Rạn nứt tâm lý 'trọng nam khinh nữ'

GD&TĐ - Theo dữ liệu đầu tháng 3 của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, cứ 100 bé gái sẽ có 104,7 bé trai ra đời vào năm 2022.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cùng năm, tỷ lệ cân bằng giới tính tại Hàn Quốc là 103 - 107 bé trai so với 100 bé gái.

Trước đó, vào những năm 1990, tỷ lệ bé trai trên bé gái trung bình là 116,5/100. Tỷ lệ sinh con thứ 3 là con trai so với con gái tại Hàn Quốc từng đạt tới 209,7/100 vào năm 1993.

Có thể thấy, tỷ lệ bé trai trên bé gái tại Hàn Quốc đang dần được thu hẹp trong một thập kỷ trở lại đây. Kết quả này đến từ việc người Hàn Quốc không còn đặt nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.

Quan sát về hiện tượng này trong nhiều năm trở lại đây, nhiều chuyên gia nhận định tâm lý chuộng con trai suy giảm từ sau những chuyển biến sâu rộng về kinh tế và xã hội, trong đó, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng về giáo dục và đô thị hóa.

Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành nhiều chính sách công góp phần làm giảm tư tưởng “trọng nam khinh nữ” như cấm sử dụng công nghệ phát hiện giới tính, tuyên truyền thúc đẩy bình đẳng giới, khuyến khích phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động thay vì làm nội trợ... Bên cạnh đó, chính phủ cũng tăng cường phát triển nền kinh tế, tăng hỗ trợ phúc lợi xã hội nhằm tạo ra sự khác biệt.

Đơn cử, người lao động được đóng bảo hiểm y tế quốc dân, tăng lương hưu và các chế độ hưu trí... để tăng cường khả năng tự chủ tài chính sau khi nghỉ hưu, giảm sự phụ thuộc vào con trai khi về già.

Trong khi đó, các gia đình nhiều thế hệ tách dần sang mô hình gia đình hạt nhân gồm cha mẹ và con cái. Điều này làm suy giảm khuôn mẫu truyền thống buộc phụ nữ chung sống và phục vụ gia đình chồng.

Việc cha mẹ nhận được sự hỗ trợ từ con cái phụ thuộc nhiều hơn vào bản chất mối quan hệ giữa họ, thay vì vấn đề về giới tính.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đáng khích lệ, Hàn Quốc vẫn đang đối mặt với tình trạng bất bình đẳng giới. Theo bảng xếp hạng về bình đẳng giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Hàn Quốc đứng ở vị trí 102 trong 156 quốc gia.

Phụ nữ Hàn Quốc có thể dễ dàng dành thời gian chăm sóc gia đình. Nhưng nam giới Hàn Quốc, cùng với Nhật Bản, làm việc nhiều giờ và có mức độ tham gia “công việc không lương”, như việc nhà, thấp nhất trong nhóm Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Điều này cho thấy bất bình đẳng giới có thể cùng tồn tại với tỷ lệ giới tính tự nhiên.

Hơn nữa, Hàn Quốc cũng phải đối mặt với vấn đề tương đối khó khăn là tỷ lệ sinh thấp. Hồi cuối tháng 2, Văn phòng Thống kê Quốc gia Hàn Quốc công bố trong năm 2022, số trẻ sơ sinh trên một phụ nữ của Hàn Quốc là 0,78, thấp nhất từ trước đến nay. Nước này cũng có dân số giảm nhanh nhất thế giới. Đến năm 2100, dân số nước này được dự đoán sẽ giảm 53%, xuống còn 24 triệu người.

Do đó, khi công tác chuyển biến tâm lý xã hội khỏi “trọng nam khinh nữ” đã có một chút khởi sắc, Chính phủ Hàn Quốc phải tiếp tục tìm kiếm biện pháp tăng tỷ lệ sinh, duy trì những kết quả đã đạt được.

Bởi lẽ, ở những xã hội có tâm lý chuộng con trai, mức sinh thấp sẽ thúc đẩy nỗ lực loại bỏ con gái trước hoặc sau khi sinh vì cha mẹ có ít cơ hội sinh con trai hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.