Có địa phương hạn chế tối đa việc mở cửa rồi lập tức đóng khi có ca F0. Có nhiều trường học dù đóng chân trên địa bàn phường có mức độ dịch 1 - 2 vẫn phải chuyển sang dạy – học trực tuyến vì thiếu giáo viên đủ điều kiện dạy trực tiếp.
Trường mở cửa - học sinh bị “khóa”
Kể từ ngày 28/11, các trường THPT ở Đà Nẵng đón HS lớp 10 trở lại trường học trực tiếp cho đến nay. Nhưng Nguyễn Xuân Phú, học sinh lớp 10/11, Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu) chỉ mới tham gia học trực tiếp đúng 2 tuần đầu tiên. Sau đó, khi phường Nại Hiên Đông – nơi gia đình em đang ở nâng mức độ dịch lên ở mức 3, Phú phải chuyển sang học trực tuyến. Dù em đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.
Những học sinh cư trú ở địa bàn vùng cam và vùng đỏ như Phú, được nhà trường biên chế thành một lớp trực tuyến theo khối. Thầy Nguyễn Quang Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh - cho biết: “Thời gian đầu, nhà trường cử giáo viên bộ môn của mỗi lớp gửi bài và hướng dẫn học sinh học.
Tuy nhiên, nhận thấy thời gian học trực tuyến của các em kéo dài, giáo viên rất vất vả khi vừa dạy trực tiếp vừa hướng dẫn học sinh học trực tuyến nên trường thay đổi cách thức tổ chức. Theo đó, tùy theo số lượng học sinh, trường phân công từ 1 - 2 giáo viên chuyên dạy trực tuyến. Giáo viên bộ môn của các lớp sẽ có trách nhiệm rà soát lại kiến thức và tổ chức kiểm tra, đánh giá để có một mặt bằng chung cùng với lớp học trực tiếp”.
Cũng cư trú tại phường Nại Hiên Đông, thời gian phải học trực tuyến của em Lê Đăng Quốc, HS lớp 11/5, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà) nhiều hơn tham gia học trực tiếp cùng các bạn ở lớp. Quốc học theo thời khóa biểu cùng với các bạn đang học trực tiếp ở trường. “Do chỉ có một camera quay về phía bục giảng nên tuy không nhìn thấy được các bạn trong lớp học nhưng em vẫn được nghe thầy, cô giáo giảng bài và các bạn phát biểu” – Quốc cho biết.
Thỉnh thoảng, Quốc phải tham khảo thêm slide bài giảng của thầy cô giáo gửi qua nhóm học tập vì chất lượng đường truyền không đảm bảo. “So với học trực tiếp với cả lớp, việc học trực tuyến trong khi phần đông các bạn đang học trực tiếp tâm lý khác hẳn, không có nhiều sự hào hứng” – Quốc kể.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, Trường THPT Phan Châu Trinh có khoảng 1.500 HS, chiếm gần một nửa tổng số HS của toàn trường, đang cư trú tại các địa phương có cấp độ dịch ở mức 3 và 4. Những học sinh này chỉ có thể tham gia học online để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Bị động trong chuyển đổi hình thức tổ chức dạy - học
Học sinh chuyển sang học trực tuyến nhiều, cộng với việc không đủ giáo viên để bố trí dạy học trực tiếp, từ ngày 7 - 13/2, Trường THPT Phan Châu Trinh chuyển sang dạy học trực tuyến trong toàn trường.
Thầy Nguyễn Quang Hưng cho hay: Nhà trường không đủ giáo viên để bố trí thời khóa biểu cho cả 2 phương thức dạy học song song do số thầy, cô giáo sinh sống ở vùng có cấp độ dịch mức 3 và 4 quá nhiều. Đơn cử như Tổ Giáo dục công dân của nhà trường, có 6/8 giáo viên cư trú ở phường có cấp độ dịch ở mức 3. Con số này của Tổ Ngữ văn là 16/24 giáo viên.
Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà), Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu) cũng chuyển sang dạy học trực tuyến trong toàn trường ở tuần học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám - thông tin: “Số giáo viên, học sinh là F1, F0 và giáo viên, học sinh sinh sống ở vùng 3, 4 của trường khá nhiều nên nhà trường quyết định tạm thời sẽ quay lại hình thức dạy – học trực tuyến”.
Trường THCS Nguyễn Huệ có 40 giáo viên đang sinh sống ở địa phương vùng cam và vùng đỏ, chiếm 50% số giáo viên toàn trường. Theo như hướng dẫn của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, những giáo viên này không được tham gia dạy học trực tiếp. “Do trường có đông giáo viên nên có thể xoay xở, bố trí giáo viên dạy thay được.
Nhưng với những trường mà các tổ chuyên môn có ít giáo viên thì sẽ rất khó khăn” – thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng nhà trường nhận xét. Trường THCS Nguyễn Huệ cũng biên chế mỗi khối có một lớp học trực tuyến cho những học sinh là F1, F0 hoặc đang cư trú ở vùng cam theo học. Lớp học này sẽ do các thầy, cô giáo không thể đứng lớp trực tiếp được vì ảnh hưởng dịch bệnh đảm nhận giảng dạy.
Trong khi đó, ngay từ đầu năm học 2021 – 2022, Quảng Nam không căn cứ vào mức độ dịch theo xã, phường để phân công giáo viên đứng lớp. Theo đó, một số địa phương chỉ quy định, sau kỳ nghỉ hè và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, những giáo viên từ vùng có dịch trước khi về lại nơi công tác đều phải thực hiện test nhanh
Covid-19. Thậm chí, trước khai giảng năm học 2021 - 2022, dù Đà Nẵng đang thực hiện phong tỏa cứng ở cấp độ cao “ai ở đâu, ở yên đấy”, UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý với chủ trương của thị xã Điện Bàn, thực hiện đón giáo viên đang ở tại Đà Nẵng ở chốt kiểm dịch giáp ranh để test nhanh. Sau 14 ngày thực hiện cách ly đúng yêu cầu, những giáo viên này đủ điều kiện để dạy – học trực tiếp.
Ông Nguyễn Ngọc Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi - cho biết: Sau Tết Nguyên đán 2022, khi thực hiện mở cửa trường học, Quảng Ngãi không quy định các điều kiện đứng lớp của giáo viên dựa trên cấp độ dịch của địa bàn cư trú. Theo ông Thái, hầu hết giáo viên đã được tiêm vắc-xin mũi 3. Một số trường học thậm chí còn tổ chức test nhanh cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường trước khi đón học sinh trở lại trường học trực tiếp. Với những giáo viên có triệu chứng, họ đều tự test nhanh trước khi được cơ quan y tế test khẳng định. “Với những lớp học có ca F0, sẽ thực hiện test cho học sinh, nếu âm tính hết thì trở lại học trực tiếp bình thường”.