Chuẩn bị chu đáo
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác đã đến kiểm tra một số lớp học trực tiếp. Tại đây, Thứ trưởng đã lì xì giảng viên và sinh viên. Dành thời gian nói chuyện, trao đổi với sinh viên, Thứ trưởng nhắn nhủ, việc trở lại trường để học trực tiếp là cần thiết. Vì thế, các em khắc phục khó khăn để có kết quả cao trong học tập. Cùng với đó, đề cao ý thức: Vừa học, vừa phòng chống tốt dịch bệnh.
Sinh viên Bùi Thị Hương Chi - lớp Quản trị Marketing chất lượng cao – bộc bạch: "Em thấy rất vui khi được trở lại trường, gặp lại các bạn và thầy cô trên lớp học, giảng đường chứ không phải qua màn hình máy tính.
Thời gian học online khá dài nên em cũng quen dần với phương thức này. Nay quay trở lại học trực tiếp nên em phải thích nghi và làm quen với nhiều kỹ năng, trong đó có việc dậy sớm để đi học từ lúc 6h45 mỗi sáng".
Hương Chi cho biết, đến trường, ngoài khẩu trang, còn trang bị cho mình găng tay y tế, chai xịt khuẩn nhỏ. “Em rất yên tâm trở lại trường vì nhà trường đã có các biện pháp phòng chống dịch đầy đủ, chu đáo” – Hương Chi chia sẻ.
Báo cáo tại buổi làm việc, GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân – cho biết, từ trước Tết Nguyên đán, nhà trường đã xây dựng đề án, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đón sinh viên trở lại học tập trung bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Hiện có khoảng 50% sinh viên trở lại trường học trực tiếp. Sáng nay (14/2), sinh viên đã bước vào buổi học trực tiếp đầu tiên sau thời gian dài học online. Để sinh viên yên tâm học tập, nhà trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất, và các điều kiện đảm bảo an toàn khi đón sinh viên trở lại trường học.
Theo đó, nhà trường đã bố trí sẵn sàng 256 phòng học, 534 phòng ở kí túc xá đáp ứng cho 2.800 sinh viên. Đồng thời, bổ sung 1 phòng trực y tế học đường để xử lý các vấn đề y tế phát sinh trong giảng dạy, học tập tại khu vực giảng đường.
Ngoài ra, nhà trường bố trí khu vực cách ly điều trị tại chỗ tạm thời đối với sinh viên F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; F1 tại 2 khu nhà, có vệ sinh khép kín. Cùng với đó là chuẩn bị đầy đủ các thiết bị, sản phẩm phòng dịch như: Máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang… Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, xử lý khi có F0 xảy ra.
Vừa dạy học, vừa phòng chống dịch bệnh
Tại buổi làm việc, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT ghi nhận công tác chuẩn bị chu đáo của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân khi tổ chức đón sinh viên trở lại học tập trung. Đoàn công tác ghi nhận cách làm sáng tạo của trường khi xây dựng các App quản lý cán bộ, giảng viên và sinh viên.
Sau khi đi kiểm tra thực tế một số lớp học, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, việc tổ chức cho sinh viên trở lại trường học tập trung là cần thiết. Đó vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của nhà trường và cán bộ, giảng viên, sinh viên.
Theo thứ trưởng, thời gian qua, các cơ sở giáo dục đại học nói chung và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nói riêng đã thực hiện tốt việc dạy – học thông qua hình thức trực tuyến. Cùng với đó, bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh an toàn. Nhờ đó mà các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học vẫn được duy trì.
Nhắc lại khuyến cáo của UNICEF và UNESCO: “Trong đại dịch, nơi đóng cửa muộn nhất là trường học và nơi mở cửa sớm nhất cũng là trường học”; Thứ trưởng cho rằng, trong bối cảnh mới, chúng ta vừa phải sống chung với dịch bệnh, vừa phải làm tốt những công tác khác. Trong đó, giáo dục và đào tạo mang một sứ mạng to lớn là: Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao cho đất nước.
Chúng ta đã tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp rất tốt trong thời gian qua, nhưng vai trò của nhà trường không chỉ là giảng dạy, mà còn giúp sinh viên phát triển nhân cách, năng lực và kỹ năng nghề nghiệp.
Thứ trưởng đề nghị, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh. Quyết tâm cao hơn nữa trong việc đón sinh viên trở lại trường học tập trung. Điều này phải được thể hiện bằng hành động và ý chí, trách nhiệm.
Theo Thứ trưởng, song song với công tác đào tạo, nhà trường cần làm tốt công tác truyền thông nội bộ, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện phương án, kịch bản ứng phó nếu có F0; sẵn sàng thích ứng và tổ chức các hoạt động đào tạo hợp lý.
Trên cơ sở đó, cán bộ, giảng viên và người học sẽ yên tâm trở lại trường; quan trọng là bản thân mỗi cá nhân sẽ có ý thức, trách nhiệm trong giảng dạy, học tập và phòng chống dịch bệnh.