Sử dụng phần mềm thiết kế bài giảng điện tử
Hình thức thứ nhất được TS Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ là sử dụng phần mềm thiết kế bài giảng điện tử trợ giúp hoạt động học tập của trẻ.
Các phần mềm thiết kế phổ biến là Microsoft PowerPoint, Kidpix, Vioet, ... Căn cứ vào mục tiêu và nội dung bài dạy, giáo viên sưu tầm, thiết kế các hình ảnh, âm thanh, video minh họa cho bài dạy, thiết kế các câu hỏi củng cố, sử dụng các hiệu ứng giúp tăng cường hứng thú trong quá trình dạy trẻ trên lớp.
Ở đây, giáo viên thường sử dụng phương tiện hỗ trợ là máy chiếu hay tivi màn hình lớn. Hình thức này thường được sử dụng trong hoạt động làm quen với tác phẩm văn học, làm quen với Toán, khám phá môi trường xung quanh và được tích hợp trong tất cả các chủ đề ở trường mầm non như chủ đề Bản thân, chủ đề Nghề nghiệp, chủ đề Quê hương - đất nước,…
Tổ chức cho trẻ hoạt động với máy tính
Hình thức thứ hai được TS Nguyễn Mạnh Tuấn gợi ý là tổ chức cho trẻ hoạt động với máy vi tính trong phòng hoạt động riêng.
Từ 2-3 trẻ trên một máy vi tính, trẻ phân lượt hay cùng chơi, thời gian hoạt động với máy vi tính không quá 30 phút.
Máy vi tính được cài đặt các phần mềm trò chơi có tác dụng giáo dục như Kidsmart, Happy Kid, Bút chì thông minh, Monkey junior, Leaming English, Tangram…
Phòng được thiết kế thoáng mát, máy tính phù hợp với trẻ mầm non như máy tính có nhiều màu sắc, bàn phím mềm, ghế ngồi thấp,…
Giáo viên tổ chức cho trẻ 1-2 buổi/1 tuần. Lưu ý rằng với hình thức này giáo viên lựa chọn các phần mềm có tác dụng giáo dục, phù hợp với nội dung chương trình theo lứa tuổi và không để trẻ chơi một cách tự do.
Việc để 2-3 trẻ chung một máy tính giúp trẻ có cơ hội rèn luyện các kĩ năng xã hội như phân lượt chơi, hướng dẫn nhau chơi, cùng hợp tác giải quyết vấn đề.
Sử dụng máy tính trong hoạt động động góc
Với hình thức này, TS Nguyễn Mạnh Tuấn gợi ý: Trong lớp có thể có 1 máy vi tính hoặc 1 -2 Ipad, giáo viên tổ chức cho nhóm nhỏ 4-5 trẻ cùng chơi với phần mềm có nội dung học tập. Trẻ có thể tự phân lượt chơi hay hợp tác cùng chơi với phần mềm.
Với việc ngày càng nhiều lớp học có sử dụng mạng wifi, giáo viên có thể khai thác nhiều phần mềm từ mạng internet cũng như cải thiện khả năng “giao tiếp” với máy vi tính, ipad bằng tiếng Anh.
Lưu ý rằng, ipad dễ sử dụng với trẻ hơn máy vi tính thông thường hay máy tính xách tay, vì trẻ chỉ cần sử dụng các đầu ngón tay để điều khiển các hình ảnh, nhân vật,... mà không cần các biểu tượng trên bàn phím như máy vi tính thông thường.
Giúp trẻ tự tìm kiếm thông tin, hình ảnh
Hình thức thứ tư, theo TS Nguyễn Mạnh Tuấn, là giáo viên giúp trẻ tự tìm kiếm thông tin, hình ảnh trên Youtube, Google,... Theo hình thức này, trẻ tích cực, chủ động tham gia vào quá trình tìm kiếm và xử lý thông tin.
Hiện nay, công cụ tìm kiếm bằng giọng nói trở nên khá phổ biến, trẻ mầm non có thể sử dụng cách thức này trong việc lựa chọn hình ảnh, video giúp trẻ khám phá môi tnrờng xung quanh hay những chủ đề, nội dung trẻ quan tâm.
Giáo viên sử dụng các thiết bị số
Hình thức thứ năm là giáo viên sử dụng các thiết bị số như máy ảnh, camera, điện thoại trong quá trình quan sát, ghi hình ảnh, video giúp đánh giá trẻ ở trường mầm non.
Hình ảnh, đoạn video về hoạt động của trẻ là minh chứng rõ ràng cho sự tiến bộ của trẻ ở trường mầm non, từ đó giáo viên có thể có những điều chiỉnh, thay đổi trong kế hoạch giáo dục trẻ.
Giáo viên sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo,… trong phối hợp với gia đình, thông tin những hoạt động hàng ngày của trẻ ở trường mầm non, dự kiến những kế hoạch giáo dục tiếp theo của trẻ; những chia sẻ mang tính tích cực về quá trình giáo dục trẻ ở trường mầm non, cũng như khuyến khích phụ huynh tham gia vào các hoạt động của trẻ ở trường mầm non.