Mở cửa trường học: Địa phương chần chừ khiến học sinh ảnh hưởng

GD&TĐ - Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các địa phương trên cả nước đã đồng loạt mở cửa trường học. Tuy nhiên, mỗi nơi mỗi kiểu, còn thể hiện sự đắn đo và thiếu quyết liệt, khiến phụ huynh và học sinh vui chưa trọn.

Học sinh hân hoan ngày đầu trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến. Ảnh: gdtd.vn
Học sinh hân hoan ngày đầu trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến. Ảnh: gdtd.vn

Nhiều học sinh thèm đi học

Trong khi nhiều địa phương mở đón học sinh tất cả bậc học đến trường, vẫn còn nhiều địa phương đang tuỳ theo tình hình dịch bệnh. Không ít tỉnh/thành mở cửa từng khối lớp, khiến đi học trở thành giấc mơ của nhiều học sinh trong cùng một trường.

Em Bảo Minh – học sinh một trường THCS tại nội thành Hà Nội - chia sẻ: Thấy chị gái lớp 8 được đi học sau nghỉ Tết em thèm lắm. Buổi đầu tiên đi học tại trường sau 2 kỳ học trực tuyến, chị em kể bao nhiêu chuyện vui khi gặp lại bạn bè và thầy, cô giáo. Bản thân em và các bạn cùng lớp chưa được gặp mặt nhau lần nào. Chúng em cũng mới chỉ được gặp các thầy, cô giáo qua màn hình máy tính vì chúng em là học sinh đầu cấp.

“Em mong từng ngày được đến trường học tập. Em được mẹ cho tập dượt tự đạp xe đi học rất nhiều lần. Sáng nay, cô giáo chủ nhiệm đồng thời cũng dạy môn Toán cho các anh chị lớp 8 có quay đoạn video khoảng mấy chục giây giới thiệu lớp học và không khí học trực tiếp của các anh chị khiến cả lớp mong mình được đến trường như thế” – em Bảo Minh nói.

Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh, học trực tuyến, dù các em vẫn được nhìn thấy cô thầy, gặp gỡ với các bạn qua màn hình máy tính, điện thoại, song không thể nào có được không khí lớp học, để sống đúng với thế giới học trò. Các em không được cùng nhau tham gia hoạt động bình thường như rủ nhau xuống căng tin, cùng nhau chơi cầu lông, bóng chuyền trong sân trường hay sau giờ học lại tập trung nói về một cuốn sách, một bộ phim hay đang xem. Giao lưu, tiếp xúc với thầy cô, bạn bè cùng trang lứa là nhu cầu chính đáng và vô cùng quan trọng đối với sự phát triển tâm sinh lý của học sinh.

Cô Quách Thị Phương Thanh, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực, Ba Đình, Hà Nội, đồng thời là phụ huynh của 2 con đang tuổi THCS và THPT, chia sẻ: “Học online đã thực hiện thành công vai trò của mình trong tình huống bất khả kháng, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh và trẻ chưa được tiêm vắc-xin.

Tuy nhiên, hiện tại, khả năng kiểm soát dịch bệnh cũng như các điều kiện chuẩn bị khác đã tốt hơn rất nhiều nên việc mở cửa trường học đón học sinh là điều cần thực hiện sớm, giảm thiểu thiệt thòi cho các em. Bản thân học sinh cũng đã được bồi dưỡng kiến thức và ý thức rất rõ nhiệm vụ phòng chống dịch nên cũng đã sẵn sàng “sống chung với Covid-19” và mong ngày trở lại trường học tập cùng thầy cô và bạn bè”.

Thầy và trò trong buổi học đầu tiên khi trở lại trường học trực tiếp. Ảnh: gdtd.vn
Thầy và trò trong buổi học đầu tiên khi trở lại trường học trực tiếp. Ảnh: gdtd.vn

Hãy cho trẻ cuộc sống bình thường

TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, mới đây đã công bố số liệu đánh giá về mức độ ảnh hưởng tâm lý do dịch bệnh và học online, dựa trên kết quả nghiên cứu hơn 20 nghìn học sinh trên toàn quốc khi các em trải qua 6 tháng học trực tuyến.

