Đảm bảo an toàn cho trẻ trong môi trường CNTT
TS Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Trưởng khoa Giáo dục Mầm non (Trường ĐHSP Hà Nội) – cho rằng, việc ứng dụng CNTT phải phù hợp với những nguyên tắc cơ bản trong giáo dục mầm non.
Bên cạnh đó, giáo viên cần nhận thức đúng đắn về sức khỏe và đảm bảo an toàn cho trẻ trong môi trường giáo dục có sử dụng CNTT; bao gồm chú ý sự phát triển thể chất, tình cảm, quan hệ xã hội, phát hiện những hành vi bất thường của trẻ; kiểm soát nội dung trẻ tiếp cận từ máy vi tính, điện thoại; không chơi các trò chơi bạo lực, những hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi… Bên cạnh đó, cần đảm bảo quyền riêng tư như thông tin cá nhân và gia đình trẻ, hình ảnh của trẻ…
Gợi ý những hình thức sử dụng CNTT trong lớp học trường mầm non, TS Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, giáo viên có thể sử dụng phần mềm thiết kế bài giảng điện tử trợ giúp hoạt động học tập của trẻ. Các phần mềm thiết kế phổ biến là Microsoft PowerPoint, Kidpix, Vioet…
Hình thức thứ 2 là tổ chức cho trẻ hoạt động với máy tính trong phòng hoạt động riêng, từ 2 – 3 trẻ trên một máy vi tính. Giáo viên cũng có thể sử dụng iPad, máy vi tính trong hoạt động vui chơi (hoạt động góc) của trẻ ở trường mầm non; hoặc giúp trẻ tự tìm kiếm thông tin, hình ảnh trên YouTube, Google.
Cũng có hình thức khác, giáo viên sử dụng các thiết bị số như máy ảnh, camera, điện thoại trong quá trình quan sát, ghi hình ảnh, video giúp đánh giá trẻ ở trường mầm non. Hình ảnh, đoạn video về hoạt động của trẻ là minh chứng rõ ràng cho sự tiến bộ của trẻ ở trường mầm non; từ đó, giáo viên có thể có những điều chỉnh, thay đổi trong kế hoạch giáo dục trẻ ở trường mầm non.
Không lạm dụng CNTT
Cô Nguyễn Thị Hoan (Trường Mầm non thực hành Hoa Thủy Tiên) từ thực tế giảng dạy cho biết, ở một số trường, giáo viên sử dụng hoàn toàn bài giảng e-learning trong một giờ học. Trẻ chỉ được học qua máy tính mà không được trực tiếp tri giác đồ vật bằng tất cả các giác quan.
Tuy nhiên, tại Trường Mầm non Hoa Thủy Tiên, luôn có sự kết hợp sử dụng giữa e-learning và phương pháp dạy học truyền thống. Bởi trẻ không chỉ cần sự hấp dẫn, mới lạ của máy tính, Internet mà vẫn cần có sự tương tác với giáo viên, với đồ dùng trực quan. Trẻ phải được tri giác sự vật, hiện tượng thông qua tất cả các giác quan thì mới có thể tiếp nhận kiến thức một cách trọn vẹn, tổng thể và khắc sâu. Nếu chỉ được xem qua máy tính với các hình ảnh và âm thanh mà không được sờ, nắm thì trẻ sẽ không có sự tri giác đối tượng bằng xúc giác.
Có băn khoăn rằng, việc sử dụng các thiết bị số làm giảm sự phát triển các kĩ năng xã hội, ngôn ngữ của trẻ. Theo TS Nguyễn Mạnh Tuấn, điều này không đúng mà phụ thuộc vào cách thức, phương pháp giáo viên sử dụng các thiết bị số.
Chẳng hạn, giáo viên tổ chức 1 buổi hoạt động trải nghiệm (buổi sáng) cho trẻ khám phá vườn bách thảo. Trẻ được chơi trò chơi tập thể, vận động theo nhạc, tưới cây, nhặt lá sâu, nhặt rác… Điện thoại, iPad chụp lại những khoảnh khắc trẻ hoạt động.
Buổi chiều, sử dụng phần mềm Shadow puppet tạo ra “bộ phim” trẻ kể về những hoạt động, những việc đã làm ở buổi hoạt động trải nghiệm…