Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Hội khuyến học VN. Ảnh: gdtd.vn |
Ông Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, qua 14 năm xây dựng và phát triển, Hội Khuyến học Việt Nam đã thực sự trở thành một tổ chức xã hội đặc thù, một tổ chức quần chúng sâu rộng có mặt tại 100% tỉnh, thành, huyện, thị, xã, phường và nhanh chóng lan tỏa xuống tận thôn, làng, bản, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang... với hơn 200.000 chi hội và hàng nghìn cụm dân cư khuyến học. Tổng số hội viên hiện lên tới hơn 7,5 triệu người; 3,5 triệu gia đình được công nhận là “gia đình hiếu học, khoảng 4 vạn dòng họ được công nhận là “dòng họ hiếu học” và xây dựng hàng vạn cụm dân cư khuyến học. Hội đã phối hợp với ngành giáo dục xây dựng được hơn 9.600 Trung tâm Học tập cộng đồng, chiếm hơn 90% tổng số xã, phường trong cả nước.
Cùng với việc xây dựng và phát triển phong trào, Hội đã xây dựng và phát triển quỹ khuyến học, tranh thủ được sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm, các doanh nhân, đoàn thể... để mỗi năm Hội đã cấp học bổng cho 2-2,5 triệu lượt học sinh nghèo. Hiện tổng số tiền trong các loại quỹ khuyến học, tính đến đầu năm 2010 lên tới trên dưới 684,908 tỷ đồng Việt Nam.
Gắn khuyến học với khuyến tài, 5 năm qua Hội đã tổ chức cuộc thi “Nhân tài Đất Việt” hàng năm, phát hiện nhiều nhà khoa học có triển vọng. Các trung tâm trực thuộc Hội đã phối hợp đào tạo hàng ngàn thạc sĩ, cử nhân, góp phần tăng cường đội ngũ trí thức của nước nhà.
Trung ương Hội cũng đã xây dựng thành công Đề tài khoa học cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ giao về “Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam” được Hội đồng cấp Nhà nước đánh giá xuất sắc.
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thưphát biểu chỉ đạo Đại hội. Ảnh: gdtd.vn |
Nhiệt liệt biểu dương những thành tích của Hội Khuyến học trong thời gian qua, Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư cũng đồng thời tán thành phương hướng, nhiệm vụ của Hội đề ra trong nhiệm kỳ IV. Bên cạnh đó Đồng chí Trương Tấn Sang lưu ý thêm: Hội Khuyến học Việt Nam cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có kết quả Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 02/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, cơ chế chính sách biện pháp của Nhà nước về giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí chăm lo bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, làm cho xã hội nhận thức đầy đủ hơn về nhiệm vụ đẩy mạng xây dựng xã hội học tập tạo điều kiện cho mọi người dân được học, học suốt đời, về trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân đối với công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập. Hội cần phải phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục đào tạo với các đoàn thể, các tổ chức xã hội có nhiều hình thức phong phú sáng tạo để động viên khuyến khích giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của nhân dân lao động của đối tượng ngoài nhà trường để ai ai cũng được học tập - học tập suốt đời như mong ước của Bác Hồ kính yêu.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ảnh: gdtd.vn |
Hội tiếp tục cần đẩy mạnh phong trào xây dựng Gia đình hiếu học, Dòng họ khuyến học, cụm dân cư khuyến học, các phong trào này phải thực hiện góp phần xây dựng các mô hình gắn nhà trường, gia đình với xã hội để phát triển nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường, ngoài nhà trường, tích cực tham gia vào việc phổ cập trung học cơ sở, xây dựng xã hội học tập. Từ các cơ sở phải chú ý phát hiện các năng khiếu, tài năng, trong thế hệ trẻ để tổ chức bồi dưỡng, nhân tài phục vụ cho công cuộc đổi mới của đất nước.
