Quy trình 5 bước thiết kế bài giảng e-learning

GD&TĐ - Tại hội thảo“Ứng dụng CNTT tạo bài giảng mầm non sáng tạo”, ThS Trần Nguyên Hương (Trường CĐSP Trung ương) chia sẻ quy trình thiết kế bài giảng e-learning, bắt đầu từ xác định mục tiêu bài học, chọn kiến thức, tìm kiếm tư liệu, lựa chọn phần mềm hỗ trợ thiết kế, chạy thử, chỉnh sửa để hoàn thiện.

Quy trình 5 bước thiết kế bài giảng e-learning

ThS Trần Nguyên Hương cho rằng, quy trình xây dựng bài giảng trực tuyến gồm 5 bước cơ bản, đó là: Xác định mục tiêu và kiến thức cơ bản của bài học; Xây dựng kho tư liệu phục vụ cho bài học; Xây dựng kịch bản dạy học; Lựa chọn công cụ và số hóa kịch bản; Chạy thử chương trình, sửa chữa và đóng gói bài giảng.

Để thực hiện xây dựng bài giảng cần có sự tham gia của giáo viên và nhóm cán bộ hỗ trợ kỹ thuật (nhóm cán bộ hiểu biết về CNTT và các công cụ thiết kế bài giảng). Tuy nhiên, người giáo viên có kỹ năng CNTT tốt thì có thể đóng vai trò của cán bộ kỹ thuật.

Quy trình xây dựng bài giảng e-learning được ThS Trần Nguyên Hương chia sẻ như sau:

Xác định mục tiêu và kiến thức cơ bản của bài học

Người thực hiện là giáo viên và tổ bộ môn. Lưu ý, bám sát nội dung chương trình; nghiên cứu kỹ giáo trình và tài liệu tham khảo; xác định nội dung trọng tâm.

Trong dạy học hướng tập trung vào học sinh, mục tiêu phải chỉ rõ học xong bài, học sinh đạt được cái gì. Mục tiêu ở đây là mục tiêu học tập, chứ không phải là mục tiêu giảng dạy, tức là chỉ ra sản phẩm mà học sinh có được sau bài học.

Người thực hiện cần đọc kĩ sách giáo khoa, kết hợp với các tài liệu tham khảo để tìm hiểu nội dung của mỗi mục trong bài và cái đích cần đạt tới của mỗi mục. Trên cơ sở đó xác định đích cần đạt tới của cả bài về kiến thức, kĩ năng, thái độ. Đó chính là mục tiêu của bài.

Những nội dung đưa vào chương trình và sách giáo khoa, giáo trình được chọn lọc từ khối lượng tri thức đồ sộ của khoa học bộ môn, được sắp xếp một cách lôgíc, khoa học, đảm bảo tính sư phạm và thực tiễn cao.

Bởi vậy, cần bám sát vào chương trình dạy học và sách giáo khoa và giáo trình bộ môn. Căn cứ vào đó để lựa chọn kiến thức cơ bản là nhằm đảm bảo tính thống nhất của nội dung dạy học.

Mặt khác, các kiến thức trong sách giáo khoa, giáo trình đã được qui định để dạy học. Do đó, chọn kiến thức cơ bản là chọn kiến thức ở trong đó chứ không phải là ở tài liệu nào khác.

Tuy nhiên, để xác định được đúng kiến thức cơ bản mỗi bài, giáo viên cần phải đọc thêm tài liệu, sách báo tham khảo để mở rộng hiểu biết về vấn đề cần giảng dạy và tạo khả năng chọn đúng kiến thức cơ bản.

Việc chọn lọc kiến thức cơ bản của bài dạy học có thể gắn với việc sắp xếp lại cấu trúc của bài để làm nổi bật các mối liên hệ giữa các hợp phần kiến thức của bài, từ đó rõ thêm các trọng tâm, trọng điểm của bài. Việc làm này thực sự cần thiết, tuy nhiên không phải ở bài nào cũng có thể tiến hành được dễ dàng.

