Quy định mới về đào tạo tiến sĩ: Sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn đất nước

GD&TĐ- PGS,TS Đặng Quang Định, Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu quan điểm về Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ GD&ĐT vừa ban hành.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành với một số điểm mới so với Quy chế từ năm 2017, đã làm dấy lên những tranh luận, trong đó có sự lo ngại về những thay đổi trong Quy chế mới sẽ làm giảm chất lượng đào tạo tiến sĩ, giảm chất lượng phó giáo sư, giáo sư ở Việt Nam.

Phóng viên: Thưa PGS,TS Đặng Quang Định, theo ông, đâu là điểm mấu chốt dẫn đến sự tranh luận mạnh mẽ trong giới các nhà khoa học về chuẩn đào tạo tiến sĩ theo Quy chế mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành?

PGS,TS Đặng Quang Định: Ngày 28/6 vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Thông tư này đã thu hút nhiều ý kiến trao đổi, nhất là điều kiện đầu ra của nghiên cứu sinh quy định tại Điều 14.

Điều 14 của Thông tư quy định, để bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải “là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus, hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành; các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả), có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án. Yêu cầu tại điểm c khoản này có thể được thay thế bằng minh chứng là tác giả hoặc đồng tác giả của: 1 kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia, quốc tế; hoặc 1 giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia, quốc tế được công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao; có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án”.

Có thể thấy, so với Quy chế năm 2017 thì Quy chế này đã có sự thay đổi. Nếu Quy chế năm 2017 yêu cầu nghiên cứu sinh phải công bố ít nhất 1 bài thuộc ISI/Scopus hoặc tương đương, thì nay không còn bắt buộc, và được thay thế bằng nhiều hình thức khác, như điều 14 quy định.

Phóng viên: Sự thay đổi trong quy định về bài báo, công bố khoa học như tại Điều 14 nêu trên có phải là “hạ tiêu chuẩn” và phải chăng sẽ làm giảm chất lượng đào tạo tiến sĩ, giảm chất lượng phó giáo sư, giáo sư ở Việt Nam, theo như một số ý kiến đang trao đổi gần đây, thưa ông?

PGS, TS Đặng Quang Định: Theo tôi, việc đào tạo tiến sĩ cần có cái nhìn khách quan, trong đó có những công bố quốc tế trong đào tạo tiến sĩ.

Ở nhiều quốc gia, tiến sĩ là học vị do trường đại học cấp cho ứng viên sau đại học, công nhận luận án nghiên cứu của họ đã đáp ứng tiêu chuẩn cao về nhận thức và tri thức. Một là, ứng viên phải có kiến thức chuyên sâu và làm chủ kiến thức về một đề tài khoa học. Hai là, ứng viên phải mở rộng hay phát triển thêm tri thức về đề tài đó. Để làm chủ đề tài nghiên cứu, nghiên cứu sinh phải tìm ra những chủ đề chưa từng ai nghiên cứu. Luận án của ứng viên phải thể hiện một đóng góp mới vào tri thức cho chuyên ngành, nhưng không nhất thiết phải mang tính ứng dụng thực tiễn.

Để bảo vệ thành công luận án, nhiều quốc gia yêu cầu ứng viên phải có những công bố kết quả nghiên cứu ở những mức độ khác nhau: báo cáo, bài báo, chuyên đề… ở phạm vi trong nước hoặc quốc tế. Các công bố này để các nhà khoa học, người quan tâm có thể thẩm định chất lượng của công trình nghiên cứu và luận án của nghiên cứu sinh.

Ở nhiều nước châu Âu, Hoa Kỳ và Australia công bố quốc tế là điều cần thiết trong quá trình học tiến sĩ. Ngày nay, các đại học lớn ở Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc),... cũng có quy định tương tự. Tuy nhiên, số bài báo khoa học cần thiết để có thể bảo vệ luận án tiến sĩ tùy thuộc vào quy định của trường đại học, của khoa chuyên ngành.

Những quy định này rất khác nhau giữa các trường ngay cả trong cùng một nước. Chẳng hạn như trong các khoa xã hội và kinh tế học, yêu cầu bài báo khoa học không được đặt nặng bằng các khoa khoa học tự nhiên và thực nghiệm. Ở Hoa Kỳ, Anh và Australia không có những quy định cứng phải có bao nhiêu bài báo khoa học để viết luận án tiến sĩ. Mặt khác, việc công bố quốc tế của các ứng viên tiến sĩ về vấn đề họ nghiên cứu cũng cần có sự quan tâm, sự đánh giá, chỉ số trích dẫn của những người quan tâm thì công trình đó mới có giá trị.

Nhưng thực tế, theo một nghiên cứu của THE, qua khảo sát khoảng 10 ngàn bài xuất bản từ năm 2012-2016 , gần 77% số bài thuộc lĩnh vực nghệ thuật trình diễn, 75 % bài thuộc the professional health area of pharmacy, 69% bài thuộc lĩnh vực kiến trúc, 44% bài industrial and manufacturing engineering, trên 40% automotive, aerospace and ocean engineering không có trích dẫn nào [1]. Nếu chỉ lấy bài quốc tế làm tiêu chuẩn thì có thể không đánh giá được đầy đủ chất lượng đào tạo tiến sĩ.

Do vậy, nếu chỉ lấy việc có bài quốc tế làm điều kiện để đánh giá trình độ của người thầy và ứng viên tiến sĩ thì có lẽ chưa đầy đủ. Nói cách khác, những công trình nghiên cứu quốc tế cũng không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá trình độ một nền giáo dục của một quốc gia. 

