Quy định mới về tách thửa đất tại Bình Dương

GD&TĐ - Từ 1/6/2023, Bình Dương có quy định mới về điều kiện tách thửa, hợp thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.

Quy định mới về tách thửa đất tại Bình Dương

UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quy định về điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa​ bàn.​

Theo đó, từ ngày 1/6/2023, diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất nông nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất là đất phi nông nghiệp tại các phường tối thiểu là 300 m2, tại các thị trấn là 500 m2, tại các xã là 1.000 m2.

Đối với đất nông nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất là đất nông nghiệp, diện tích tối thiểu được phép tách thửa ở phường là 300 m2; ở xã là 1.000 m2. Quy định này được áp dụng tại TP Dĩ An, TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một, TP Tân Uyên và thị xã Bến Cát.

Trong khi đó, tại các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo, diện tích tối thiểu được tách thửa tại thị trấn là 2.000 m2, tại xã là 3.000 m2.

Riêng đất ở diện tích tối thiểu được tách thửa tại phường là 60m2, thị trấn là 80m2, các xã là 100m2.

UBND tỉnh Bình Dương quy định, để thực hiện tách thửa, diện tích thửa đất mới và diện tích còn lại của thửa đất sau khi tách thửa phải lớn hơn hoặc bằng diện tích tối thiểu của từng loại đất tương ứng quy định tại, sau khi đã trừ phần diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ các công trình theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp thửa đất có nhiều loại đất, việc xem xét tách thửa chỉ áp dụng cho một loại đất nếu có đủ điều kiện, sau khi trừ phần diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ các công trình theo quy định.

Còn với thửa đất có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thuộc nhiều loại đất, việc xem xét giải quyết tách thửa nếu có đủ điều kiện tương ứng của một loại đất theo quy hoạch.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo quy định mới ban hành, đối tượng áp dụng gồm tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhu cầu tách thửa, hợp thửa đất; cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục về tách thửa, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân khác có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất; tòa án Nhân dân các cấp khi giải quyết vụ án, cơ quan thi hành án khi tổ chức thi hành án liên quan đến việc tách thửa, hợp thửa đất.

Tuy nhiên, các quy định trên không áp dụng với trường hợp chuyển quyền sử dụng đất trọn thửa; bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà thuộc sở hữu Nhà nước; tách thửa đất để thực hiện quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; đất hiến tặng cho Nhà nước, đất tặng cho đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn để xây dựng nhà ở.

UBND tỉnh Bình Dương cũng quy định điều kiện hợp thửa đất. Cụ thể, người sử dụng đất được hợp thửa đất khi đáp ứng điều kiện: các thửa đất khi hợp thửa phải liền kề nhau; thửa đất hợp thửa phải có cùng mục đích sử dụng đất được ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp; thửa đất được sử dụng vào nhiều mục đích được hợp với thửa đất có từ một mục đích sử dụng trở lên, và phải cùng mục đích sử dụng với thửa đất hợp thửa.

Trước đó, năm 2017, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với các loại đất.

Tuy nhiên, tình trạng phân lô, bán nền vẫn xuất hiện tràn lan, phổ biến trên địa bàn, nguyên nhân là do công tác quản lý nhà nước chưa chặt chẽ.

Tình trạng này gây ra các cơn sốt ảo giá đất, làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng. Ngoài ra, việc phân lô, bán nền đang tạo ra hiện tượng găm giữ đất đai tìm cách "thổi giá", làm lũng đoạn thị trường, gây lãng phí tài nguyên và không tạo ra phát triển kinh tế mà chỉ gây rối cho phát triển kinh tế địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