Tiếp tục xây dựng phát triển các quỹ khuyến học ở các cấp hội để hỗ trợ giúp đỡ được nhiều hơn nữa các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, người có hoàn cảnh khó khăn không may mắn, tật nguyền có điều kiện được học tập, mang lại sự công bằng trong học tập cho mọi trẻ em. Quỹ khuyến học không chỉ dừng ở công tác khuyến học mà góp phần tạo ra động lực cho công tác khuyến tài, cổ vũ, động viên khuyến khích phát triển tài năng, phát hiện và chăm sóc tài năng của đất nước.
Tiếp tục phát triển tổ chức Hội rộng khắp ở khu dân cư, cơ quan, xí nghiệp, trường học và luôn nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp Hội, hướng các hoạt động phong phú, sáng tạo và khơi dậy truyền thống hiếu học của nhân dân, vận động toàn dân xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa tới công tác bồi dưỡng cán bộ hội, nhất là cho cán bộ ở địa bàn công tác hội còn yếu. Cần chú ý động viên bồi dưỡng tạo điều kiện để cán bộ khuyến học có thể phát huy hơn nữa trí tuệ, tâm huyết, sức lực cho hoạt động khuyến học phát huy kinh nghiệm, uy tín của các đồng chí cao tuổi nhưng vẫn luôn hết lòng với công tác khuyến học, đồng thời tích cực chuẩn bị lực lượng kế cận cho công tác này về lâu dài.
Nhân dịp này, Đồng chí Trương Tấn Sang cũng đề nghị cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể ở các cấp, các ngành, các địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Khuyến học hoạt động có hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Huân chương Lao động Hạng nhất cho Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: gdtd.vn |
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng có những lưu ý quan trọng đối với Hội Khuyến học Việt Nam tại Đại hội. Đó là, Hội cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 02/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh khuyến học khuyến tài; tiếp tục xây dựng các quỹ khuyến học, góp phần tạo động lực cho công tác khuyến tài; tiếp tục phát triển tổ chức hội rộng khắp ở các khu dân cư, trường học, cơ quan...
Cũng tại Đại hội, Hội Khuyến học VN đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ 2005 – 2009 góp phần và sự nghiệp xây dựng CNXH, bảo vệ tổ quốc.
Chiều nay, Đại hội sẽ tiếp tục làm việc, báo cáo kết quả bầu BCH, Ban thường vụ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ban kiểm tra trung ương Hội khóa IV, chủ tịch Hội đồng quỹ khuyến học và thông qua Nghị quyết Đại hội.
Trong thư chúc mừng Đại hội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: Đại hội lần thứ IV Hội Khuyến học Việt Nam tiến hành ngay trước thềm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là điều rất có ý nghĩa. Tôi xin gửi tới Đại hội lời chào mừng trân trọng, tới các Đại biểu lời thăm hỏi và những tình cảm thân thiết. Gần 15 năm qua, Hội đã phát triển nhanh chóng về số lượng hội viên và tổ chức Hội. Với hơn 7,5 triệu hội viên và trên 230.000 tổ chức cơ sở, Hội đã có mặt ở hầu hết mọi địa bàn dân cư. Cuộc vận động khuyến học, khuyến tài đã thực sự trở thành một phong trào nhân dân rộng khắp. Đâu đâu cũng có những người làm khuyến học đồng tâm huyết, ở địa phương nào cũng xuất hiện ngày càng nhiều gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học do Hội phát động và xây dựng. |
Đại hội Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ IV đã bầu Ban chấp hành khóa mới gồm 108 người. Ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm kỳ III tái đắc cử Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm kỳ IV (2010 - 2015). Đại hội đã bầu 8 Phó Chủ tịch, trong đó bốn Phó chủ tịch tái đắc cử gồm: ông Phạm Tất Dong (kiêm Tổng Thư ký), Trần Tình, Trần Xuân Nhĩ, Lương Ngọc Toản; bốn Phó Chủ tịch mới gồm: ông Nguyễn Mậu Bành, Trần Quang Quý, Nguyễn Văn Hiệu, Phạm Thanh Phong. Đại hội suy tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam. |
Hiếu Nguyễn