Phụ huynh Hàn Quốc vay ngân hàng cho con học thêm

GD&TĐ - Học phí một khóa luyện thi đại học tại Hàn Quốc cao gấp 3 lần học phí hàng năm của nhiều trường đại học.

Học sinh Hàn Quốc ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh đại học.
Học sinh Hàn Quốc ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh đại học.

Vì vậy, không ít phụ huynh phụ huynh Hàn Quốc phải đi vay ngân hàng để đủ tiền đóng học cho con.

Tại Hàn Quốc, do trượt kỳ thi tuyển sinh đại học CSAT, nhiều học sinh trung học không thể vào ngôi trường đại học mơ ước và phải dành một năm ôn luyện để thi lại.

Ước tính, trong năm 2022, khoảng 28% trong tổng số thí sinh thi vào đại học, tương đương 142.203 thí sinh, là thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT, đồng nghĩa thi lại đại học. Đây là tỷ lệ thí sinh thi lại đại học cao nhất Hàn Quốc trong 22 năm qua.

Để phục vụ con số đông đảo trên, các trung tâm luyện thi đại học tư nhân đã mở nhiều lớp ôn thi dành riêng cho học sinh cuối cấp và thí sinh thi lại đại học.

Nhiều trung tâm thậm chí tổ chức luyện thi nội trú, cung cấp chỗ ăn ở cho học viên từ các địa phương khác đến học tập. Thời khóa biểu được sắp xếp linh động trong tuần từ sáng đến tối, tùy theo nhu cầu của học viên.

GS Park Nam-gi, làm việc tại Đại học Sư phạm Quốc gia Gwangju, nhận xét, học sinh và phụ huynh vẫn đổ xô đến các trung tâm luyện thi hoặc ôn thi lại vì họ tin rằng đây là khoản đầu tư xứng đáng về mặt thời gian lẫn tiền bạc. Điều này tiếp tục khoét sâu khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội và khiến những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua giáo dục.

Thông thường, phụ huynh Hàn Quốc có con ôn thi đại học trả trung bình 2 triệu won (khoảng 36 triệu đồng) hàng tháng cho các trung tâm dạy thêm. Chi phí có thể lên tới 3,5 - 4 triệu won đối với những lớp luyện thi ở trung tâm thủ đô, có mặt bằng cho thuê đắt giá.

Viện Nghiên cứu Giáo dục ĐH Hàn Quốc cho biết, năm học 2022 - 2023, học phí trung bình của các cơ sở giáo dục đại học tư thục là 7,52 triệu won. Riêng học phí trường y là 10 triệu won/năm.

Trong khi đó, một khóa luyện thi thường kéo dài 10 tháng, tính từ tháng 1 đến tháng 10 hàng năm. Kỳ thi CSAT diễn ra vào tháng 11 hàng năm. Điều này đồng nghĩa, chi phí cho một khóa luyện thi đại học có thể cao gấp 3 lần một năm học phí tại đại học.

“Nó giống như một bản án 10 tháng tù treo với 40 triệu won tiền phạt”, chị Kim, sống tại Seoul, Hàn Quốc, nói về phí học thêm của con gái đang ôn tập cho kỳ thi tuyển sinh đại học.

Để chi trả mức học phí khổng lồ này, nhiều phụ huynh thậm chí phải vay ngân hàng. Như chị Lee, phụ huynh có con muốn thi lại đại học lần thứ 3 để vào trường y, cho biết: “Tôi sẽ phải vay ngân hàng để đăng ký cho con luyện thi”.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục Hàn Quốc, chi phí lao động tăng cao và tỷ lệ sinh thấp là nguyên nhân đẩy chi phí học thêm tăng vọt trong những năm gần đây.

Ông Lim Sung-ho, người đứng đầu trung tâm luyện thi tư nhân Jongro Academy, chia sẻ: “Hiện nay, tiền lương cho giáo viên cùng nhân viên trung bình tăng cao nhưng số lượng học viên đăng ký ngày càng ít nên các trung tâm buộc phải nâng học phí. Chúng tôi hiểu rằng gánh nặng tài chính ngày càng nặng nề đối với phụ huynh”.

Số khác cho rằng, Hàn Quốc sẽ phải mất một thời gian để giảm bớt cơn cuồng “học thêm tư nhân” khi tư tưởng đại học vẫn là con đường quan trọng nhất để thành công còn tồn tại.

Theo Korea Joongang Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.