãi không nằm ở diễn xuất hay nét mặt, thần thái nhân vật, mà nằm ở độ tuổi còn quá non nớt của diễn viên.
Đối với thế giới, việc sử dụng diễn viên nhỏ tuổi cho những cảnh quay nóng bỏng đã là chủ đề được bàn luận trong nhiều năm. Ở khu vực châu Á, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng từng phải đối mặt với vấn đề tương tự.
Phim có Lý Tiểu Lộ đóng cảnh nóng năm 16 tuổi bị cấm chiếu ở Trung Quốc
Điện ảnh Hoa ngữ vốn không có nhiều trường hợp sử dụng diễn viên chưa đủ tuổi trưởng thành cho những vai diễn táo bạo.
Lý Tiểu Lộ là Ảnh hậu trẻ nhất lịch sử lễ trao giải Kim Mã Đài Loan. Thiếu nữ 17 tuổi vang danh ảnh đàn thế giới nhờ Thiên dục (1999). Bộ phim kể về cuộc đời Văn Tú - cô gái trẻ sống trong thời kỳ Cách mạng văn hóa Trung Quốc bị ép làm nô lệ tình dục của nhiều gã đàn ông.
Thiên dục được hoàn thành và mang đi dự thi các liên hoan phim năm Lý Tiểu Lộ 17 tuổi. Nhưng thực tế, khi đảm nhận vai diễn này cô mới chỉ 16 tuổi. Việc đạo diễn Trần Xung để một diễn viên chưa tròn 18 tuổi đóng những cảnh khỏa thân, sinh hoạt tình dục, sinh con, phá thai... đã tạo ra làn sóng phản đối dữ dội tại Trung Quốc.
Dù nhận được hàng loạt giải thưởng quốc tế như Kịch bản xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc tại Kim Mã, được đề cử tại LHP Quốc tế Berlin, lọt top phim hay của tạp chí Time... nhưng Thiên dục vẫn bị tẩy chay tại tại chính mảnh đất quê hương.
Cục điện ảnh Trung Quốc ra lệnh cấm chiếu phim dưới mọi hình thức còn đạo diễn Trần Xung phải nhận án phạt không được làm phim trong 3 năm.
Trong Thiên dục, Lý Tiểu Lộ đóng nhiều cảnh nóng táo bạo khi mới chỉ 16 tuổi. |
Năm 1982, Ôn Bích Hà vụt sáng thành sao ngay sau tác phẩm đầu tay Tịnh muội tử (Lonely Fifteen). Trong phim, biểu tượng sex một thời của xứ Cảng thơm có nhiều cảnh "giường chiếu" với bạn diễn nam.
Nổi tiếng chỉ sau một đêm, nhưng cô phải đối mặt với lời miệt thị “ngôi sao phim khiêu dâm” suốt nhiều năm sau đó vì dám đóng cảnh táo bạo khi mới vừa đủ 16 tuổi.
Cũng ở độ tuổi 16, Lưu Diệc Phi cũng từng khiến nhiều người bất ngờ với cảnh cởi áo khoe da thịt trong Thiên long bát bộ (2003). Tuy nhiên, kịch bản phân cảnh này khá “nhẹ nhàng”, không gợi lên ý niệm tình dục nào. Và quan trọng nhất là nữ diễn viên họ Lưu không để lộ gì ngoài bờ vai trần.
Không thể phủ nhận, chính những vai diễn gây tranh cãi lại là bệ phóng danh tiếng nhanh nhất, dù đó thuộc dòng phim nghệ thuật hay phim "ăn liền". Điều tiếng và sự chỉ trích họ nhận được như cái giá phải trả cho một chỗ đứng trong nghề.
Lý Tiểu Lộ, Ôn Bích Hà khi đóng cảnh nóng đều từ 16 tuổi trở lên, lứa tuổi được coi là chạm ngưỡng trưởng thành và có thể tự chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân, nhưng họ vẫn bị dư luận chỉ trích nặng nề.
Hàn Quốc và góc nhìn nghiêm khắc về quyền lợi trẻ em
Khác với Trung Quốc hay đa số các nền điện ảnh trên thế giới, Hàn Quốc là quốc gia nghiêm khắc trong việc sử dụng hình ảnh trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh ngành công nghiệp giải trí đất nước này có quá nhiều trẻ vị thành niên.
Chính phủ Hàn Quốc từng ban hành luật bảo hộ lao động cho các nghệ sĩ chưa đủ 18 tuổi. Cụ thể, luật này quy định ca sĩ thần tượng và diễn viên chưa tới tuổi trưởng thành không được phép tham gia bất kỳ hoạt động nghệ thuật nào sau 22h.
Vì luật trên, nhiều ngôi sao nhỏ tuổi phải trở về nhà khi đồng hồ điểm 22h dù đêm diễn chưa kết thúc, hoặc không thể xuất hiện trên sóng truyền hình trực tiếp sau khung giờ cấm.