Theo đó, có 65,1% học sinh có biểu hiện stress với nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ, trung bình, đến nặng và rất nặng. Trong số này, có 32,9% học sinh ở tình trạng stress nặng và rất nặng; 41,8% học sinh có biểu hiện rối loạn lo âu ở các mức độ khác nhau, trong đó có 14,3% ở mức nặng và rất rặng; 34,4% học sinh có biểu hiện rối loạn trầm cảm ở các mức độ khác nhau, trong đó có 8,3% ở mức nặng và rất rặng.

TS Hoàng Trung Học cho rằng, một trong những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng trên là học sinh cần sớm được đến trường. Trẻ chỉ bình thường khi được điều hòa hoạt động.

Chuyên gia tâm lý, TS Vũ Thu Hương nhìn nhận: Sau Tết, các trường nhận được thông báo mở cửa trường dưới nhiều góc độ khác nhau. Từ các thông báo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT các tỉnh đã bàn bạc, tìm cách để việc đến trường của trẻ được diễn ra an toàn.

Nhiều nơi đã có các sáng kiến để đảm bảo an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, cũng có chỗ, việc đến trường của trẻ lại trở thành gánh nặng cho chính trẻ và gia đình. Một số địa phương, việc đi học trực tiếp diễn ra vào buổi sáng, còn buổi chiều thì các con vẫn học online ở nhà. Đây là việc hết sức nhiêu khê mà không có giá trị bảo đảm phòng dịch.

Các sở GD&ĐT muốn giảm thời gian học trực tiếp ở trường của trẻ để việc bùng dịch ít khả năng xảy ra. Tuy nhiên, thực tế nếu trẻ đã gặp gỡ nhau trong suốt buổi sáng hay buổi chiều, việc lây nhiễm khó tránh khỏi. Với học sinh đã tiêm phòng, điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo 5K. Trong đó, giãn cách vẫn là phương án cần được quan tâm. Thế nhưng, cả lớp học chung với nhau trong cả buổi sáng thì việc lây lan nếu có F0 trong lớp là rất khó tránh khỏi.

“Ngay từ đầu dịch năm 2020, tôi đã đề xuất phương án cho từng nhóm nhỏ học sinh đến trường cả ngày học thay vì cả trường. Nhóm nhỏ đó sẽ học tiếp online vào các ngày học khác để dành trường sở cho nhóm học sinh khác đến lớp. Việc này sẽ bảo đảm an toàn phòng dịch hơn phương án hiện nay là nửa ngày trực tiếp, nửa ngày online.

Hiện nay, độ phủ vắc-xin và các biện pháp bảo đảm an toàn đã tốt hơn, phương án nửa trực tiếp, nửa online là phương án không đem lại bất kể hiệu quả gì cho việc phòng dịch mà lại khiến việc học tập của trẻ gặp khó khăn hơn. Trẻ di chuyển giữa giờ cũng gây ra khó khăn cho cha mẹ. Các trường lo lắng việc bán trú liên quan đến ăn ngủ tại trường sẽ khó giữ an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, trẻ đi quán ăn cùng gia đình cũng sẽ phải đối diện với vấn đề này… Đã đến lúc, chúng ta trả lại cho trẻ tất cả những bình thường theo quyền của các em” – TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

“Tỷ lệ tiêm vắc-xin cho người lớn và trẻ em từ 12 - 17 tuổi của Việt Nam ở mức cao, đạt miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng trước dịch bệnh cũng được nâng cao. Qua những đợt dịch bùng phát, nhóm tuổi thanh thiếu niên cũng được trang bị kiến thức phòng chống dịch Covid-19 khi tham gia vào hoạt động cộng đồng hoặc trong môi trường học tập. Đó là những cơ sở có thể bảo đảm an toàn khi các trường học mở cửa trở lại.
Với trẻ ở độ tuổi từ 5 - 11 chưa được tiêm cần tăng cường truyền thông để phụ huynh an tâm cho con trở lại trường. Bởi lẽ, lợi ích của việc trẻ được đến trường lớn hơn nhiều so với cho trẻ ở nhà” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.