Theo quy chế năm 2017, ứng viên nghiên cứu sinh tại Việt Nam cũng yêu cầu nghiên cứu sinh phải công bố ít nhất 1 bài thuộc ISI/Scopus hoặc tương đương. Theo đó, những năm qua, nhiều ứng viên tiến sĩ phải tập trung viết bài đăng tạp chí quốc tế để đủ điều kiện bảo vệ luận án. Không phủ nhận, có nhiều bài báo có chất lượng tốt, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, mặc dù số lượng các bài báo quốc tế tăng lên, nhưng không ít bài chất lượng còn thấp, không có trích dẫn.  

Thậm chí, nếu chỉ coi các tạp chí quốc tế mới đánh giá được trình độ của người thầy và ứng viên tiến sĩ thì cũng không thật đầy đủ. Hiện nay ở Việt Nam, trong 600 tạp chí được tính điểm theo Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, có nhiều tạp chí khoa học có uy tín quốc tế cao, được các nhà khoa học quốc tế quan tâm, trích dẫn. Nhiều nhà khoa học Việt Nam còn là người thẩm định cho các tạp chí quốc tế. Do vậy, việc thay thế, điều chỉnh về tiêu chuẩn bài báo như Thông tư 18 vẫn phù hợp và không làm giảm chất lượng của luận án.

Phóng viên: Ngoài những nội dung trên, theo ông, việc đào tạo tiến sĩ còn phải tính đến yếu tố nào khác không?

PGS,TS Đặng Quang Định: Theo tôi, việc đào tạo tiến sĩ cũng cần có quan điểm lịch sử - cụ thể.

Về trình độ của nghiên cứu sinh, có thể coi công trình luận án của nghiên cứu sinh chỉ là bước đầu trên con đường trở thành một nhà khoa học. Luận án là công trình để hướng tới việc rèn luyện khả năng tư duy cho nghiên cứu sinh là chủ yếu. Do vậy, nghiên cứu sinh chưa thể đạt đến trình độ cao để viết được bài báo quốc tế. Ngay cả những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới cũng không dễ có bài đăng tạp chí quốc tế chứ chưa nói gì đến trình độ của nghiên cứu sinh.

Đối với mỗi nước, không phải tất cả các trường đại học ở các nước trên thế giới đều đạt tới trình độ quốc tế trong đào tạo nghiên cứu sinh, do trình độ phát triển của mỗi nền giáo dục. Mặt khác, ngay cả những trường hàng đầu thế giới cũng gặp vấn đề chất lượng trong đào tạo tiến sĩ, cũng như vấn nạn về gian lận trong giáo dục, thi cử, chứ không chỉ có ở Việt Nam. Do vậy, nếu rằng nếu không có bài quốc tế thì đào tạo tiến sĩ có chất lượng thấp và vẫn sẽ có vấn nạn trong giáo dục là không đầy đủ.

Một nền khoa học ở mỗi quốc gia cũng có quy luật phát triển của riêng nó, chịu sự chi phối bởi nhiều yếu tố, từ con người, văn hóa, giá trị truyền thống, thể chế chính trị… riêng. Ở nhiều nước, trong khoa học xã hội, yêu cầu bài báo khoa học quốc tế cũng không được đặt nặng bằng các khoa khoa học tự nhiên và thực nghiệm. Nhiều giá trị, chuẩn mực của một quốc gia là duy nhất, nên khi đánh giá một sự phát triển nhận thức, tư duy của mỗi quốc gia không chỉ dựa vào những tiêu chí do quốc tế xác lập và công nhận.

Đương nhiên, tiêu chuẩn mà khoa học hướng đến không phải là những giá trị biệt phái, nó cần phải hướng đến giá trị phổ quát. Nhưng mọi cái phổ biến có thể bắt đầu từ cái đơn nhất. Những giá trị của nhân loại cũng có thể bắt đầu từ những điều độc đáo của một dân tộc. Bài báo quốc tế có thể không thể đăng tải hết được các ý tưởng, tìm tòi của các nhà nghiên cứu và ứng viên tiến sĩ, nhất là ở các ngành khoa học xã hội, khoa học lý luận liên quan đến an ninh chính trị, văn hóa tư tưởng.

Phóng viên: Ông vừa đề cập đến những vấn đề về đào tạo tiến sĩ từ những khía cạnh thực tiễn. Sự phù hợp thực tiễn cũng là điểm đáng chú ý mà Quy chế mới hướng đến, thưa ông?

PGS,TS Đặng Quang Định: Điều 22 của Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT cũng quy định: “Căn cứ Quy chế này và những quy định hiện hành khác có liên quan, cơ sở đào tạo có trách nhiệm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế của cơ sở đào tạo; cụ thể hóa với yêu cầu ngang bằng hoặc cao hơn nhưng không trái với những quy định của Quy chế này…” là phù hợp với thực tiễn, góp phần thúc đẩy việc đào tạo tiến sĩ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay. Mỗi cơ sở đào tạo có thể tính đến những yếu tố đặc thù của mình để đào tạo tiến sĩ. Như vậy, so với quy chế năm 2017 thì quy chế này có nhiều thay đổi phù hợp với thực tiễn. Sự thay đổi này không làm giảm chất lượng luận án như nhiều ý kiến lo ngại.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.