Công chúng chỉ trích đạo diễn Mây họa ánh trăng vì cảnh lộ da thịt của nữ diễn viên 17 tuổi. |
Đối với hoạt động đóng phim, việc bảo vệ quyền trẻ em thậm chí còn có phần nghiêm ngặt hơn, nhất là với những tác phẩm có cảnh quay nhạy cảm. Một số trường hợp được đánh giá là bình thường tại các quốc gia khác nhưng lại gây tranh cãi trái chiều tại Hàn Quốc.
Diễn viên nhí nổi tiếng Kim Yoo Jungtừng rơi vào vòng xoáy tranh cãi về vấn đề “xâm phạm thân thể trẻ vị thành niên trên màn ảnh”. Trong Mây họa ánh trăng (2016), cô gái sinh năm 1999 có cảnh quay dùng mảnh vải trắng cuốn ngực lại để giả trai.
Khán giả xứ kim chi đã chỉ trích một cách nghiêm khắc cảnh quay này với ê-kíp sản xuất vì để nữ diễn viên 17 tuổi lộ nhiều da thịt trên màn ảnh.
Missing You là cú hit của truyền hình năm 2012. Nhưng cảnh nữ diễn viên Kim So Hyun bị một nhóm thanh niên cưỡng bức trước mặt bạn thân trong phim khiến công chúng lên án dữ dội dù thước phim không xuất hiện bất cứ yếu tố dung tục nào. Bi kịch của nhân vật được miêu tả qua các góc quay đặc tả vào biểu cảm đau đớn, tuyệt vọng trên khuôn mặt Kim So Hyun.
Một lần nữa, dư luận Hàn Quốc không đồng tình với việc để một diễn viên nhí mới chỉ 14 tuổi đóng cảnh bị nhiều người đàn ông xâm hại.
Giải pháp cho nghệ thuật trong phim ảnh
Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu về việc phản ánh nạn ấu dâm qua phim ảnh. Rất nhiều tác phẩm được dựng lên từ câu chuyện có thật, tạo được tiếng vang lớn trong phạm vi cả nước cũng như quốc tế.
Điển hình có thể kể tới Hope (2012) - bộ phim vụ án cô bé Na Young bị xâm hại gây rúng động Hàn Quốc hay Silenced (2011). Đây là các tác phẩm có nội dung nhạy cảm và bắt buộc phải dùng diễn viên nhí để lột tả câu chuyện một cách vẹn tròn.
Hope (2012) khiến người xem ám ảnh mà không cần đến một cảnh quay cưỡng ép, hành hạ trực tiếp nào. |
Trong tình huống trên, đạo diễn và ê-kíp sản xuất có xu hướng miêu tả nỗi đau qua hình ảnh ước lệ hoặc quay đặc tả qua biểu cảm khuôn mặt nhằm tránh việc làm lộ thân thể các cô bé, cậu bé hết mức có thể.
Với Hope, cô bé Lee Re 7 tuổi đã khiến hàng nghìn người rơi nước mắt khi vào vai nạn nhân của vụ xâm hại tình dục chấn động nhất Hàn Quốc. Khán giả không cần phải xem những cảnh quay cưỡng hiếp, hành hạ thân thể một cách trần trụi nhưng vẫn cảm nhận được bi kịch của nhân vật. Chỉ thông qua khuôn mặt bầm dập, bết máu sau khi bị xâm hại hay tiếng khóc hoảng loạn của trẻ nhỏ, người xem đã đủ đau và ngấm.
Hay trong Silenced, diễn viên nhí Kim Hyun Soo (vai Yeon Doo) lột tả nỗi đau đớn và ám ảnh khi bị xâm hại tình dục bằng ánh mắt hoảng loạn, tiếng hét non nớt đầy ám ảnh. Không có bất kỳ cảnh quay nhạy cảm nào xuất hiện trên màn ảnh, tất cả đều được miêu tả qua lời diễn tả của cô bé Yeon Doo một cách đơn thuần nhất.
Nhưng, Kim Hyun Soo sau đó kể lại em gặp phải sang chấn tâm lý khi phim đóng máy vì đã cố gắng lột tả cảm xúc nhân vật một cách chân thật nhất. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi có nên để trẻ em đóng những vai diễn nặng ký cả về hành động lẫn tâm lý?
Diễn viên nhí Kim Hyun Soo gặp sang chấn tâm lý khi cố gắng lột tả cảm xúc nhân vật trong Silenced (2011). |
Giải pháp được các nhà làm phim Hàn sử dụng là lựa chọn diễn viên trưởng thành nhưng sở hữu khuôn mặt trẻ thơ nhất là trong trường hợp phim bắt buộc phải có các cảnh quay liên quan đến tình dục.
Ví dụ tiêu biểu của trường hợp này là tác phẩm Don’t Cry Mommy. Bộ phim tái hiện câu chuyện có thật về nữ sinh 15 tuổi đã tự sát sau khi bị hàng chục người đàn ông cưỡng hiếp tập thể.
Đảm nhận vai chính trong phim là nữ diễn viên Nam Bo Ra. Với đôi mắt to tròn và đường nét khuôn mặt trẻ thơ, không nhiều người tin rằng khi vào vai diễn trên cô đã 23 tuổi. Nam Bo Ra vẫn diễn rất "ngọt" hình ảnh cô bé 15 tuổi ngây thơ, hồn nhiên.