Cũng cần chú ý việc cấu trúc lại nội dung bài phải tuân thủ nguyên tắc không làm biến đổi tinh thần cơ bản của bài mà các tác giả sách giáo khoa, giáo trình đã dày công xây dựng.

Xây dựng kho tư liệu phục vụ bài giảng

Người thực hiện là giảng viên và nhóm kỹ thuật. Nguồn tư liệu này thường được lấy từ một phần mềm dạy học nào đó hoặc từ internet,... hoặc được xây dựng mới bằng đồ hoạ, bằng ảnh quét, ảnh chụp, quay video, bằng các phần mềm đồ hoạ chuyên dụng như Macromedia Flash, Photoshop, các phần mềm cắt ghép nhạc, chỉnh sửa video...

Khi tiến hành, cần chọn lựa các phần mềm dạy học có sẵn cần dùng đến trong bài học để đặt liên kết. Xử lý các tư liệu thu được để nâng cao chất lượng về hình ảnh, âm thanh. Khi sử dụng các đoạn phim, hình ảnh, âm thanh cần phải đảm bảo các yêu cầu về mặt nội dung, phương pháp, thẩm mỹ và ý đồ sư phạm.

Sau khi có được đầy đủ tư liệu cần dùng cho bài giảng điện tử, phải tiến hành sắp xếp tổ chức lại thành thư viện tư liệu, tức là tạo được cây thư mục hợp lý. Cây thư mục hợp lý sẽ tạo điều kiện tìm kiếm thông tin nhanh chóng và giữ được các liên kết trong bài giảng đến các tập tin âm thanh, video clip khi sao chép bài giảng từ ổ đĩa nay sang ổ đĩa khác, từ máy này sang máy khác.

Xây dựng kịch bản bài giảng

Người thực hiện là giảng viên và nhóm kỹ thuật. Ở bước này, cần thực hiện chi tiết và cần phải tuân thủ các nguyên tắc sư phạm, nội dung cơ bản, đảm bảo mục tiêu bài học (cả về mặt kiến thức và kỹ năng).

Thực hiện các bước trong các nhiệm vụ dạy học: Xây dựng các bước dạy học, xây dựng sự tương tác người dạy và người học, xây dựng các câu hỏi tương tác, lắp ghép các bước lại thành quá trình dạy học.

Lựa chọn công cụ và số hóa kịch bản

Người thực hiện là giảng viên và nhóm kỹ thuật. Tiêu chí cần căn cứ vào nhu cầu của người sử dụng, căn cứ vào nguồn tài chính, căn cứ vào trình độ của cán bộ kỹ thuật sử dụng công cụ như thế nào.

Các công cụ: có nhiều công cụ, chẳng hạn Adobe Presenter, Lecture Marker, iSpring,…tuy nhiên một phần mềm được nhiều giáo viên sử dụng đó là Adobe Presenter vì nó có khả năng tích hợp với Powerpoint nên nó tạo ra tính thân thiện và gần gũi đối với giảng viên.

Các bước để số hóa kịch bản: Xây dựng được bài giảng bằng MS Powerpoint. Quá trình xây dựng phải đảm bảo các bước trong quá trình dạy học; Ghi âm, thu hình (quay video giảng viên giảng bài); Biên tập video, âm thanh; Sử dụng phần mềm để đồng bộ bài giảng.

Chạy thử chương trình, sửa chữa và đóng gói sản phẩm

Người thực hiện là nhóm kỹ thuật. Công việc gồm: chạy thử chương trình, kiểm soát lỗi và chỉnh sửa bài giảng. Sau đó, đóng gói bài giảng theo định dạng phù hợp với mục đích yêu cầu. Kết thúc bước này ta đã có sản phẩm bài giảng trực tuyến.

Trong mỗi bước của quy trình trên, người thực hiện có thể là giảng viên hoặc nhóm kỹ thuật hoặc cả hai. Cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa giảng viên và nhóm kỹ thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